Hôm nay (23/8), Lào Cai tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Lào Cai đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển” cùng sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho hơn 53 vạn đồng bào của 25 dân tộc trong tỉnh.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới với tổng diện tích tự nhiên 6.364,03km2. Toàn tỉnh có trên 781,1 nghìn người, gồm nhiều thành dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số toàn tỉnh (Trong đó dân tộc Hmông chiếm 26%; dân tộc Tày chiếm 15%; dân tộc Dao 14%; dân tộc Giáy 4,3%; dân tộc Nùng 4,3%; còn lại là các dân tộc khác như: Hà Nhì, Phù Lá, Sán Chay, Bố Y, La Chí...).
Toàn tỉnh có 140 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi (66 xã khu vực III, 04 xã khu vực II, 70 xã khu vực I); 1.199 thôn, tổ dân phố, trong đó 605 thôn đặc biệt khó khăn. Hiện tại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có khoảng 142.166 hộ với 568,7 nghìn người, trong đó có 26.690 hộ nghèo, chiếm 18,8%
Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III giai đoạn 2019-2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS, triển khai thực hiện toàn diện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được đồng bào các DTTS hưởng ứng.
Đại hội đại biểu các DTTS Lào Cai lần thứ IV năm 2024
Từ năm 2021, hầu hết các chương trình, chính sách trên địa bàn vùng đồng bào DTTS được tích hợp vào 3 Chương trình MTQG với tổng nguồn lực trên 7.300 tỷ đồng. Trong đó khoảng 5.100 tỷ đồng để đầu tư trên 1.000 công trình xây dựng cơ bản, 2.200 tỷ đồng để hỗ trợ các lĩnh vực: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sinh kế, chuyển đổi nghề, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, đạo tạo nâng cao năng lực.
Đến nay, các chương trình đã giải ngân trên 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 41% KH; việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của toàn tỉnh giảm sâu từ 25,19% năm 2021 xuống còn 14,94% năm 2023 (đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía bắc). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 31,3% xuống còn 18,8%. Lào Cai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 62/127 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 5 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, 60 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Đại biểu tham quan gian hàng thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày
Dự và chỉ đạo Đại hội, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ghi nhận và chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đồng thời, biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng DTTS và miền núi.
Ông Hầu A Lềnh cho biết: “Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu lập Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trên địa bàn các xã khi vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN, Ủy ban Dân tộc đang tích cực tham mưu cho Chính phủ, điều chỉnh Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai giai đoạn I: 2021-2025 theo Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, đồng thời chuẩn bị tốt công tác đánh giá kết quả quá trình thực hiện làm cơ sở thiết kế Chương trình giai đoạn II: 2026-2030.
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người DTTS tại chỗ và cán bộ DTTS rất ít người, phát huy vai trò của người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân.
Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.Vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy tính tự lực, tự cường của các dân tộc”.
Nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen
Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV đã tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý và thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2029 đạt được các mục tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 145 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 80%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm từ 2 - 3%/năm; 100% dân cư thành thị, nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt khoảng 98%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 80%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương đạt 90%... Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ IV kêu gọi đồng bào các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua phấn đấu, tự lực tự cường cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai phát triển giàu mạnh.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.