Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 12 năm 2022 | 21:36

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1-15/3/2023

Với 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, chiều 13/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên họp, 100% thành viên biểu quyết tán thành thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Ảnh: VGP/ĐH

Cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật

Tại phiên họp, báo cáo một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

"Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết; kịp thời tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để chỉnh lý dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ cơ bản tán thành mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân như đã nêu trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Luật.

Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc hình thức điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật do việc đánh giá tác động chính sách là một nhiệm vụ trong xây dựng hồ sơ dự án Luật, không nên gộp chung trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xem xét tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng khả năng tiếp cận dự thảo Luật và tính hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân.

Còn 2 loại ý kiến khác nhau

Về thời gian lấy ý kiến nhân dân (Điều 5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành thời gian lấy ý kiến nhân dân như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023). Thời gian lấy ý kiến nhân dân trong 2 tháng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện được chu đáo, kỹ lưỡng. Đồng thời, việc lấy ý kiến nhân dân kết thúc trong tháng 2/2023 giúp các cơ quan có thời gian tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, thực hiện quy trình thẩm định, thẩm tra dự án Luật trong tháng 3 - 4/2023, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 năm 2023.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 – 28/2/2023 trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/2023.

Đồng thời, để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật cũng như quy trình thẩm định, thẩm tra dự án Luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án Luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023 (tương tự như phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật, đặc biệt tập trung vào các vấn đề quan trọng và các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, nếu cần thiết nên xây dựng một đề án riêng về nội dung này.

Huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình.

Tuy nhiên, Chính phủ cần khẩn trương bổ sung nhiều nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý tại phiên họp. Xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. Đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp. Cần lưu ý vấn đề phát huy vai trò của các cơ quan của Quốc hội trong tham gia tổng hợp ý kiến xây dựng Luật cũng như phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác xây dựng và hoàn thiện dự án Luật.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Theo baochinhphu.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top