Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 8 năm 2023 | 13:7

Lễ hội Cầu mùa, nét văn hóa đặc trưng của người Cờ Lao

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) nét sinh hoạt văn hóa thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Cờ Lao.

Ngày 19/8 vừa qua, tại xã Túng Sán, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì đã diễn ra Lễ hội Cầu mùa dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán và báo cáo kết quả phục dựng lễ hội.

Phụ nữ Cờ Lao trong trang phục truyền thống (Ảnh minh họa -BHG)

Lễ Cầu mùa hay còn gọi là cúng Ngô mới là nét sinh hoạt văn hóa thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Cờ Lao. Lễ Cầu mùa thường được người Cờ Lao tổ chức hàng năm sau khi thu hoạch xong, lúa, ngô đã chất đầy bồ. Các gia đình thường chuẩn bị gà luộc và các sản phẩm nông nghiệp khác do chính người dân làm ra như xôi, rượu trắng, thịt lợn, hoa quả cùng tiền vàng và hương. Thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cơ bản để cảm tạ thần linh, trời đất và tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu. Đồng thời, cầu xin các vị thần linh tiếp tục phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, lúa ngô tươi tốt vào những mùa vụ sau.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì Hoàng Đức Tân, người Cờ Lao là dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Theo số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở, thời điểm tháng 4/2019, người Cờ Lao có trên 4.000 người; trong đó ở tỉnh Hà Giang có hơn 2.900 người và tại huyện Hoàng Su Phì có trên 1.000 người, chiếm 1,6% tổng dân số toàn huyện.

Mâm lễ được bà con chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Là dân tộc có bề dày về văn hóa truyền thống, người Cờ Lao hiện còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như âm nhạc, lễ hội, trang phục, nhà ở, tín ngưỡng, cấu trúc tộc họ, làng bản, các lễ thức, lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có Lễ Cầu mùa được tổ chức vào tháng Bảy âm lịch hằng năm.

 

Người Cờ Lao làm lễ cúng cầu mùa

Lễ hội này gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Cờ Lao, tín ngưỡng nông nghiệp và tục thờ danh nhân đối với nhân vật Hoàng Vần Thùng - người được cho là đã có công khai ấp, lập làng, giúp người Cờ Lao tồn tại và phát triển.

Cầu mùa là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán, thể hiện ước nguyện cầu cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, vật nuôi mau lớn, mùa màng bội thu, ước mong cuộc sống no đủ, gia đình được vạn sự bình an khỏe mạnh, mọi vật sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng... Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Phần hội với các hoạt động văn nghệ - thể thao sôi nổi (Ảnh minh họa - Đài PTTH HG)

Phần hội sẽ diễn ra các hoạt động văn nghệ như hát đối đáp, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ; hát trông con cháu, khúc hát nấu rượu… Ngoài ra, trong lễ hội còn diễn ra một số hoạt động thể thao, trò chơi dân gian truyền thống như chơi kéo co, đẩy gậy, đánh cù…

Trong Lễ Cầu mùa, bà con dân tộc Cờ Lao vui vẻ nói chuyện, hát hò (Ảnh: (TTXVN))

Theo ông Hoàng Đức Tân, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và Ủy ban Nhân dân xã Túng Sán tổ chức sưu tầm, phục dựng lễ hội và lập hồ sơ đề nghị, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Lễ Cầu mùa đang có nguy cơ mai một.

Ruộng bậc thang  ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) thu hút rất nhiều khách du lịch. (Nguồn ảnh - Internet).

Để bảo tồn nghi lễ và lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ sau, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban Nhân dân xã Túng Sán phục dựng, tổ chức lễ hội theo nguyên mẫu truyền thống.

Ông Min Phà Kháy, người có uy tín trong cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán bày tỏ phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ người Cờ Lao nói chung và người Cờ Lao xã Túng Sán nói riêng.

Ông cho biết thêm, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống, kinh tế-xã hội của bà con đã được cải thiện.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cầu mùa, nhiều hoạt động được tổ chức: văn nghệ, các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Cờ Lao; trình diễn nghề truyền thống và tổ chức các hoạt động trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa, kinh tế-xã hội đặc trưng của cộng đồng dân tộc Cờ Lao trên địa bàn.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top