Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 9 năm 2023 | 10:54

Liên kết, kết nối du lịch vùng ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc

ĐBSCL và Tây Bắc là hai vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành Du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, để du lịch hai vùng khai thác hết tiềm năng của mình cần tăng cường liên kết, kết nối vùng miền; làm sâu sắc thêm chất lượng kết nối vùng thông qua quảng bá sản phẩm du lịch.

Vùng sông nước hữu tình

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là 1 trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước. ĐBSCL có hệ sinh thái du lịch đặc sắc với đặc trưng văn hóa tiêu biểu gắn với sông nước; nơi hội tựu của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, nhiều lễ hội lớn nhỏ trong năm và đa dạng về kiến trúc tôn giáo lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ.

Du khách trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Hiệp hội du lịch ĐBSCL có nhiều phương thức phối hợp, hợp tác hiệu quả. Tiêu biểu là hoạt động của hai cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông và phía Tây mang đến nhiều hiệu quả như tổ chức tham gia gian hàng chung của khu vực, của cụm tại các sự kiện du lịch. Tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá tại miền Trung, Tây Bắc và Nhật Bản; phối hợp khảo sát, thẩm định các điểm tiêu biểu ĐBSCL hàng năm. Xây dựng các tour, tuyến du lịch tiêu biểu; các hoạt động tích cực hỗ trợ, kết nối với nhau giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài khu vực…

Với đặc ân được thiên nhiên ưu đãi về giá trị tài nguyên đa dạng và phong phú, lợi thế về du lịch biển đảo, sông nước; du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa – lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái và đặc biệt là sự chân chất, thật thà, mến khách của người dân Nam Bộ đã thu hút đông đảo du khách từ các vùng miền về với ĐBSCL.

Năm 2022, du lịch ĐBSCL thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32 ngàn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ĐBSCL đón gần 27 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch hơn 26 ngàn tỷ đồng, một con số ấn tượng trong phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc diễn ra mới đây, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết, thông qua hội nghị, Trà Vinh sẽ giới thiệu đến du khách vùng Tây Bắc về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh như: điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô, điểm du lịch nông nghiệp hạnh phúc Sokfarm, làng văn hóa - du lịch Khmer… Khám phá nét văn hóa đậm màu sắc của cộng đồng các dân tộc tại Trà Vinh như: Lễ hội Ok Om Bok, lễ Chôl Chnâm Thmây, lễ Sen Đon ta của đồng bào dân tộc Khmer, lễ hội cúng biển Mỹ Long của ngư dân ven biển, lễ hội Vu lan của đồng bào Hoa,…

Kỳ vĩ vùng đất Tây Bắc

Vùng đất Tây Bắc có tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người. Sa Pa - Thị xã trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải; Hồ Pá Khoang rộng lớn; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm; thung lũng Mai Châu; Cao nguyên Mộc Châu…

Vẻ đẹp của Tây Bắc luôn hấp dẫn du khách.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Ẩm thực Tây Bắc cũng mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với thắng cố, rượu ngô, gà bản, lợn cắp nách, thịt trâu gác bếp… Đây là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên vùng Tây Bắc và tiềm năng du lịch to lớn với nền văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc… Tây Bắc luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách ưa thích sự khoáng đạt, mạo hiểm muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa, khí hậu đặc trưng.

Đối với Lào Cai là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh đặc biệt để phát triển du lịch do nằm trên Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) với hệ thống đường sắt, đường cao tốc và sắp tới là đường hàng không, thuận lợi kết nối Lào Cai với nhiều địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, 2 vùng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch khi được thiên nhiên ưu đãi về giá trị tài nguyên thiên nhiên, khí hậu đa dạng và phong phú, lợi thế về du lịch biển đảo, sông nước; du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa - lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái...

Liên kết, kết nối cùng phát triển

Tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSSCL Lê Thanh Phong nêu rõ liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay để nâng tầm khu vực của một vùng, mỗi một địa phương. Đặc biệt, trong điều kiện vùng Tây Bắc và Tây Nam Bộ có nhiều tài nguyên du lịch mang tính chất, đặc điểm khác biệt nhau: Tây Bắc với "Núi rừng hùng vĩ, “Tây Nam Bộ với "Sông nước hữu tình”.

Giới thiệu tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại thành phố Cần Thơ.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại Cần Thơ năm 2023 do nhóm hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra vào đầu tháng 7/2023 với nhiều nội dung quan trọng, hoạt động đặc sắc, được công chúng đón nhận, ngành du lịch ĐBSCL nhiệt tình hưởng ứng và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách về vùng đất hùng vĩ về thiên nhiên, hào hùng về lịch sử, độc đáo về bản sắc văn hóa. Tiếp nối thành công trên, Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, kết nối du lịch 2 vùng miền, ngày càng gần lại nhau hơn và cùng nhau phát huy tiềm năng để du lịch của cả 2 vùng cùng cất cánh.

Theo các chuyên gia, việc liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa trong điều kiện vùng Tây Bắc và Tây Nam Bộ có nhiều tài nguyên du lịch mang tính chất, đặc điểm khác biệt nhau. Đó sẽ là sự bổ trợ cần thiết để khai thác, phát triển du lịch, chắc chắn du khách 2 vùng sẽ tìm đến để trải nghiệm sự khác biệt.

Sun World Fansipan Legend địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Bắc.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm, định hướng phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn, để du lịch trở thành một thành phần kinh tế quan trọng; tiếp tục tạo ra nhiều loại hình lịch mới thu hút khách du lịch. Các hiệp hội du lịch, trung tâm xúc tiến, doanh nghiệp quan tâm tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu các sản phẩm du lịch để du khách trong và ngoài nước ngày càng biết đến, mang lại nguồn thu cho người dân.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Ông Siêu đề nghị, các tỉnh, thành ĐBSCL và Tây Bắc trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững.

Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch…

Vùng ĐBSCL và các tỉnh Tây Bắc có nhiều tiềm năng về du lịch, việc hai vùng kết nối, liên kết cùng phát triển để nâng tầm, khai thác hết du lịch vốn có của mình là điều cần thiết. Hi vọng với sự vào cuộc liên kết, kết nói của các địa phương, thời gian tới du lịch hai vùng sẽ phát triển lên một tầm cao mới.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top