Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 1 năm 2023 | 8:59

Mâm ngũ quả và mong ước về 5 điều lành trong năm mới

Mâm ngũ quả từ lâu đã trở thành phẩm vật không thể thiếu ở mỗi gia đình để dâng lên tổ tiên những ngày Tết đến Xuân về.

Cách chưng mâm ngũ quả ở mỗi vùng miền cũng có nhiều điểm khác nhau. Chưng mâm ngũ quả như thế nào là đúng, mang đầy đủ ý nghĩa về mong ước một năm mới tốt lành? Phóng viên có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Trần Hoàng Phong, Phó Trưởng khoa Văn hóa du lịch – Công tác xã hội, Trường Đại học Đồng Tháp xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa Thạc sĩ Trần Hoàng Phong, vì sao người Việt Nam chúng ta chọn các loại trái cây để dâng lên tổ tiên trong ngày Tết và phải là 05 loại quả (mâm ngũ quả), phong tục này bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa như thế nào?

Thạc sĩ Trần Hoàng Phong – Phó Trưởng khoa Văn hóa du lịch – Công tác xã hội

Thạc sĩ Trần Hoàng Phong: Ngũ quả là 05 loại trái cây. Việc chưng và cúng mâm ngũ quả trong ngày Tết không rõ bắt nguồn từ bao giờ. Việc giải thích về nguồn gốc, ý nghĩa của mâm ngũ quả cũng có những ý kiến khác nhau và có sự biến đổi qua thời gian, không gian. Tuy nhiên, về đại thể có 03 cách giải thích:

Thứ nhất, xuất phát từ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong tín ngưỡng này, người ta thờ cúng tổ tiên đã khuất trên bàn thờ đặt tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Mỗi khi trong vườn nhà có cây trái, hoa lợi thì người ta sẽ chọn ra những quả đẹp nhất, ngon nhất dâng cúng tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo và cảm tạ tổ tiên.

Thứ hai, xuất phát từ triết lý âm dương – ngũ hành. Ngũ là 5, hành là sự vận động. Sự hài hoài của âm dương – ngũ hành là điều kiện để muôn loài sinh sôi, phát triển. Áp dụng ngũ hành vào các con số thì số 5 là số lẻ, số dương, số ở trung tâm, số “tham thiên lưỡng địa”, tượng trưng cho sự vận động và phát triển của thế giới. Trong mâm ngũ quả, người ta chọn 5 loại quả tương ứng với ngũ hành để cầu mọi sự trong năm mới được suông sẻ, thuận lợi, mọi việc được hanh thông. Ngoài ra, số 5 còn tượng trưng cho điều mong ước của gia chủ về 5 điều lành trong năm mới là: Phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an).

Thứ ba, xuất phát từ ảnh hưởng của Phật giáo. Theo kinh sách Phật giáo, ngũ quả là 5 loại trái cây mà các tỉ khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn.

Kinh Vu Lan (Ullambana Sutra) cũng có nhắc đến việc khi Phật còn tại thế, Mục Kiền Liên được khuyên chuẩn bị “Thức ăn trăm món, trái cây năm màu” để cúng dường mười phương Tăng trong ngày lễ tự tứ để cầu xin giải tội cho mẹ. Theo cách hiểu của nhà Phật, quả ngũ sắc tượng trưng cho ngũ căn: Tín, tấn, niệm, định, huệ. Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng rất nhiều của Phật giáo cho nên nhiều nét văn hoá của Phật giáo được phổ biến ra toàn xã hội. Năm loại trái cây trên đây cũng được dùng để cúng dường trong pháp hội Vu lan bồn. Về sau người ta dùng 05 loại trái cây để cúng Phật và lâu dần dùng để cúng cả tổ tiên.

Xét về cách thức thực hành, có thể thấy cách giải thích thứ nhất và thứ ba là hợp lý hơn.

Phóng viên: Chưng mâm ngũ quả như thế nào là đúng với truyền thống? Những loại quả không nên chưng?

Thạc sĩ Trần Hoàng Phong: Như phần trên đã nói, do có sự không đồng nhất trong cách hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của mâm ngũ quả nên việc chưng mâm ngũ quả và các loại quả không nên chưng cũng có sự khác biệt ở từng thời điểm, từng nơi.

Miền Bắc thường chọn 05 loại quả gồm: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt và được phối theo màu sắc kim - trắng, mộc - xanh, thủy - đen, hỏa - đỏ, thổ - vàng. Cách trưng bày truyền thống là nải chuối xanh ở dưới cùng làm bệ đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác ở phía trên. Ở giữa là quả bưởi, các loại quả khác bày xung quanh. Quýt hoặc quất được cài vào các kẽ còn trống. Các loại quả có thể được thay thế sao cho đảm bảo về màu sắc.

Miền Trung thường gồm các loại quả: Thanh long, chuối, phật thủ, dưa hấu, bưởi. Ngoài ra còn có thể dùng mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt v.v.. Người miền Trung thường trưng bày mâm ngũ quả với ý nghĩa cầu chúc một năm mới dựa theo tên gọi, hương vị của các loại quả được sử dụng. Cụ thể: Nải chuối, phật thủ - mang ý che chở, bảo bọc; Hồng, quýt - tượng trưng cho sự thành đạt; Thanh long - ý rồng mây gặp hội; Bưởi, dưa hấu - căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn. Ngoài ra, người miền Trung còn bày cả những loại quả có sẵn trong vườn nhà để dâng cúng tổ tiên, thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn.

Miền Nam thường gồm các loại quả gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Có khi có thêm quả sung hoặc dưa hấu hoặc cả hai. Nếu như miền Bắc tuân thủ thuyết ngũ hành và ngũ sắc trong mâm ngũ quả, miền Trung dùng tên gọi và hương vị của các loại quả thì miền Nam sử dụng thủ pháp liên tưởng trong ngôn từ làm trọng tâm. Đó là lời nguyện: Cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài), sung túc (sung).

Mâm ngũ quả miền Nam: Mãng cầu – sung – dừa – đu đủ - xoài

Do mỗi vùng miền có quan niệm khác nhau về ý nghĩa của mâm ngũ quả nên việc kiêng kị lựa chọn một số loại trái cây chưng trên mâm ngũ quả cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc trong việc kiêng kị trong việc lựa chọn trái cây như: Không chưng trái cây giả, trái cây có mùi nặng, trái cây chín muồi hoặc nhanh hỏng, trái cây có tên gọi không hay hoặc gợi lên điều không tốt, trái cây có hình dáng quá sắc cạnh, xù xì, gai góc, xấu.

Phóng viên: Vì sao có sự khác nhau về quan niệm, cũng như trong cách chọn trái cây để làm mâm ngũ quả ở các vùng miền?

Thạc sĩ Trần Hoàng Phong: Chưng mâm ngũ quả trong ngày Tết là một nét văn hoá của dân tộc. Văn hoá được tạo dựng dựa trên điều kiện sống của con người. Nó không phải là một cái gì nhất thành bất biến mà luôn vận động, biến đổi cho phù hợp với không gian, thời gian.

Mỗi vùng miền của đất nước có điều kiện tự nhiên khác nhau nên sản vật cũng khác nhau. Bên cạnh đó, nền tảng và sự giao lưu văn hoá của các vùng miền là khác nhau nên không tránh khỏi đặc trưng văn hoá của mỗi vùng có những điểm khác biệt. Việc chọn các loại trái cây chưng trên mâm ngũ quả ở 3 miền của Tổ quốc có những nét riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, đó vẫn là nét văn hoá chung, có nhiều tương đồng về mục đích, ý nghĩa, chỉ là sự khác biệt trong cách thể hiện.

Phóng viên: Người dân miền Nam chưng mâm ngũ quả với 05 loại trái cây khác nhau, có nhiều sự biến tấu miễn sao tên gọi nghe hay, phù hợp với mong ước năm mới sung túc. Điều này thể hiện nét văn hóa theo vùng miền như thế nào?

Thạc sĩ Trần Hoàng Phong: Do điều kiện lịch sử, vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, giao lưu văn hoá và nhiều yếu tố khác nên người dân miền Nam có tính cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới, phóng khoáng, ít câu nệ hình thức. Trong suy nghĩ và hành động người miền Nam cũng ít quan tâm đến những thứ rắc rối, phức tạp. Họ chuộng cái đơn giản, thiết thực. Do đó, việc chưng mâm ngũ quả ở miền Nam được biến tấu với những loại trái cây khác nhau cũng là điều bình thường và dễ hiểu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thạc sĩ Trần Hoàng Phong!

Nguyệt Ánh thực hiện/dongthap.gov.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top