Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2024 | 15:5

Mở cửa thị trường, xuất khẩu nông sản thêm nhiều “ngôi sao”

Bên cạnh những mặt hàng "hot" như sầu riêng, cà phê hay gạo, thời gian gần đây ngành nông sản xuất khẩu có thêm nhiều "ngôi sao" mới.

Nông dân phấn khởi khi giá lúa gạo đang ở mức cao.

Nhiều điểm sáng

Xuất khẩu nông sản bứt tốc mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm với nhiều mặt hàng chủ lực đạt giá trị trên 1 tỷ USD.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước ước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với cà phê và lúa gạo, rau quả cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng Thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc.

Ngành rau quả đang được kỳ vọng lập nên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay khi lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu của năm. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu.

Đáng chú ý, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã tăng giá mạnh trong thời gian qua như cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng. Đây tiếp tục là những mặt hàng nông sản sẽ có xu hướng tăng trong năm nay. Nguyên nhân của tăng trưởng là do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, cũng như chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực.

Theo Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh, mặc dù các mặt hàng nông sản có tính thời vụ, không thể bổ sung nguồn cung ngay lập tức, song giá nông sản sẽ tiếp tục neo cao trong ngắn và trung hạn, ít nhất là đến hết quý II năm nay.

Một điểm sáng nữa là giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường đều tăng trong 4 tháng qua. Giá trị xuất khẩu năm 2024 tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông sản Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều "tân binh" mở thị trường

Mới đây, ngành rau quả xuất khẩu đón nhận một thành viên mới là mặt hàng củ sen khi tỉnh Đồng Tháp hoàn tất việc xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông của tỉnh sang thị trường Nhật Bản.

Lô củ sen cấp đông của Đồng Tháp xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản.

Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc Nhà máy Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt - đơn vị xuất khẩu lô củ sen, cho biết sau lô hàng đầu tiên này, dự kiến đối tác Nhật Bản sẽ nhập thêm 8 container với tổng trị giá khoảng 7 tỉ đồng. Còn ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp, lạc quan cho biết loại sen xuất khẩu là giống có thể trồng khắp các tỉnh miền Tây và cho thu hoạch quanh năm, năng suất từ 5 - 7 tấn/ha/vụ (4 tháng). Hiện nay nhu cầu tiêu thụ củ sen tại thị trường Nhật khoảng 100.000 tấn/năm, trong khi Trung Quốc lên đến 2 triệu tấn/năm.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.800 ha sen, sản lượng mới chỉ khoảng 1.500 tấn/năm. Sen lấy củ trồng theo quy trình được bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg, ước tính mỗi vụ nông dân lãi 40 - 45 triệu đồng/ha.

Trong nhóm sản phẩm xuất khẩu triển vọng phải đến kể một mặt hàng có tiềm năng cao và cơ hội lớn là trái dừa tươi. Năm nay nắng nóng gay gắt, xuất khẩu dừa tươi không chỉ tăng tới 3 con số mà giá dừa tươi tại vườn cũng tăng tới 50 - 60%, lên mức 110.000 - 120.000 đồng/chục (12 trái). Ở thời điểm hiện tại, dù mưa đã xuất hiện khá nhiều khắp cả nước nhưng nắng nóng vẫn còn nên sức tiêu thụ dừa tươi vẫn đang rất tốt, bình quân giá khoảng 15.000 đồng/trái. Trong những ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua thậm chí dừa hút hàng giá tăng đến 20.000 đồng/trái, cao gấp đôi so với những năm trước.

"Quá trình đàm phán kỹ thuật cho trái dừa tươi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cơ bản hoàn tất. Hiện tại chỉ chờ các cấp lãnh đạo chính thức ký kết Nghị định thư để hoạt động xuất khẩu chính thức bắt đầu. Bên cạnh dừa tươi còn có mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Việc ký kết Nghị định thư sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho trái dừa tươi của VN ở thị trường quan trọng này", Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho hay. 

Nâng cấp “con đường” xuất khẩu nông sản

Trung Quốc hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng lượng nhập khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc hằng năm là khoảng 260 tỷ USD, thì Việt Nam mới chiếm thị phần chưa đến 5%. Đầu tư logistics, nâng cấp “con đường” xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trên cơ sở chuyển đổi hiệu quả từ tiểu ngạch sang chính ngạch chính là giải pháp khơi thông xuất khẩu, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu mạnh trong thời gian qua.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng: Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới. Riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trọng tâm của ngành rau quả là sầu riêng thì việc giữ ổn định chất lượng và giám sát chất lượng trở nên vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sầu riêng đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Myanmar tại thị trường Trung Quốc.

Đối với xuất khẩu tôm-mặt hàng chủ lực ngành thủy sản, bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm (VASEP) thông tin: Tính tới 15/3/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 104 triệu USD, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh. Các sản phẩm tôm chế biến chủ yếu của Việt Nam được ưa chuộng ở Trung Quốc là há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc chuẩn hóa chất lượng các mặt hàng này. Vì mới đây, Trung Quốc đã cảnh báo và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador-quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc. Cụ thể, đầu năm 2024, tôm Ecuador bị “soi” tại thị trường này sau khi có thông tin sản phẩm bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.

Bên cạnh quản lý tốt chất lượng hàng xuất khẩu, chúng ta cũng cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Nguyễn Hữu Quân cho biết: Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, Việt Nam nên xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một số ngành hàng/nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Thí dụ, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người (như phố đi bộ); biên tập cẩm nang giới thiệu lịch sử, văn hóa, ẩm thực về sầu riêng, măng cụt nhằm tạo thương hiệu hàng Việt Nam; xem xét có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi cũng khuyến nghị các địa phương Việt Nam nên tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy. Ngoài ra, cần xây dựng các video ngắn quảng bá về thương hiệu, hình ảnh nông sản Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Tiktok, Wechat, Weibo... để tìm kiếm lượng khách hàng lớn và đa dạng”- ông Nguyễn Hữu Quân nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam có 14 mặt hàng được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quý I/2024 là lần đầu tiên trong quý I các năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vượt 1 tỷ USD, đạt 1,23 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ thị trường Trung Quốc khi giữ vị trí dẫn đầu về trị giá xuất khẩu, đạt 759,4 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đã đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023./.

 

Thanh Tâm (t/h theo thanhnien, kinhtedothi, Nhandan...)
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank giành hai giải thưởng danh giá tại The Asset Triple A Treasurise Awards 2024

    Techcombank giành hai giải thưởng danh giá tại The Asset Triple A Treasurise Awards 2024

    Hai hạng mục giải thưởng Triple Star Awards, được tạp chí The Assets trao tặng cho giải pháp “Chứng chỉ tiền gửi Bảo lộc” và “QRCode 247” của Techcombank, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của ngân hàng và khẳng định vị thế tiên phong của ngân hàng này trong quá trình phát triển các giải pháp tài chính số cho các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

  • TH true MILK: Rộng mở cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    TH true MILK: Rộng mở cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    Tập đoàn TH (sở hữu thương hiệu TH true MILK) đã kết nối với nhiều nhà mua quốc tế tại chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing Expo 2024, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu qua các kênh phân phối Walmart, Woolworths, AEON. Chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế (Vietnam International Sourcing Expo 2024) tại TP.HCM đã thu hút hơn 300 kênh phối đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

  • Khám phá những đặc quyền chỉ dành cho chủ xe VinFast VF 9

    Khám phá những đặc quyền chỉ dành cho chủ xe VinFast VF 9

    Bên cạnh các ưu đãi sẵn có, với chính sách chăm sóc đặc biệt mới của VinFast, chủ sở hữu VF 9 sẽ nhận được những đặc quyền như sử dụng trạm sạc miễn phí, sửa chữa, bảo dưỡng ưu tiên hay thậm chí là bán lại xe và được đổi xe mới nếu muốn.

Top