Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 1 năm 2023 | 21:17

Một số Lễ hội đầu năm của người Việt

Lượng khách đi hành hương trong những ngày đầu năm Quý Mão đông hơn so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới... Các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lượng du khách bắt đầu trở lại với Yên Tử

Đại diện Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) cho biết, lượng khách đến với Yên Tử trong 2 ngày đầu năm Quý Mão đông hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến lượng khách sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Cụ thể, ngày Mùng Một Tết (21/1), Yên tử đón 2.679 khách và ngày Mùng 2 (22/1) đón 5.796 khách. Lũy kế từ ngày 1/1/2023 đến 23/1/2023 lượng khách đến Yên Tử là 17.818 khách.

Hơn 8.000 lượt khách đến với Yên Tử trong 2 ngày đầu năm Quý Mão. Ảnh: Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cung cấp.

Cũng theo Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, công tác chuẩn bị cho việc đón khách, nhất là vào đợt cao điểm đã được đơn vị phối hợp cùng các đơn vị liên quan lên phương án từ trước Tết. Nhân sự được huy động tối đa, 100 xe điện cũng được điều đến để phục vụ việc đưa đón khách đi lại trong khu di tích. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở các quán hàng được kiểm tra gắt gao để đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với Yên Tử.

Đặc biệt, du khách khi đến với Yên Tử sẽ được thưởng thức nhiều chương trình vui xuân đón Tết mang đậm nét văn hóa cổ truyền đã được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán năm nay như: hát quan họ, vẽ tranh Đông Hồ, khám phá ẩm thực địa phương…

Lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm 2023 được tổ chức vào sáng 31/1 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão) với sự tham gia của gần 5.000 đại biểu, du khách, tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh tham dự.

Những điểm mới trong Lễ hội Gióng năm 2023

Lễ hội Gióng ở Đền Sóc là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội dịp đầu Xuân năm mới. Năm 2023, huyện Sóc Sơn sẽ có những đổi mới để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Là một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước.

Để tưởng nhớ, ca ngợi người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, Lễ hội Gióng Đền Sóc là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Năm 2010, Lễ hội Gióng ở Đền Sóc được (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội Gióng Đền Sóc là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm.

Năm 2023, lễ hội Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc sẽ được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Sóc Sơn tổ chức trong 3 ngày, từ 27-29/1 (tức ngày 6-8 tháng Giêng năm Quý Mão). So với những năm trước, lễ khai hội Gióng được diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ 6h30, thay vì 7h như năm trước.

So với mọi năm, phần lễ không có quá nhiều thay đổi. Sau lễ dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế là lễ rước và lễ tế của các thôn làng. 8 lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Quý Mão 2023 vẫn sẽ là: Ngựa sắt, cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng và đặc biệt là giò hoa tre.

Sau khi làm lễ tại sân Rồng, lễ tế và trầu cau sẽ được tiến cung để ông Gióng chứng giám, sau đó lộc sẽ được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để tất lộc cho du khách. Hình thức này vẫn giữ được truyền thống là tất lộc cho du khách, kịch bản, quy trình của lễ hội cam kết với UNESCO không có gì thay đổi.

Điểm nổi bật khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2023 sẽ tập trung vào phần hội với nhiều nét mới. Theo đó, các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội duy trì như: Đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đập niêu đất, hội thi nấu cơm… Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng sẽ được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc. 

Lễ hội Gióng 2023 sẽ là lần đầu tiên nghi thức Kéo Mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc được tổ chức. Bên cạnh đó, khác với mọi năm, hội thi đấu vật thay đổi phương thức tổ chức, thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu thì du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên một sân chơi mở cho tất cả người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội Gióng Xuân Quý Mão 2023 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc đã cơ bản hoàn thành. Địa phương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc và các phòng, ban đơn vị liên quan nhằm bảo đảm công tác tổ chức lễ hội đúng quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá của dân tộc.

Trong công tác chuẩn bị, huyện đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát… gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ. Các hoạt động văn hóa, như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, thi đấu vật, nấu cơm, kéo co… được tổ chức tại nhiều điểm trong không gian di sản, giảm tải việc tập trung đông người khu vực hành lễ.

Công tác chuẩn bị cho Lễ hội Gióng Xuân Quý Mão 2023 được thực hiện trước Tết Nguyên đán.

Năm nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng có sự thay đổi, theo đó người dân địa phương sẽ cùng tham gia vào lễ hội, thực hiện các tiết mục văn hóa truyền thống. Theo ông Hồ Việt Hùng, khó khăn lớn nhất hiện nay của việc tổ chức lễ hội Đền Sóc là chưa có các bãi đỗ xe chính thức, từ đó có khả năng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Trước mắt, huyện cũng đã có phương án để tháo gỡ những khó khăn về bến, bãi đỗ xe.

Trước đó, tại buổi làm việc với các đơn vị trong việc tổ chức Lễ hội Xuân 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các quận, huyện trong đó có huyện Sóc Sơn từ nay đến khi diễn ra lễ hội, các địa phương phải thường xuyên rà soát công tác tổ chức, lường trước các nguy cơ, vấn đề phát sinh để chủ động kế hoạch, giải pháp xử lý tình huống, trong đó chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ…

Tuyệt đối không để việc biến tướng tín ngưỡng thành dịch vụ mang tính trục lợi, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Phối hợp với các sở, ngành Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội. Đặc biệt, tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong không gian thờ tự, từ đó, định hướng, bồi đắp ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống.

Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Theo UBND quận Đống Đa, Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay diễn ra từ 6h đến 16h ngày 26/1 (mùng 5 Tết Quý Mão) bao gồm cả phần lễ và phần hội.

Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, đây là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.

Khác với năm 2022 Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chỉ tổ chức phần lễ do dịch COVID-19, năm nay lễ hội tổ chức cả phần lễ và phần hội.

Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khai mạc mùng 5 Tết.

Phần lễ bao gồm lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương. Lễ rước kiệu từ 6-8 giờ.

Sau chương trình đón tiếp đại biểu, biểu diễn nghệ thuật, từ 10h30 bắt đầu phần hội với các hoạt động: Văn nghệ truyền thống, cờ người, cờ tướng...

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử là một trong những chiến công chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam kéo dài suốt 2 thế kỷ.

Năm Kỷ Dậu 1789 cũng là năm đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu từ nay đến khi diễn ra lễ hội, các địa phương thường xuyên rà soát công tác tổ chức, lường trước các nguy cơ, vấn đề phát sinh để chủ động có kế hoạch, giải pháp xử lý tình huống, trong đó chú trọng công tác an ninh trật tự, an toàn cứu hộ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ…, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong lễ hội.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội về ý nghĩa, giá trị lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong không gian thờ tự, từ đó định hướng, bồi đắp ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản cho hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian bài bản, chuyên nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng… đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

“Di tích gò Đống Đa là điểm đến rất ý nghĩa, nhưng chỉ thu hút du khách vào dịp lễ hội, những ngày sau thường rất vắng vẻ. Địa phương cần chú ý xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục di sản tại di tích thêm hấp dẫn, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn gợi ý.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top