Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 7 năm 2023 | 15:58

Một số kỹ năng cần thiết khi xảy ra cháy cho nhà ống

Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng tầng 1 để kinh doanh, phía trên "chuồng cọp" không có ô thoát hiểm, vì vậy khi xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy cơ hỏa hoạn ở những căn nhà ống

Thời gian qua toàn quốc xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại năng nề về người và tài sản. Để giảm số vụ cháy, cũng như những thiệt hại về tải sản và tính mạng con người đối với dạng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, bản thân chủ hộ kinh doanh, sản xuất và mỗi cá nhân cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường là loại hình nhà xây dựng tự do và không theo quy hoạch. Do hồ sơ thiết kế xin phép là xây dựng nhà ở, nên hầu hết không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Vụ cháy khiến 3 người tử vong tại căn nhà kết hợp kinh doanh trong ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy nổ (Ảnh: Linh Nhi)

Khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sang dạng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì cải tạo, sữa chữa lại. Chính vì vậy, khi đưa vào sử dụng sẽ không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC hoặc không phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh nên thường mắc thêm phụ tải hoặc lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn dẫn đến quá tải đường dây dẫn điện. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy như: dùng dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện kém chất lượng; kỹ thuật đấu nối không đúng;…

Mặt khác do diện tích nhà nhỏ, phải tận dụng tối đa diện tích, kể cả cầu thang, hành lang để hàng hoá dễ cháy; nơi đun nấu, thờ cúng ở gần sát với các vật liệu, chất dễ cháy. Đây là những hoạt động có nguy cơ phát sinh cháy, nổ cao.

Cùng với đó, các hộ gia đình không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, hoặc có nhưng thiếu về số lượng và không đảm bảo chất lượng; không biết thao tác, sử dụng dụng cụ và phương tiện chữa cháy,… chính là những hạn chế trong công tác PCCC tại chỗ.

Qua điều tra về các vụ cháy, nổ ở loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, theo Cảnh sát PCCC Công an Thành phố, có bốn nhóm nguyên nhân chính: Ý thức chấp hành về quy định an toàn phòng cháy của chủ cơ sở còn hạn chế; người lao động tại các nhà ở này còn xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân mình trong quá trình lao động, làm việc; vi phạm các quy định an toàn PCCC trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng; vi phạm các quy định an toàn PCCC trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trong quá trình kinh doanh, sản xuất.

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật, sau đây là những giải pháp đảm bảo an toàn và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an thành phố Hà Nội:

Những vụ cháy thương tâm

Ngày 8/7 thông tin từ Công an TP Hà Nội, khoảng 5h22, Trung tâm Thông tin chỉ huy nhận được tin báo cháy tại số nhà 12, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa. Theo đó, Trung tâm thông tin chỉ huy điều động 4 đơn vị, cùng xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe chở phương tiện và cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH xuống hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn. 

Khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ làm đẹp, nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60 m2 (chiều rộng khoảng 2,5 m, chiều dài khoảng 24 m), kết cấu bê tông cốt thép. Căn nhà có các lối thoát hiểm ở tầng 1, tầng 2 và tầng 6 nhưng bị chặn bởi song sắt, vật dụng và hàng hóa khiến các nạn nhân không thể thoát ra được.

Vụ cháy khiến 3 người mắc kẹt, tử vong, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Danh tính các nạn nhân gồm: cháu N.Q.M. (SN 2010), cháu N.P.U. (SN 2012) và chị D.T.D (SN 2004). Ngay sau khi nhận được thông tin vụ hoả hoạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo Công an thành phố tập trung chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Tương tự, ngày 27/6, xảy ra cháy tại một nhà dân tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Hậu quả 2 người tử vong. Ngày 22/6, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cháy một nhà ở kết hợp kinh doanh khiến 3 người tử vong. Ngày 10/6, một nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cháy lúc nửa đêm, 6 người được giải cứu nhưng vụ cháy đã khiến 3 ông cháu tử vong.

Hay như trước đó, khoảng 1h ngày 4/4/2021, nhiều người phát hiện lửa và khói bốc ra từ cửa hàng bán đồ sơ sinh ở số 311 phố Tôn Đức Thắng đang đóng kín cửa. Thời điểm xảy ra cháy, trong nhà có nhiều người lớn và trẻ em đang ngủ.

Ngay khi nhận được tin báo, Công an quận Đống Đa điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường tổ chức dập lửa và cứu nạn.

Tới sáng, thi thể các nạn nhân đã được đưa ra ngoài. Lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm những người còn mắc kẹt bên trong.

Có thể thấy, thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại khu dân cư, hộ gia đình, nhất là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Công an khuyến cáo người dân kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy

Khi phát hiện cháy, người dân cần bình tĩnh tìm ngọn lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.

Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…

Không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy. Ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh hơn.

Đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt. Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hoả tìm ra bạn.

Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy.

Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng. Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng. Tuyệt đối không xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói. Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.

Tuyệt đối không quay lại khi đã thoát ra ngoài được; không quay vào khu vực bị cháy vì có thể bị nguy hiểm. Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hoả tiếp cận và cứu người mắc kẹt một cách nhanh nhất.

Các nhà, công trình có lồng sắt: Cần thiết trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.

Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể di chuyển tới nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Theo KTS Trần Huy Ánh cho hay, do diện tích đất xây nhà ở Hà Nội không được rộng nên người dân thường xuyên xây dựng các ngôi nhà “ống”. Cùng đó, người dân còn lắp đặt, hàn các “chuồng cọp” bịt kín nhà cửa cho nên lúc xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm.

“Để tránh xảy ra các vụ việc thương tâm, người dân, hàng xóm láng giềng cần quan tâm nhau hơn để khi xảy ra sự cố mọi người có thể thông báo kịp thời. Đặc biệt, việc người dân xây dựng chuồng cọp cũng đang tự “giết” chính người thân gia đình mình. Vì vậy, người dân có thể lắp đặt các cầu thang ngoài ban công sang nhà hàng xóm, hay lối thoát hiểm để khi xảy ra hỏa hoạn có thể ngay lập tức di dời sang đến các vị trí khác”, ông Ánh nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, mỗi người dân và các gia đình cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy; trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hạn chế tối đa thiệt hại, thương vong.

 

 
 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top