Trong 5 ngày vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại các khu vực miền núi như Kỳ Sơn (122mm), Tương Dương (90mm); Quỳ Châu (98mm)... Đồng thời, lượng nước từ bên Lào về lớn nên đã gây ra hiện tượng ngập ứng, sụt lún, sạt lở đất, sạt lở giao thông, thiệt hại nhà cửa, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.
Nhiều huyện miền núi ngập úng và xuất hiện sạt lở, lũ ống
Thông tin từ người dân các huyện Thanh Chương, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn cho biết, đêm 26/9, nhiều bản, làng trắng đêm không ngủ vì lo sợ mưa lũ, nước dâng. Nhiều gia đình bị ngập đồ đạc, nguy cơ bị nước lũ cuốn nên ra đường tìm nơi cao ráo chống chọi sáng đêm.
Tại huyện Quỳ Châu, đoạn Quốc lộ 48 đi qua địa bàn xã Châu Hội bị ngập khiến xe cộ không thể lưu thông. Mực nước tại cầu treo Châu Hội đã mấp mé mép cầu, người dân không dám đi qua. Nhiều ruộng lúa, ao cá của người dân Châu Hội bị nước ngập, thiệt hại gần như hoàn toàn.
Hình ảnh lũ gây nên ngập úng tại huyện Quỳ Châu
Tại bản Lâm Hội, nước lên nhanh khiến nhiều tuyến đường và trường mầm non bị ngập cục bộ. Cán bộ xã, bản và người dân trắng đêm kiểm tra, nhắc nhở và hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng.
Tại xã Châu Bình, nhiều nhà dân ngập và dọc một số tuyến đường, người dân phải ra đường tránh ngập. Đến sáng nay 27/9 nước đã rút, người dân trở lại nhà dọn dẹp. Tuy nhiên, một số tuyến đường vẫn ngập.
Toàn huyện Quỳ Châu có các xã bị ảnh hưởng như: Châu Bình ngập từ dốc 77 (phía trên đập phụ Bản Mồng) đến đầu xã Châu Bình, ngập khu dân cư bản Khoang, bản Đồng Phầu, bản Bình Ba, bản Kẻ Kang. Xã Châu Hạnh ngập khu dân cư bản Tà Lành, sạt lở đoạn đường tại dốc Kẻ Lè, ngập một đoạn Quốc lộ QL48 giáp thị trấn Tân Lạc.
Tại xã Châu Thắng, ngoài ngập đoạn QL48 phía chân dốc Bù Bài, còn sạt lở núi tại điểm tiếp giáp với xã Châu Tiến, ngập cầu Châu Thắng và dân cư hai bên cầu. Còn tại xã Châu Tiến, ngập các ruộng lúa, khu dân cư bản Minh Tiến dọc bờ sông.
Tại huyện Quế Phong, một số bản của xã Tiền Phong, Quang Phong mưa lũ cũng gây ngập nhà cửa, người dân trắng đêm cứu đồ đạc, di dời đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 26/9 tại huyện Quế Phong mưa lớn kéo dài. Đến sáng 27/9 trời vẫn tiếp tục mưa khiến rất nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Các điểm sạt lở nặng như: Tuyến đường vào xã Nậm Giải; Quốc lộ 16 đoạn qua dốc Chuối; tuyến giao thông Đồng Văn - Thông Thụ.
Sạt lở Quốc lộ 16, đoạn qua xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.
Mực nước tại nhiều sông, suối đang lên nhanh, các xã như: Quang Phong, Cắm Muộn, Mường Nọc, Tiền Phong, Thông Thụ nước dâng gây ngập úng, nhiều trường học, nhà dân cũng bị ngập. Việc một số nhà máy thuỷ điện trên địa bàn huyện Quế Phong xả lũ cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng.
Tuyến Quốc lộ 48 qua các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong hiện tại nước ngập gây ách tắc giao thông tại 4 điểm: Km88; Km91+400; Km94; Km106. Có 2 điểm sạt taluy dương tại Km85+700 đoạn dốc Kè Lè và Km98+100 đoạn dốc Bù Bài.
Do sạt lở nên các loại phương tiện không thể lưu thông. Nhiều cánh đồng lúa, hoa màu bị ngập, một số nhà dân cũng bị sập. Thiệt hại do mưa lớn kéo dài đang được huyện Quế Phong cập nhật.
Trước tình hình trên, huyện Quế Phong đã chỉ đạo các xã lập các chốt tại những đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao; bố trí người túc trực tại các cầu tràn cảnh báo người dân không ra sông vớt củi, bắt cá nguy hiểm đến tính mạng. Công tác cứu hộ người dân ở các lán trại cũng đang được cấp ngành triển khai đồng bộ.
Hình ảnh ngập lũ tại một xã ở huyện Thanh Chương
Tại huyện Thanh Chương, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên từ tối 25/9, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa to và rất to, kéo dài, lượng mưa lên tới 300-400mm làm ngập úng cục bộ ở một số nơi trên địa bàn huyện như xã Thanh Liên, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Hương…
Tại huyện Kỳ Sơn, lúc khoảng 9h xuất hiện lũ ống ở địa bàn thị trấn Mường Xén. Trước sự việc này, chính quyền đã huy động nhân lực, vật lực hỗ trợ di dời người và đồ đạc bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn.
Hàng trăm hecta cây trồng vụ đông bị úng ngập, đổ ngã do mưa lớn
Theo báo cáo nhanh của UBND các huyện, thị xã, thành phố, mưa lớn đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hàng trăm ha cây trồng vụ đông tại các địa phương bị đổ ngã, úng ngập, hư hại nặng; tập trung tại các huyện Diễn Châu, thành phố Vinh, Thanh Chương...
Chiều 26/9, mưa lớn đã làm hơn 12 ha rau VietGAP của Hợp tác xã Dịch vụ và Tổng hợp nông nghiệp Vinh Xuân, xã Hưng Đông bị ngập úng, hư hại, thiệt hại trên 70%.
Bà Nguyễn Thanh Trà ở xóm Vinh Xuân, xã Hưng Đông cho biết: Sau mưa lớn trong 2 ngày 25- 26/9, vườn rau của gia đình cơ bản đã bị hư hại. Có dự báo mưa nên tôi đã ra hái bớt rau, đến sáng hôm qua chỉ mới một số diện tích rau cải bị hư. Nhưng đến chiều mưa to quá, rau mầm ngập hết, hai vợ chồng tập trung ra nhổ, vớt vát được một ít.
Theo ông Võ Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đông: Toàn xã có 15 ha rau, trong đó diện tích bị ngập chủ yếu nằm ở vùng rau tập trung, còn lại hơn 3 ha trong vườn nhà dân ít bị ảnh hưởng hơn. “Mưa lớn liên tục, trong khi hệ thống kênh mương Nghi Kim- Nghi Vạn vẫn chưa thi công xong nên nước tiêu thoát chậm. Tối 26/9, xã đã thuê máy xúc cào đất, thông thoáng mương để tiêu thoát nước nhanh nên tình trạng ngập úng đã được tạm giải quyết”, ông Võ Thanh Nam cho biết.
Nhiều diện tích rau cải mầm bị ngập, hư hỏng
Huyện Diễn Châu là địa phương có diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh, đến chiều 26/9, đã có 330 ha ngô, lạc và rau màu bị úng ngập.
Sáng 27/9, tuy chưa có con số tổng hợp chính thức, nhưng theo ông Võ Anh Khoa - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện diện tích cây trồng bị ảnh hưởng đã tăng lên rất nhiều. Một số xã như Diễn Hoàng đã có 140 ha bị ngập, tăng thêm 70 ha so với chiều hôm qua; xã Diễn Hùng từ 35 ha ngô bị đổ ngã đã tăng lên 60 ha ngô và 10 ha rau; xã Diễn Hải đã có 65 ha ngô bị đổ ngã… Diện tích ngô bị ảnh hưởng chủ yếu ở giai đoạn 7-8 lá đến trổ cờ phun râu, mặc dù không bị chết nhưng năng suất cũng sẽ không đáng kể.
Khó khăn hiện nay của huyện Diễn Châu là do triều cường lên nên nhiều thời điểm hệ thống cống tiêu thoát buộc phải đóng lại để tránh xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước vùng màu.
Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An đến cuối ngày 26/9 cũng cho biết, toàn tỉnh có trên 372 ha diện tích cây trồng ngô, lạc, rau màu các loại bị ngập, đổ ngã. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu ở huyện Diễn Châu 330 ha, Thanh Chương 16,5 ha, thành phố Vinh 12 ha, Đô Lương 9 ha… Do diện tích lúa hè thu đã thu hoạch xong, nên đến thời điểm hiện tại, không có thiệt hại về lúa.
Nhiều cống tiêu xả hết công suất để chống ngập úng
Trước tình trạng mưa lớn kéo dài trên diện rộng, trong 2 ngày 26 và 27/9, nhiều cống tiêu trên địa bàn tỉnh được xả hết công suất để chống ngập úng.
Thời điểm này, cống tiêu Diễn Thành, (Diễn Châu), các công nhân đang túc trực vận hành. Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Diễn Châu cho biết: Cống tiêu Diễn Thành chủ yếu tiêu lũ cho các huyện Diễn Châu, Yên Thành. Từ năm 2019, cống tiêu này đã được nâng cấp nên vận hành thuận lợi, không còn tình trạng bèo tây mắc ở cửa cống.
Sáng ngày 27/9, thuỷ triều xuống, đơn vị cho mở 3 cửa cống, mỗi cửa cống có chiều rộng 19 mét, mức xả đạt gần 600 m3/s. Tại cống Diễn Thuỷ, xã Diễn Ngọc, sáng nay đã xả cả 3 cửa cống với mức xả trên 100 m3/s, các công nhân đang tích cực trục vớt bèo tây ngay tại cửa cống.
Cống ba ra Nghi Quang (Nghi Lộc) xả trên 300 m3/s
Tại cống ba ra Nghi Quang (Nghi Lộc) từ sáng 27/9 đang được xả hết công suất. Ông Hoàng Văn Hương - Trạm trưởng Trạm ba ra cho biết: Cống ba ra Nghi Quang tiêu lũ cho huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP. Vinh và một phần của huyện Nam Đàn.
Cống có 13 cửa được vận hành bằng điện, tất cả đều được kéo lên hết với lưu lượng xả trên 300 m3/s. Khó khăn hiện nay, cống ba ra Nghi Quang hiện có nhiều hạng mục xuống cấp, như hệ thống cửa van đều bị hỏng, khiến công tác vận hành gặp những hạn chế.
Cũng thời điểm này, cống tiêu Bình Sơn ở xã Quỳnh Hưng và cống tiêu 4B xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu đang xả ở mức từ 30-35 m3/s, 2 cống tiêu trên thoát lũ cho các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hồng, Quỳnh Văn, Quỳnh Bá. Hiện nay, tại khu vực cống Bình Sơn bèo tây phủ kín nên rất khó khăn cho công tác tiêu thoát lũ. Công nhân tại cống Bình Sơn phải thay nhau để trục vớt bèo tây ngay tại miệng cống này.
Đại diện Chi cục Thuỷ sản Nghệ An cho biết: Địa bàn Nghệ An hiện có khoảng gần 20 hệ thống tiêu lớn nhỏ, như cống ba ra Nghi Quang, ba ra Bến Thuỷ, cống Thượng Xá, Nghi Xá, cống tiêu Diễn Thành, Diễn Thuỷ… Hiện nay chỉ mới cống Diễn Thành được nâng cấp, còn lại hầu hết xuống cấp, khó khăn vận hành trong mùa mưa lũ.
Thời điểm này, Chi cục Thuỷ lợi chỉ đạo các đơn vị thuỷ lợi, công nhân bám sát địa bàn, túc trực 24/24h, xả nước theo phương châm “gạn triều, tiêu úng”; theo dõi mực nước để quá trình xả không để nước mặn xâm nhập.
Chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung bao gồm:
Huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở.
Hình ảnh lũ ống xuất hiện tại thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - TKCN và PTDS tỉnh.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.