Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 12 năm 2023 | 9:47

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế Hà Nam đứng thứ 8 toàn quốc

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị thế giới tiếp tục có nhiều biến động; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và người lao động. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH vượt kế hoạch đề ra, Hà Nam tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc.

Tại Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 -2026, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - Trương Quốc Huy thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam chủ tọa Kỳ họp

Theo đánh giá: Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, song với sự chỉ đạo tập trung, điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nam cơ bản giữ được ổn định và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Ước cả năm đạt và vượt 13/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) cả năm ước đạt trên 50.200 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,41%, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người đạt 96,3 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm 2022. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước đạt trên 12.800 tỷ đồng, đạt 98% dự toán Trung ương giao, 95,2% dự toán địa phương.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 195.058,7 tỷ đồng, tăng 12,0% so với thực hiện năm 2022 và đạt 98,5% kế hoạch. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 8.585,0 tỷ đồng, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022, đạt 99,87% kế hoạch.

Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, ngành dịch vụ, du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ sau khi tỉnh triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu, từ đó tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 4.380,0 nghìn lượt khách, tăng 38,8% so với năm 2022, đạt 115,26% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2022, đạt 108,7% kế hoạch năm 2023. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 46.375 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thực hiện năm 2022...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam - Lê Thị Thủy phát biểu

Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm, tổ chức thành công các Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, Singapore, Malaysia và Mỹ. Từ đầu năm đến ngày 20/11/2023, tỉnh đã thu hút được 47 dự án (trong đó 25 dự án FDI và 22 dự án trong nước) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 32 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 393,8 triệu USD và 8.427,6  tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực (tăng 3,7% so với cùng kỳ), trong đó 369 dự án FDI và 787 dự án trong nước với vốn đăng ký 5.415,5 triệu USD và 168.894,4 tỷ đồng.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và đảm bảo tính bền vững của hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch; hạ tầng kết nối các tuyến đường quốc gia, các khu, cụm công nghiệp, cảng logictics; quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, từng bước đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị…Trong năm, nhiều dự án quan trọng được khởi công, xây dựng như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành quốc lộ 21 (Đoạn từ đường ĐH.05 huyện Kim Bảng đến nút giao đường T3 với quốc lộ 21); Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý; Trung tâm thương mại GO! Hà Nam; khai trương Khu phức hợp thể thao Legend Valley Country Club tại Hà Nam... Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 7,85% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm 2023.

Văn hóa – xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi với điểm nhấn là tổ chức thành công Tuần văn hoá, du lịch Hà Nam năm 2023, chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” và các hoạt động văn hóa, thể thao hưởng ứng Tuần văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2023; Chương trình giao lưu nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản...Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,49%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 42,1%, tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt 93,2%. Quốc phòng được củng cố vững chắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 và một số vấn đề đặt ra cần tập trung chỉ đạo như: còn một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, các dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh tăng so với cùng kỳ. Công tác quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ; công tác giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án còn khó khăn, tiến độ giải ngân chậm; một số dự án kéo dài. Tình hình tội phạm, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, tai nạn giao thông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường còn hạn chế...

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - Trương Quốc Huy báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023.

Bước sang năm 2024 - năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định khả năng thực hiện và hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức tác động đến thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, UBND tỉnh đặt ra 16 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu. Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 55.400 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023.Thu ngân sách Nhà nước đạt 16.076,0 tỷ đồng, tăng 25,5% so với ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,96%, giảm 0,53% so với năm 2023. Phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH đề ra, UBND tỉnh Hà Nam xác định tập trung thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025, Nghị quyết kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các Chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên thu hút phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, sạch, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như: sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu mới, lắp ráp ô tô, xe máy…

Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới bền vững. Huy động mọi nguồn lực tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM; chú trọng các tiêu chí về cải thiện môi trường sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu đến hết năm 2024 toàn tỉnh có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực…

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, gắn phát triển văn hóa, phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quan tâm giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu năm 2024, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 86,0 điểm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 65,0 điểm; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 45,0 điểm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, thực thi pháp uật, phòng chống tham nhũng, làng phí. Củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội…

 

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top