Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 2 năm 2024 | 9:48

Năm mới, động lực mới từ Quốc hội

Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (diễn ra trong 3,5 ngày, từ ngày 15-18/1), Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Luật Đất đai góp phần tạo nguồn lực phát triển đất nước

Sau 4 kỳ họp cho ý kiến, ngày 18/1, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025 (trừ một số điều khoản cụ thể).

Nói về những điểm mới, mang tính đột phá để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trên thực tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết: “Nếu liệt kê chi li thì hàng trăm điểm mới”. Tuy nhiên, là người tham gia nghiên cứu cùng cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Hiếu nêu 5 nhóm nội dung vấn đề mới: Thứ nhất, đó là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, có nhiều quy định mới, như thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội...

Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Như đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...

Thứ tư là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.

Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, quan trọng nhất là nâng cao về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh. Có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho người dân giám sát việc thực thi liên quan đất đai.

Ông Hiếu cũng chia sẻ, cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, giải trình phải đối diện 3 thách thức trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai. Trước hết, yêu cầu của Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri là rất cao; yêu cầu, đòi hỏi tiếp thu, giải trình các ý kiến phải kỹ lưỡng tất cả ý kiến nhưng thời gian vật lý lại không nhiều. Một dự án luật 50 điều khoản có thể không phải là vấn đề, nhưng với một đạo luật tới 260 điều như Luật Đất đai, đôi khi nghiên cứu một ý kiến đại biểu đã phải mất nửa buổi, chưa kể thiết kế, chỉnh lý phương án.

Để “hoá giải 3 thách thức trên, không có cách nào khác là Ủy ban Kinh tế phải tăng cường nhân sự làm liên tục, quyết tâm nỗ lực cao hơn để đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: “Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung”.

Tám cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với tỉ lệ tán thành cao. Đáng chú ý, 8 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu rõ trong Nghị quyết này để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình này trong thời gian tới.

Quốc hội vừa thông qua cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong ảnh: Làm đường giao thông nông thôn ở Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng

Theo đó, Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ 8 cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Điều 4.

Thứ nhất, về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên từng chương trình mục tiêu quốc gia. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 xã (gần 78%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1.612 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong ảnh: Xã Phú Mỹ của huyện  biên giới huyện Giang Thành (Kiên Giang) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Hồng Đạt

Thứ hai, về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Nghị quyết quyết nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định tại các Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội.

Thứ ba, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia trong trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy định về các nội dung này.

Thứ tư, về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất, Nghị quyết cũng quyết nghị chủ dự án phát triển sản xuất quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án phát triển sản xuất. Căn cứ quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chủ dự án thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Thứ năm, về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Nghị quyết quy định tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không áp dụng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sau: Tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng, có vốn hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước; tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án; tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không quá 20% giá trị tài sản.

Cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản trong quá trình thực hiện dự án.

Thứ sáu, về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Nghị quyết nêu rõ, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc bố trí vốn ngân sách cân đối của địa phương, bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên, giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động sau đây của các chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở; phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch nông thôn.

Đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, huyện nghèo; cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025, Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá hai (02) huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm…

Thứ tám, về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nghị quyết nêu rõ, căn cứ danh mục dự kiến đã báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cùng cấp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo tổng vốn thực hiện các dự án; không bắt buộc giao tên danh mục dự án trong trung hạn…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua cho đến khi Quốc hội có quy định khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top