Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 7 năm 2023 | 15:3

Nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Thời gian gần đây, tình hình cháy nổ tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Thực trạng này đòi hỏi người dân phải coi trọng công tác PCCC và cảnh giác hơn nữa với hỏa hoạn. Đặc biệt là trang bị những kỹ năng xử lý khi đám cháy xảy ra cho các thành viên trong gia đình.

Những vụ hỏa hoạn thương tâm

Tháng 6, toàn quốc xảy ra 211 vụ cháy, làm chết 09 người, bị thương 11 người. Trong đó, nhiều vụ cháy tại nhà dân, diện tích cháy không lớn nhưng thiệt hại lớn về người, khiến nhiều người trong cùng một gia đình tử vong. 

Ngày 8/7, cháy xảy ra tại căn nhà ở ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội làm 3 người thiệt mạng. Đám cháy bắt đầu từ tầng 1 của căn nhà sau đó lan lên các tầng khác. Căn nhà bị cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dich vụ, nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60 m2, kết cấu bê tông cốt thép. Căn nhà có các lối thoát hiểm ở tầng 1, tầng 2 và tầng 6 nhưng bị chặn bởi song sắt, vật dụng và hàng hóa khiến các nạn nhân không thể thoát ra được.

Chỉ trong 3 tháng trở lại đây, hàng chục vụ cháy nhà dân đã xảy ra gây hậu quả lớn về người, thậm chí nhiều người trong cùng một gia đình tử vong, đặc biệt là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Ngày 27/6, xảy ra cháy tại một nhà dân tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Hậu quả 2 người tử vong. Ngày 22/6, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cháy một nhà ở kết hợp kinh doanh khiến 3 người tử vong. Ngày 10/6, một nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cháy lúc nửa đêm. 6 người được giải cứu nhưng vụ cháy đã khiến 3 ông cháu tử vong.

 

Hiện trường vụ cháy nhà tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng ngày 12/5.

Còn tại TP Hà Nội, Ngày 13/5, 4 bà cháu đã tử vong trong vụ cháy xảy ra đầu giờ sáng tại một căn nhà ống, rào kín song sắt cửa sổ ở quận Hà Đông.

Trước đó 1 ngày, ngày 12/5, một phòng trà thiết kế dạng nhà ống ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng bốc cháy dữ dội. 1 người may mắn thoát được bằng lối mái nhà, 3 nhân viên của quán đã tử vong.

Trong nhiều vụ cháy nhà dân, các công trình đều có lối thoát nạn, nhưng lại gia cố bằng khung sắt, chuồng cọp, khiến việc thoát nạn và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Dẫn tới thương vong về người trong các đám cháy. Đây là thực trạng nhức nhối. Những đợt tuyên truyền cao điểm, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 cho ngôi nhà đã được lực lượng Công an cơ sở tiến hành. Thế nhưng, để thay đổi được nhận thức và ý thức của người dân, không phải là điều dễ dàng.

Theo thống kê mới nhất, hiện toàn quốc có gần 24,5 triệu nhà ở riêng lẻ, trong đó có hơn 1,1 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chỉ trong 1 năm qua, cả nước tăng thêm hơn 300.000 nhà ở riêng lẻ. Nhà ở kết hợp kinh doanh tăng thêm khoảng 24.000 công trình. Con số này phần nào lý giải cho việc tại sao gần đây xảy ra quá nhiều vụ cháy liên quan tới loại hình công trình này. Trong khi đó, hạ tầng đô thị nhiều ngõ nhỏ, đông dân cư. Nhiều khu vực, xe chữa cháy không thể tiếp cận, khi xảy ra sự cố, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Vụ chảy xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 20/6 tại một nhà dân ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngay khi phát hiện có khói tràn lên phòng ngủ, anh Bùi Hoàng Điệp - chủ nhà, đã xác định cháy xảy ra ở tầng 1, vì thế anh đã gọi các thành viên khác trong gia đình, bình tĩnh tìm cách lên điểm cao nhất của ngôi nhà để tạm tránh sự nguy hiểm của ngọn lửa cũng như chờ lực lượng cảnh sát cứu hộ.

Vụ cháy vừa xảy ra ngày 17.5 tại gia đình anh Anh Đào Nguyên Quang, ngõ 125 phố Vĩnh Phúc,  phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội.

5h sáng, phát hiện có cháy, lửa nhanh chóng bùng to. Không thể di chuyển xuống dưới tầng 1. 5 thành viên của gia đình trèo qua lối ban công, bình tĩnh thoát nạn sang nhà kế bên. Rất may công trình này cũng không cơi nới, lắp đặt chuồng cọp, việc thoát nạn bởi vậy cũng dễ dàng hơn.

Những ví dụ cụ thể cho thấy, khi có kỹ năng xử lý, người dân hoàn toàn có thể thoát nạn một cách an toàn khi cháy xảy ra.

Làm gì để đảm bảo an toàn tính mạng khi có sự cố cháy

Trước tình hình hỏa hoạn diễn ra đang mỗi lúc một phức tạp, hiện nay tại nhiều địa phương, nhiều cơ quan ban ngành xác định việc nâng cao ý thức và kỹ năng PCCC cho người dân, đang là mục tiêu quan trọng hàng đầu được lực lượng Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai, với tinh thần đặt sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết.

Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng đang tiếp tục được nhân rộng trên toàn quốc và được người dân đồng tình hưởng ứng với những hiệu quả tích cực. Mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

Nhiều địa phương đã đạt chỉ tiêu 100%  nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và liền kề nhau tham gia “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”.

Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, do đặc thù "đất chật - nhà hẹp" nên việc tận dụng nơi ở là nơi sản xuất, kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để phòng tránh cháy nổ, ý thức PCCC của mỗi người vẫn là quan trọng nhất.

Cảnh sát PCCC TP.HCM đưa ra những khuyến nghị để phòng cháy và chữa cháy trong khu dân cư; nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các bancông, tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà...

Một nguyên tắc quan trọng là sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như tủ điện, ổ cắm điện...) tối thiểu 0,5m. 

Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh nên đảm bảo mỗi nhà có ít nhất một bình chữa cháy

Không tích trữ, chứa xăng dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ...

Cửa đi ra ngoài tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ. 

Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Nhà ở có bancông, cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy nổ... 

Đối với tầng mái (sân thượng), nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.

Để công tác PCCC thự sự có hiệu quả, theo luật sư Đặng Văn Cường Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, để giảm thiểu những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp, từ giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật đến giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phải kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh kết hợp với nhà ở, những ngành nghề kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao.

Với các khu dân cư, đặc biệt là các khu đông dân thì phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy tốt hơn, tuyên truyền phổ biến để người dân tuân thủ quy định pháp luật về PCCC. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc quản lý giám sát, đảm bảo các điều kiện về PCCC.

Bên cạnh đó, cần phải quy trách nhiệm, gắn trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC. Những hành vi vi phạm quy định về PCCC dẫn đến xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, đồng thời phải tuyên truyền để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Khi mọi người dân đều có hiểu biết, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn về PCCC và tuân thủ quy định pháp luật về PCCC.

“Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về công tác quản lý đối với việc PCCC thì mới giảm thiểu được những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng giảm bớt những thiệt hại cho nhân dân” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Cảnh giác với những biến tướng tinh vi của thủ đoạn lừa đảo giả danh cán bộ PCCC

Thời gian gần đây, trên địa bàn Quận 12, TP. HCM đang xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC để lừa đảo các hộ kinh doanh (KD) buôn bán hàng nội thất, giường, nệm, rèm cửa... nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc...

Theo đó, chị N.T.H. ngụ tại H.Hóc Môn (có cơ sở sản xuất (SX) giường sắt tại P.Tân Thới Nhất, Q12) đến Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quận 12 (CAQ12) để tìm gặp “chị Ngân”. 

Chị H cho biết, người phụ nữ xưng tên ‘Ngân’ có nick zalo là Ngân Phạm đã kết bạn với chị H qua Zalo và giới thiệu là cán bộ PCCC CAQ12. Do hình đại diện Zalo có xe chữa cháy, trạng phục chữa cháy nên chị H tin tưởng. Sau đó, Ngân có đặt 16 chiếc giường sắt 1m2 (giường tầng) cho cán bộ chiến sỹ và yêu cầu chị H báo giá.

Báo giá xong Ngân đồng ý nên chị H cho công nhân tiến hành SX. Khi làm xong, chị H đã nhắn tin yêu cầu Ngân chuyển tiền cọc và cung cấp địa chỉ giao hàng. Tuy nhiên, Ngân lại tiếp tục đặt thêm 16 tấm nệm 1m4 và nói: ‘Khi nào nhận hàng xong thì sẽ giao tiền’.

Chị H ngạc nhiên vì giường 1m2 lại đặt đệm 1m6 nên nhắn tin hỏi, thấy Ngân không hồi đáp nên đã gọi điện nhưng cũng không thấy Ngân bắt máy. Vì thế, chị H tìm đến Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CAQ12 để tìm "Ngân” nhưng thực tế ở đây không có cán bộ nào tên Ngân. Được cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, CAQ12 phân tích thủ đoạn của đối tượng, chị H mới hiểu ra mình bị lừa…

Theo CAQ12, thời gian gần đây, có một số đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC để lừa đảo các hộ KD mua bán nội thất, giường, nệm, rèm cửa... nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc của họ, bằng thủ đoạn như sau: Đầu tiên, các đối tượng gọi đến cơ sở KD, xưng danh là cán bộ làm việc tại Đội Cảnh sát PCCC Công an các địa phương, yêu cầu báo giá và đặt làm các mặt hàng. Sau khi công ty báo giá, các đối tượng nói hôm sau bộ phận tài vụ sẽ chồng tiền cọc.

Tiếp đó, các đối tượng lại nhờ cơ sở KD mua giúp các sản phẩm, phụ kiện đi kèm phù hợp với mặt hàng đã đặt, tập trung về một công ty cho dễ vận chuyển và thanh toán hóa đơn. Chúng đề nghị cơ sở mua sản phẩm, phụ kiện đi kèm tại công ty (bên thứ 3) mà chúng giới thiệu.

Sau đó, chúng yêu cầu giao hàng gấp và bộ phận tài vụ chuyển khoản tiền cọc trước… Nhóm này giả vờ xin số tài khoản rồi làm giả hình ảnh chuyển tiền. Sau khi gửi hình ảnh cho cơ sở, chúng hối thúc chuyển tiền cọc cho phía công ty (bên thứ 3). Nếu không cẩn thận, thấy phiếu chuyển khoản thành công sẽ chuyển tiền cọc thì nạn nhân sẽ “sập bẫy”.

Để dễ lừa đảo, nhóm này lấy hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đăng lên tài khoản Zalo cá nhân. Các đối tượng lừa đảo không trực tiếp gặp mặt mà chỉ thực hiện giao dịch qua điện thoại và rút tiền chuyển khoản. Các đối tượng cũng thường chọn những doanh nghiệp KD nhỏ, mới hoạt động để dễ thực hiện hành vi lừa đảo.

Một thủ đoạn khác, các đối tượng gọi điện đến các cơ sở KD nhỏ, mới thành lập, tự xưng là cán bộ PCCC CAQ12 và cho biết, “Công an đã gửi công văn, thông báo về phường mời Công ty đến CAQ để lấy Giấy gia hạn đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và tiếp tục KD sau hai năm hoạt động”.

Các đối tượng dùng lời lẽ có tính chất đe dọa và nói dồn dập để khiến người nghe không kịp trao đổi, trình bày. Sau đó, nếu nạn nhân không đủ bình tĩnh và tỉnh táo các đối tượng sẽ yêu cầu cơ sở chuyển tiền và Công an sẽ gửi giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn về PCCC về cho cơ sở qua UBND phường hoặc đường bưu điện…

Để tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo và trở thành nạn nhân của chúng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CAQ12 khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

Nếu có đối tượng gọi điện thoại, tự xưng là cán bộ PCCC CAQ12 hoặc các cơ quan thực thi pháp luật khác để thông báo, đe dọa và yêu cầu chuyển tiền, mua tài liệu hoặc đóng phạt… người dân phải hết sức bình tĩnh suy xét và không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng; đồng thời cung cấp ngay thông tin về sự việc, thông tin về đối tượng (nếu có) cho cơ quan công an gần nhất hoặc trực tiếp liên hệ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an Quận 12 (SĐT: 0283 7153114); hay nhắn tin đến Trang zalo của Đội Cảnh sát PCCC Công an Quận 12 để phản ánh, cung cấp thông tin tố giác tội phạm.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top