Hơn 1 tháng qua, nắng nóng kéo dài đã khiến mực nước của nhiều hồ chứa, đập dâng trên địa bàn Hà Tĩnh xuống thấp, tác động xấu đến hoạt động tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp.
Đã 4 năm nay, đập dâng Khe Táy (xã Lộc Yên, Hương Khê) mới rơi vào tình trạng cạn nước như bây giờ. Hiện nay, mực nước đã ở mức thấp hơn mực nước thiết kế hơn 1m, nếu giảm thêm 10 cm nữa sẽ... chạm mực nước “chết”.
Anh Nguyễn Xuân Thành - Trạm trưởng trạm Sông Tiêm (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho hay: "Đập dâng Khe Táy cấp nước tưới cho 130 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang (Hương Khê). Nắng nóng gay gắt, không có mưa nên hiện nay chỉ 60 ha lúa của xã Lộc Yên đảm bảo nguồn nước tưới, còn 70 ha tại xã Gia Phố và Hương Giang không đủ nguồn cấp".
Còn tại hồ chứa nước Đập Mưng (xã Điền Mỹ, Hương Khê) có cao trình mực nước thiết kế 20m nhưng hiện nay chỉ còn đạt 15,40m. Đây là mực nước thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hồ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 70 - 80 ha của xã Điền Mỹ. Năm nay, nắng hạn kéo dài nên mực nước trong hồ cạn sớm. Hồ có 2 cống lấy nước phục vụ tưới nhưng do mực nước xuống quá thấp nên nước không thể chảy qua cống B, nếu mực nước giảm thêm 40cm nữa thì cống A cũng sẽ bị “tê liệt”. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, với tình trạng hiện nay, nếu vài ngày tới không có mưa thì nguy cơ thiếu nước tưới cho những vùng sau hồ Đập Mưng trong những đợt tiếp theo là rất cao.
Mực nước nhiều hồ đập trên địa bàn Hà Tĩnh xuống thấp
Cùng với Hương Khê, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh là những vùng tưới gặp nhiều khó khăn nhất của Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh. Nguyên nhân là vì địa bàn chia cách, nhiều vùng núi và hồ, đập nhỏ. Những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, hồ chứa Mộc Hương (nằm ở địa phận phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) có dung tích thiết kế 1,97 triệu m3 nước đã "tụt" hẳn còn khoảng 35% so với dung tích thiết kế. Hơn 100 ha lúa hè thu luôn trong tình trạng "thấp thỏm" vì thiếu nước.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện đang quản lý và vận hành 33 hồ chứa, 4 đập dâng. Qua theo dõi thông số vận hành, hiện, tình trạng thiếu nước, cạn nước xuất hiện khá phổ biến ở các hồ, đập nhỏ và hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh. Thực trạng này đã tác động xấu tới công tác vận hành, điều tiết nước tưới ở các vùng tưới. Đặc biệt, ở các vùng cao cưỡng, cuối nguồn tưới của kênh thủy lợi, nhiều chân ruộng hè thu đã nằm trong vùng báo động hạn hán như: Hương Giang, Phú Phong, Hòa Hải, Phúc Trạch (Hương Khê); Cẩm Hà, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Việt Tiến, Thạch Kênh (Thạch Hà); Kỳ Khang, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh)...
Tại Vũ Quang, Hương Sơn..., tình trạng hồ, đập thủy lợi cạn đáy, chực chờ mực nước “chết” cũng khá phổ biến. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, 100% hồ chứa, đập dâng trên địa bàn chỉ đạt 30 - 50% so với mực nước thiết kế.
Nguồn nước phục vụ sản xuất điện của Nhà máy Thuỷ điện Hương Sơn được lấy từ hồ Nước Lạnh. Theo nhận định, năm nay là năm nhà máy gặp khó khăn nhất trong vận hành sản xuất, kinh doanh do hồ chứa thiếu nước. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, không có nguồn nước mưa bổ sung nên mực nước của hồ Nước Lạnh liên tiếp giảm sâu.
Theo ghi nhận trong ngày 17/7, nguồn nước tại hồ Nước Lạnh đã tiệm cận mực “nước chết”. Cụ thể: Cao trình hồ Nước Lạnh thời điểm này chỉ đạt 798,70 m so với mực nước biển, gần chạm mực “nước chết” (mực nước chết là 798,50 m so với mực nước biển).
Trong bối cảnh khó khăn, Nhà máy Thuỷ điện Hương Sơn phải tính toán, cân đối nguồn nước để chủ động phục vụ sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy vậy, hiện nay, nhà máy chỉ vận hành được 1 tổ máy với sản lượng điện phát lên lưới tầm 70 – 90 MW/ngày (trong khi cùng kỳ năm ngoái nhà máy sản xuất từ 160 – 200 MW/ngày).
Nhiều diện tích chè ở Hương Sơn bị cháy lá
Ông Nguyễn Chí Tâm - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay: “Địa phương đang quản lý, vận hành 86 hồ chứa, đập dâng quy mô vừa và nhỏ. Từ đầu năm lại nay, lượng mưa rất ít, nắng nóng kéo dài nên mực nước tại các hồ chứa, đập dâng giảm. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng và đưa vào khai thác lâu năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây rò rỉ, thất thoát nguồn nước. Điển hình như: các đập Đình Đẹ, Cây Thị, Tri Báo; hồ Phố Tây... ”.
Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hằng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nắng gay gắt khiến mực nước ở hơn 50% số hồ đập trên địa bàn đã giảm mạnh, đe dọa đến nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Theo ngành chuyên môn, nếu tình trạng này kéo dài, tới đây, một số công trình sẽ bị... tê liệt do cạn nguồn nước.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.