Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024 | 15:18

Ngành Nông nghiệp sớm về đích với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Xuất khẩu của ngành Nông nghiệp đã đi được 2/3 chặng đường của năm 2024 với con số rất ấn tượng đạt hơn 46 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 21%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đây là cơ sở để toàn ngành cùng nỗ lực sớm cán đích 55 tỷ USD trong năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều tăng cao.

Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 71%

Trong tháng 9/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023; trong đó, xuất khẩu nông sản chính 3,41 tỷ USD (tăng 50,9%), lâm sản 1,33 tỷ USD (tăng 11%), thủy sản 920 triệu USD (tăng 13,4%), chăn nuôi 46,1 triệu USD (tăng 19,1%).

Tính chung 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng và đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%, nhập khẩu 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%...

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; cà phê 4,37 tỷ USD, tăng 39,6% trong khi lượng xuất khẩu giảm 10,5%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%; hạt điều 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả 5,87 tỷ USD, tăng 39,4); tôm 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; cá tra 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%; hạt tiêu 1 tỷ USD, tăng 46,9%.

Giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng, trong đó cà phê tăng cao nhất với 56% đạt 3.897 USD/tấn; đứng thứ hai là hạt tiêu đạt 4.941 USD/tấn tăng 49,2%; tiếp đến là cao su tăng 19%, gạo tăng 13,1%...

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), XK rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi đã vượt mốc 5,6 tỉ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. XK rau quả 9 tháng năm 2024 đã bằng kim ngạch của cả năm 2023 và sẽ tăng mạnh trong quý cuối của năm nay.

"XK rau quả nhiều khả năng vượt mốc 6 tỉ USD" - ông Vũ Tuấn Anh - CEO Công ty GLE nhận định.

Trong khi đó, số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy 9 tháng năm 2024, XK hồ tiêu của Việt Nam đã đạt trên 200.000 tấn, giá trị hơn 1 tỉ USD (trong khi đó cả năm 2023 chỉ đạt 912 triệu USD). Giá trị XK hồ tiêu đã tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu 9 tháng đầu năm, sầu riêng nổi lên là loại “trái cây vua”. Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD, tức kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc một DN xuất khẩu sầu riêng ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng so với hàng Thái Lan, giá cả cũng cạnh tranh hơn. Nhờ đó, lượng sầu riêng xuất khẩu tăng lên và còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường Trung Quốc. Năm nay, DN của ông Thanh dự kiến xuất khẩu gần 500 container sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi tháng 10 này, các tỉnh Tây Nguyên vào chính vụ thu hoạch. Sầu riêng nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu riêng Việt Nam sẽ rất cao. Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng được thu mua tại vườn dao động 42.000-95.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này giúp nông hộ đạt lợi nhuận lớn từ loại trái cây này.

 Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn vượt mốc 3 tỷ USD.

Một mặt hàng nông sản đạt giá trị “khủng” khác, đó là cà phê. Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Dù giảm số lượng, nhưng trị giá kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 9 tháng lại tăng 30%. Cũng với thời gian trên, nếu như xuất khẩu gạo đạt gần 4 tỷ USD thì mặt hàng rau quả cán mốc 4,8 tỷ USD. Đây là nhóm hàng dự báo có nhiều bứt phá về kim ngạch xuất khẩu.

Trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng như: Châu Á tăng 17,4%; châu Mỹ tăng 26,1%; châu Âu tăng 34,6%; châu Đại Dương tăng 16,1%; riêng châu Phi giảm 0,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất với mức 21,6%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 20,8% và Nhật Bản chiếm 6,6%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng năm 2024 là 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nông sản là19,95 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chăn nuôi 2,8 tỷ USD, tăng 9,2%; thuỷ sản 1,89 tỷ USD, giảm 2,5%; lâm sản 2,09 tỷ USD, tăng 25,7%; đầu vào sản xuất 5,67 tỷ USD, tăng 4,6%; muối 26 triệu USD, giảm 21,8%.

Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ châu Á 9,4 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Mỹ 7,99 tỷ USD, tăng 13,9%; châu Đại Dương 1,3 tỷ USD, giảm 39,4%; châu Âu 1,5 tỷ USD, tăng 22,4% và châu Phi 1,3 tỷ USD, giảm 12,2%.

Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc phê duyệt và triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... từ cuối năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 21%, duy trì xuất siêu trung bình mỗi tháng trên 1,5 tỷ USD.

Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Đến nay, các địa phương đã thiết lập và cấp 7.639 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.557 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu sẽ sớm đón nhận thêm các tin vui với việc trong chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Việt Nam đã có buổi hội kiến Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Hà Lập Phong.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị phía Trung Quốc đẩy tiến độ mở cửa thị trường với nông sản, trái cây có thế mạnh của Việt Nam như quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả. 

Việt Nam đề xuất phía Trung Quốc đẩy tiến độ mở cửa thị trường với nông sản, trái cây có thế mạnh của Việt Nam như quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả. 

Cùng đó, Bộ trưởng cũng đề xuất nước này sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với một số trái cây đã xuất khẩu theo diện truyền thống để hàng nông sản Việt Nam có cơ hội nhiều hơn đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.

Dồn lực xuất khẩu cuối năm

Theo nhận định từ Khối phân tích của VNDirect, với dữ liệu PMI tích cực và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong vài tháng qua, đơn vị này duy trì đánh giá khả quan đối với triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.

Việc chủ động nguyên liệu, tăng cường chế biến sâu và chinh phục được nhiều thị trường sẽ giúp ngành nông sản nước ta tiếp tục xác lập các con số kỷ lục về xuất khẩu. Hiện các nhà máy nông sản trong nước đang tăng tốc thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Mỗi ngày, nhà máy này chế biến của công ty Nam Việt Group có khoảng 500 tấn cá tra nguyên liệu. Các tháng cuối năm là thời điểm tăng tốc, đơn vị phải huy động hơn 5.000 công nhân để sản xuất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Các nhóm hàng như gạo, trái cây… cũng đang có đơn hàng tăng từ 3 - 4 lần so với hồi đầu năm. Hiện các nhà máy đang tăng cường thu mua, chế biến và đẩy nhanh tiến độ giao hàng.

Lợi thế của nông sản Việt Nam là nhiều mặt hàng sản xuất quanh năm, đặc biệt chất lượng ngày một năng cao.

Việc đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cùng với mở rộng khai thác nhiều thị trường sẽ giúp ngành hàng tỷ đô này tăng tốc và bùng nổ trong các tháng cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Ngành NN&PTNT đang nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỉ USD mà Chính phủ đã giao." Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn hiện hữu trong những tháng cuối năm, khi mưa bão, thiên tai đã gây thiệt hại, nguồn nguyên liệu sụt giảm, và giá cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, đặt ra yêu cầu phải tìm giải pháp để giữ vững sức tăng trưởng như đã đạt được.

Song, thời điểm những tháng cuối năm XK nông sản sẽ có nhiều thuận lợi do nhu cầu thị trường cao hơn. Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hay, nếu như quý 1 và quý 2 năm nay, các lô nông sản lưu kho ít nhất 1-2 tháng, thì bước vào đầu quý 4, các sản phẩm chỉ lưu 1-3 tuần sẽ được xuất kho. Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu đang khá khởi sắc vào các tháng cuối năm.

Quý 4 là thời điểm có nhiều lễ hội, do đó các nước sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Việc chủ động nguyên liệu, tăng cường chế biến sâu và chinh phục được nhiều thị trường… sẽ giúp ngành nông sản nước ta tiếp tục xác lập các con số kỷ lục về xuất khẩu.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt gần 50 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng việc quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường với ngành nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều sản phẩm tăng trưởng nóng, chưa có quy định ràng buộc sản xuất, chỉ dừng lại ở khuyến cáo, khuyến nghị.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, để các mặt hàng nông sản “hút” thêm nhiều ngoại tệ, trước tiên trái cây phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, mở rộng loại quả mới vào các thị trường và không để dịch bệnh.

“Quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng của trái cây Việt Nam để chủ động đáp ứng tất cả các thị trường. Khi một thị trường biến động hoặc có những thị trường khác nổi lên, chúng ta có thể chuyển đổi đưa trái cây Việt chào mời ngay… Có như vậy xuất khẩu mới đi xa, đi sâu, tăng trưởng bền vững”, ông Tùng đề xuất.

Một thực tế cho thấy, bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp các địa phương các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đang nỗ lực khắc phục để ổn định sản xuất, sớm hoàn thành các đơn hàng XK.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, để tăng trưởng ổn định các chỉ tiêu kinh tế, các tỉnh không bị ảnh hưởng của bão số 3 đang cố gắng tăng tốc để bù đắp cho những khó khăn của các tỉnh bị bão.

"TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Khánh Hòa… là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy lớn, hệ thống trang trại chăn nuôi hiện đại…, cần tăng tốc nhiều hơn, bù đắp cho những vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... bị thiệt hại nặng nề do bão”, ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 nêu ý kiến./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top