Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng, triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động năm 2023 và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm.
Chiều 19/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ Tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Bộ Tài chính và 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Trong năm 2022, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra; chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về các biện pháp, giải pháp quản lý, điều hành tài chính - NSNN để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển KTXH, đảm bảo cân đối NSNN và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngành Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án quan trọng trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách
Ngành đã chủ động điều hành chính sách tài khóa phù hợp, ứng phó hiệu quả, kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi NSNN, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó tài sản công được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng; Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính được tăng cường; các hoạt động hợp tác quốc tế, tài chính đối ngoại, đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị sự nghiệp công lập từng bước được đổi mới. Chủ động chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra trong đó đã triển khai trên 70.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tiến hành kiểm tra trên 781.000 hồ sơ kê khai thuế; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý trên 14.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, xử lý tài chính 65,3 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 13,9 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của ngành Tài chính và toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, các địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ rõ những thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của ngành tài chính. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH, tài chính 5 năm 2021-2025 và năm thứ 3 thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, khó khăn thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính là rất nặng nề.
Thủ tướng cơ bản nhất trí với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính – NSNN năm 2023 theo báo cáo của Bộ Tài chính đã đề ra. Thủ tướng đề nghị, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2023, thực hiện tốt phương châm điều hành năm 2023 "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2023, nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại NSNN, nợ công, phát triển nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt thực hiện với những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất; bám sát tình hình, lường trước các khó khăn thách thức, căn cứ vào điều kiện cụ thể để có kế hoạch, giải pháp triển khai cụ thể, khả thi. Chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết 01, 02 năm 2023 của Chính phủ.
Căn cứ các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2023, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng, triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động năm 2023 và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chú trọng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp; Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – NSNN, xây dựng Chính phủ số; phấn đấu hoàn thành tất cả các đề án, văn bản pháp quy được giao theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nâng cao chất lượng, góp phần khơi thông các nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Tập trung làm tốt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu NSNN.
Tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên. Đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.
Cùng với đó, Bộ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát bội chi NSNN; Tăng cường quản lý giá, thị trường; Tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch đề ra. Đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của DNNN, góp phần hoàn thành dự toán thu NSNN.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới thực hiện mục tiêu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Theo dõi, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC, G20..., nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành Tài chính sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII./.
Theo vov.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.