Ngày hội Bánh dân gian Cà Mau 2022 với không gian ẩm thực mang nét độc đáo, khẳng định dấu ấn riêng biệt của những nghệ nhân làm bánh dân gian trên con đường hội nhập phát triển.
Đồng thời, lưu giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc, mang nét văn hóa ẩm thực, tạo sức hút phát triển ngành du lịch của miền Đất Mũi.
Tạo nét độc đáo cho du lịch Cà Mau
Nằm trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022”, từ ngày 8-12/4/2022, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 với chủ đề “Sắc màu phương Nam” chính thức diễn ra tại Đường số 8, phường 1, TP. Cà Mau (Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau).
Điểm đặc biệt năm nay, Ban tổ chức nhắm chủ yếu vào đối tượng khách mời là nghệ nhân làm bánh dân gian trong tỉnh. Mục đích nhằm tạo sân chơi và giới thiệu các sản phẩm bánh dân gian, sản phẩm OCOP đặc trưng riêng của Cà Mau với bạn bè du khách.
Tham dự ngày hội có 85 gian hàng, trong đó có 32 gian hàng bánh dân gian, 15 gian hàng sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương, 14 gian hàng lưu niệm, 12 gian hàng ẩm thực. Ngoài ra, chương trình lễ hội có nhiều cải tiến đa dạng hơn so với năm trước, chủ yếu tôn vinh bản sắc dân tộc Việt nơi vùng đất Nam Bộ mến khách, gắn với văn hóa ẩm thực dân gian đa dạng phong phú. Mà trong đó, bánh dân gian là một yếu tố nền tảng trong nghệ thuật văn hóa ẩm thực của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho hay: Đáng chú ý nhất trong lễ hội lần này, Ban tổ chức chú trọng mời những nghệ nhân làm bánh là người địa phương, nhằm giới thiệu quảng bá con người, sản vật Cà Mau với du khách trong, ngoài nước, góp phần thành công vào chuỗi hoạt động du lịch: Cà Mau - điểm đến 2022. Bên cạnh đó, là dịp để nhiều nghệ nhân nổi tiếng của các tỉnh bạn như Ba Giang làm bánh tét, Trà Cuôn, đặc sản Trà Vinh; nghệ nhân Mười Thiết làm bánh phồng Sơn Đốc, đặc sản Bến Tre; nghệ nhân làm đặc sản bánh tráng Long An, nghệ nhân làm bánh cống Kiên Giang... giao lưu trao đổi với các nghệ nhân trong tỉnh.
Bà Huỳnh Tuyết Mảnh, cư dân sống tại khóm 4, TP Cà Mau, cho hay, ngay từ sáng 8/4, nghe tin Lễ hội mở cửa đón khách, bà cùng gia đình đến sớm để tham quan mua sắm và dùng thử các món bánh dân gian tại lễ hội. Dừng chân tại các gian hàng, xem các nghệ nhân chế biến bánh xèo, bánh chuối hấp, hay gói bánh ú lá tre, bà chợt nhận ra hình ảnh của mẹ bà ngày xưa thường hay gói bánh vào dịp lễ Tết. “Nhìn những chiếc bánh, tôi như quay lại về tuổi thơ của mình, những năm mới hết chiến tranh, mẹ của tôi cũng thường gói những món bánh truyền thống như thế này”, bà Mảnh bùi ngùi nói.
Dâng lễ vật lên Vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ, trong đó có các loại bánh dân gian được các đơn vị trong tỉnh thực hiện tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 2 (Cà Mau - 2022). Ảnh: Báo Cà Mau
Đổi mới cách làm nhưng vẫn giữ giá trị cốt lõi
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông tin, thành công của Lễ hội lần 1 năm 2021 đã tạo thuận lợi cho Cà Mau tự tin hơn khi tổ chức lễ hội lần 2. Nên năm nay, sự kiện này giao UBND TP. Cà Mau chủ trì, Sở chỉ phối hợp thực hiện, theo dõi tham mưu nhằm giúp địa phương thực hiện tốt hơn. Theo đó, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay sẽ khắc phục những hạn chế năm trước, với sự chuẩn bị, trang trí đẹp hơn, đầu tư nhiều hơn, công tác hậu cần phục vụ lễ hội cũng sẽ tốt hơn.
Ông Tăng Vũ Em, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau, Trưởng ban Tổ chức, cho biết, Ngày hội bánh dân gian năm nay diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trình diễn bánh dân gian và ẩm thực đường phố, giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP Cà Mau, hội thi bánh dân gian, hội thi trình diễn áo bà ba, dâng bánh dân gian vào ngày Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình… Đây sẽ là ngày hội để du khách có dịp trải nghiệm văn hoá ẩm thực, nhất là bánh dân gian của vùng miền Nam Bộ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam. Lễ hội còn là dịp tập hợp và hỗ trợ các nghệ nhân phát huy giá trị bánh dân gian. Là cơ hội liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường bánh dân gian địa phương. Bên cạnh đó, đây còn là dịp tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, bản sắc văn hoá, tiềm năng du lịch Cà Mau đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh thông qua chương trình tham quan các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn Cà Mau.
Đơn vị TP Cà Mau xuất sắc đoạt giải Nhất với món bánh quy bày trí hình lá cờ Tổ quốc và món bánh lá. Ảnh: Báo Cà Mau
Tham gia Hội thi Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 2 có 12 đơn vị dự thi với nhiều món bánh đặc sắc, đậm “Sắc màu Phương Nam” như: bánh quy, bánh lá, bánh ít trần, bánh khọt, bánh phú sĩ, bánh xèo, gỏi đu đủ, chè trôi nước ngũ sắc, bánh đúc…
Theo đó, các món ăn dự thi được Ban giám khảo chấm theo thang điểm 100, thể hiện qua chất lượng bánh, hình thức và phần thuyết trình.
Kết quả, đơn vị TP Cà Mau với món bánh quy và bánh lá đã xuất sắc đoạt giải nhất; đơn vị huyện Đầm Dơi và huyện Trần Văn Thời đoạt giải nhì; đơn vị huyện Thới Bình, huyện Cái Nước, xã An Xuyên (TP Cà Mau) đồng đoạt giải ba.
Trong Hội thi làm bánh dân gian, Ban tổ chức đã chọn ra 9 mâm bánh đạt giải cao nhất làm lễ vật dâng lên Quốc Tổ nhân dịp lễ Giỗ Tổ tại Đền Hùng (xã Tân Phú, huyện Thới Bình).
Chị Nguyễn Thùy Trang, du khách ở phường 1 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho biết, trong ngày diễn ra lễ hội, gia đình đã đến Cà Mau để tham quan mua sắm và thưởng thức. Theo chị, điểm nhấn của lễ hội chính là tổ chức thi làm bánh để chấm giải, sau đó dâng lên các Vua Hùng. Đây là hình ảnh minh họa hiện thực tốt nhất cho đứa con trai của chị đang học cấp 1 về nghệ thuật bánh dân gian quê hương, về tấm lòng người dân Việt đối với các Vua Hùng. Chị cho biết, chị đã vô cùng ấn tượng và thích thú ngắm những chiếc bánh đạt giải dâng lên Vua Hùng.
Lễ hội Bánh dân gian Cà Mau đã trở thành kênh truyền thông giới thiệu với du khách nét văn hóa đặc sắc gắn với các món ăn đặc sản và sự hồn hậu, khéo léo của người dân Cà Mau.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.