Huyện ủy Đông Anh (Hà Nội) ban hành Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU nhằm cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” trong năm 2022 mà trọng tâm là rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch; chủ động bố trí ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các thôn làng, tổ dân phố. Nghị quyết đã đem luồng gió mới giúp người dân nơi đây nâng cao chất lượng cuộc sống, trước khi Đông Anh trở thành quận trong năm 2023.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Huyện Đông Anh là một trong những địa phương đầu tiên của TP. Hà Nội về đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây cũng là địa phương có tốc độ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nhanh nhất của Thủ đô, đặc biệt là hệ thống giao thông, thiết chế văn hóa, không gian công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa cây xanh...
Dáng dấp của thành phố thông minh đang dần hiện ra, bởi Đông Anh đang phấn đấu thực hiện và hoàn thành các tiêu chí trở thành quận trong năm 2023. Những thay đổi này làm cho chất lượng cuộc sống của người dân ở đây không ngừng được nâng lên, có được điều này một phần do Đông Anh thực hiện hiệu quả Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU của Huyện ủy.
Người dân Đông Anh tham gia làm đẹp khu dân cư.
Theo Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU của Huyện ủy Đông Anh, việc triển khai “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố của huyện Đông Anh thì “5 có” bao gồm: Có Quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500 đối với các xã nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu đô thị, các xã nằm ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị thì phải hoàn thành quy hoạch Trung tâm xã tỷ lệ 1/500; có nhà văn hóa; có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh. “3 không” bao gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo.
Công viên mini được đầu tư trong khu dân cư nông thôn ở huyện Đông Anh.
Các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thành Nghị quyết “5 có, 3 không” đối với mục tiêu xây dựng NTM. Đây được xem là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa định hướng xây dựng huyện Đông Anh thành quận, xã - thị trấn thành phường.
Ông Trần Văn Bản (thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương) cho biết, sau khi Nghị quyết số 250-NQ/HU được ban hành, chính quyền xã và lãnh đạo thôn đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cùng chính quyền thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả. Nhận được sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhân dân thôn Lương Nỗ đã có một khu vui chơi công cộng, được xây dựng từ bãi đất trống, cỏ dại mọc đầy, quanh năm bị ô nhiễm nặng do một số gia đình chăn nuôi gia súc mang chất thải đổ ra.
“Từ ngày khu vui chơi công cộng này được xây dựng, người dân ở trong thôn đến đây sinh hoạt tập thể khá đông, nhất là vào buổi tối, các cháu có khu vui chơi sinh hoạt, nhóm chị em có khu vực tập thể thao khiêu vũ rất vui nhộn, các dịch vụ giải khát bắt đầu xuất hiện, giúp tăng thêm thu nhập cho bà con trong thôn, cuộc sống của chúng tôi ngày càng được nâng cao”, ông Bản nói.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện đã sớm chủ động, có nhiều giải pháp tổng thể, quyết tâm và tập trung cao độ trong việc thực hiện và cơ bản hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt; duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt thuộc Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận và các đề án thành phần. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU về quyết tâm phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện trong năm 2022. Nghị quyết đã được cụ thể hóa, triển khai thực hiện và đạt kết quả rõ nét, được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhân dân trên địa bàn ủng hộ, chung tay thực hiện, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Nhà văn hóa thôn Mạch Tràng (xã Cổ Loa) được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp...
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí cao và đề nghị huyện thực hiện tốt mục tiêu “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện Đông Anh tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, bảo đảm không chồng chéo công việc, không bỏ sót nhiệm vụ, phát huy được trí tuệ của tập thể, trách nhiệm của cá nhân và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi công vụ.
Con đường sạch sẽ ở xã Tiên Dương.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tin tưởng, trên nền tảng đó cùng với một khí thế, quyết tâm, sức bật mới, Đông Anh sẽ phát triển nhanh, bền vững và sớm thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là thành phố thông minh, hiện đại bên bờ Bắc sông Hồng của Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng.
Kết quả thực hiện nội dung “5 có”: “Có nhà văn hóa”: 193/195 thôn, tổ dân phố (đạt 98,7%) có nhà văn hoá cơ bản đạt chuẩn theo quy định. “Có sân bóng đá”: 107/155 thôn (đạt 69%), 06/40 tổ dân phố có sân bóng đá, với tổng số có 133 sân bóng đá. “Có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng”: 133/155 thôn (đạt 85,8%), 39/40 tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng, với 266 điểm sinh hoạt cộng đồng; 56/155 thôn làng, 04/40 tổ dân phố có công viên mini với 68 công viên mini; “Có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh”: 66/155 thôn làng; 4/40 tổ dân phố có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh với 96 điểm đỗ xe. Kết quả thực hiện nội dung “3 không”: Không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị: Tổ chức cưỡng chế, xử lý 261/568 trường hợp vi phạm, tổng số vi phạm phát sinh là 41 trường hợp, trong đó, các xã đã kịp thời xử lý được 18 trường hợp (05 Nam Hồng; 04 Hải Bối, 04 Võng La, 03 Tiên Dương, 01 Kim Nỗ, 01 Mai Lâm); hiện còn 23 trường hợp vi phạm đang được UBND các xã lập hồ sơ, xử lý theo trình tự, công tác cấp giấy phép xây dựng được thực hiện tích cực đảm bảo đúng quy định, không có hồ sơ bị chậm muộn, quá hạn; đồng thời tăng cường công tác quản lý sau cấp phép. UBND huyện cấp được 459 GPXD (tăng 265% GPXD so với cùng kỳ năm 2021). Không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải: UBND Huyện đã tổ đã thành lập 03 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra đối với 55 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; đã xử phạt đối với 15 cơ sở sản xuất với số tiền hơn 302 triệu đồng, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý qua hệ thống tập trung trên địa bàn huyện đạt 23,76 % (theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Văn bản số 6227/SXD-HT ngày 22/7/2021) tăng hơn năm 2021 là 9,96% (năm 2021 đạt 13,8%), các xã, thị trấn đã xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học và các biện pháp khác, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện, điện tích trồng lúa được xử lý năm 2022 là 4.528ha/5.386 ha đạt 84% (năm 2021 xử lý cho 2.200 ha đạt khoảng 40%), cơ bản đã không để xảy ra tồn đọng rác trong khu dân cư trên địa bàn. Trong 10 tháng đầu năm 2022 đã thu gom 73.990 tấn rác, trung bình 243 tấn/ngày, duy trì tỷ lệ vận chuyển rác trong ngày đạt 100% với khu đô thị (thị trấn Đông Anh) và 98% với khu vực nông thôn (các xã). Không có hộ nghèo: Kết quả rà soát nghèo cuối năm 2022, toàn huyện không còn hộ nghèo, 679 hộ cận nghèo với 1.909 nhân khẩu (giảm 570 hộ, trong đó: 625 hộ thoát cận nghèo và phát sinh 55 hộ cận nghèo). |