"Tuổi cao vui sao cây cao bóng cả/Tuổi cao vui hát ca thiết tha yêu đời/Tuổi cao tinh thần cao, sức sống càng cao/Sống hết mình vì cuộc đời này tươi sáng đẹp sao…".
Lời ca bài hát Tuổi cao gương sáng vẫn ngân vang lên để lớp lớp con cháu thấy được vai trò to lớn của người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội”.
Vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội
Truyền thống Việt Nam xưa nay đều rất coi trọng người cao tuổi. Các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một lực lượng quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình đã có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng.
Cụ Lâm Đức Chuân (xã Thượng Lộc, Can Lộc), 87 tuổi vẫn hăng say làm vườn mẫu.
Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt, ông bà luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu. Họ không chỉ nuôi dạy, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu mà còn là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại.
Rất nhiều câu thành ngữ đúc kết quá trình giáo dục về cách ứng xử: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”… được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không ai khác, người cao tuổi trong mỗi gia đình bằng những trải nghiệm, thu nhận, rèn luyện của mình sẽ trao truyền cho con cháu những bài học cụ thể nhất, sinh động nhất, phù hợp với những chuẩn mực của gia đình và xã hội. Từ đó hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội.
Người cao tuổi không chỉ sống vui, sống khỏe mà còn có ích cho gia đình, xã hội.
Nhiều thành viên lớn tuổi trong gia đình đã trải qua chiến tranh, đi qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước. Ở họ hội tụ đủ các phẩm chất anh dũng, nhân nghĩa, kiên cường, lạc quan… mà các lớp sau cần học hỏi và noi theo. Có thể nói, người cao tuổi chính là những “anh hùng” đích thực, là niềm cảm hứng nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ tương lai.
Vai trò của người cao tuổi trong xã hội là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là người có trình độ, kiến thức, kĩ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng quý hơn, họ luôn có tinh thần cống hiến, góp sức hết mình cho sự phát triển của đất nước.
Người cao tuổi Hà Tĩnh nêu gương sáng
Tuổi già, với nhiều người, là nỗi sợ hãi bởi mối lo trở thành gánh nặng đối với con cháu. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người cao tuổi lại rất chủ động trong việc lựa chọn lối sống, sinh hoạt, công việc hợp lý để không chỉ sống vui, sống khỏe mà còn có ích cho gia đình, xã hội.
Với vai trò “cây cao bóng cả”, người cao tuổi ở các địa phương Hà Tĩnh đã và đang đi đầu nêu gương sáng trong các phong trào, cống hiến cho gia đình và xã hội, lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước đến mỗi người dân, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ.
Luôn tâm niệm “còn sức khỏe là còn lao động”, nên dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Bùi Đình Bồi (xóm Sơn Bình, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) vẫn không ngừng nỗ lực, gương mẫu trong phong trào phát triển kinh tế và các hoạt động của địa phương.
Ông Hoàng Trọng Thỉnh (xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) bên cây ổi lê Đài Loan sai quả trong khu vườn mẫu của mình.
Sau những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông trở về công tác tại ngành cơ khí tỉnh nhà rồi nghỉ hưu năm 1991. Từ đó, ông tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như phong trào thể dục, thể thao, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2010, được bầu làm Phó chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn, ông tích cực vận động hội viên tham gia phong trào “Tuổi cao, gương sáng”.
“Tôi hạnh phúc khi trong những thành tựu chung của phong trào có sự đóng góp thiết thực của người cao tuổi. Trong khả năng của mình, được lao động, cống hiến xây dựng nông thôn mới là niềm vui của tuổi già.
Tham gia công tác xã hội, sinh hoạt cùng các hội viên, tôi thấy cuộc sống tuổi già vui và ý nghĩa hơn. Còn sức lực, trí tuệ còn minh mẫn thì tôi vẫn muốn cống hiến cho hoạt động phong trào của thôn. Đó là cách để tuổi già của tôi trở nên có ích hơn”, ông Bồi chia sẻ.
Không chỉ tiên phong trong các phong trào chung, người cao tuổi Hà Tĩnh còn là điểm tựa tinh thần, hậu phương vững chắc cho con cháu yên tâm công tác.
“Chồng mất sớm, một mình tôi nuôi 4 đứa con ăn học, trưởng thành. Năm nay đã gần trăm tuổi nhưng tôi vẫn tự lo cho bản thân, sinh hoạt không phải phụ thuộc vào con cháu. Thậm chí, cách đây vài năm, tôi vẫn phụ con cháu những việc vừa sức mình - kể ra, cũng không nhiều người có được sức khỏe, niềm vui tuổi già như tôi.
Tôi đã có 12 người cháu, 14 chắt. Mỗi đứa một nơi nhưng ngày cuối tuần, lễ tết, các con, các cháu vẫn về thăm tôi. Tôi luôn dạy các cháu phải chăm chỉ làm ăn; yêu thương, hòa thuận. Dù anh em ở xa nhau nhưng phải luôn giữ gìn sợi dây kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình.
Tuổi già, hạnh phúc nhất là được nhìn con cháu hòa thuận, sum vầy. Có lẽ nhờ đó mà tôi sống thọ được như thế”, cụ Lê Thị Lương (96 tuổi, thôn Ninh, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà) vui vẻ kể.
Ông Thái Sinh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Hà Tĩnh, cho biết: Bằng trí tuệ, kinh nghiệm sống, người cao tuổi Hà Tĩnh luôn cần cù, sáng tạo trong lao động; tích cực tham gia các phong trào chung của xã hội và lối sống chuẩn mực. Hiện nay người cao tuổi đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình kinh tế tại địa phương, có hơn 3.200 cụ là chủ doanh nghiệp, trang trại, gia trại; gần 1.600 người đạt danh hiệu hội viên làm kinh tế giỏi cấp tỉnh.
Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi Hà Tĩnh đã tiên phong đăng ký xây dựng hoặc vận động con cháu đăng ký xây dựng vườn mẫu. Rất nhiều người cao tuổi đã nêu gương sáng, trở thành động lực cho con cháu và cộng đồng noi theo. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 vườn mẫu là của gia đình người cao tuổi. Nhiều địa phương sớm đạt được nhiều thành tựu trong phong trào xây dựng nông thôn mới có sự đóng góp tích cực của người cao tuổi, như: Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân…
Thời gian qua, người cao tuổi trong tỉnh Hà Tĩnh đã hiến 124.022m2 đất vườn, đóng góp hơn 5,3 tỷ đồng, tham gia 250.000 ngày công, tháo dỡ hàng nghìn mét tường rào, hiến hàng nghìn cây xanh có giá trị kinh tế để mở đường giao thông nông thôn, góp sức cùng cả tỉnh xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Trọng Thỉnh (65 tuổi, ở thôn Hồ Văn Giang, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, tôi đã hưởng ứng, tham gia và quyết tâm đăng ký xây dựng vườn mẫu. Bắt đầu xây dựng từ năm 2015, đến năm 2018, khu vườn đất đồi rộng 3.200m2 của tôi được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu cấp tỉnh. Hiện nay, với hơn 300 gốc ổi Đài Loan, hàng chục gốc bưởi da xanh, mít Thái Lan cùng với trồng rau, củ…, vườn mẫu cho thu nhập 160 triệu đồng/năm”.
Sống vui, sống khỏe, người cao tuổi Hà Tĩnh cũng chú trọng nâng cao đời sống tinh thần. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phát huy hiệu quả; hầu hết các phường, xã đều có Câu lạc bộ thể thao, văn nghệ.
Với những thành quả đạt được, người cao tuổi Hà Tĩnh đã khẳng định điều Bác Hồ từng nói: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.