Từ mùng 3 Tết trở đi, ngư dân các làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi sôi nổi tổ chức lễ cầu ngư và ra quân đánh bắt hải sản đầu năm mới, với mong muốn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bình an, sóng yên, biển lặng, tàu cá đánh bắt trúng được nhiều mẻ cá, tôm đầy khoang.
Ngày 16/2 (tức mùng 7 Tết Giáp Thìn năm 2024), xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2024.
Chính quyền địa phương Bình Châu và Đồn Biên phòng Bình Hải tặng cờ Tổ quốc cho các chủ tàu của xã Bình Châu.
Ngư dân Võ Văn Hân, Chủ tàu QNg 90625TS, xã Bình Châu bày tỏ, ngư dân chúng tôi chuẩn bị các nghi thức cho chuyến biển đầu năm. Sau khi thực hiện các nghi lễ truyền thống như: cúng cầu an, cầu may tại cảng cá, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ tại xã Bình Châu đã vươn khơi, bắt đầu mùa đánh bắt hải sản năm 2024.
Tàu thuyền của ngư dân Bình Châu “mở của biển” năm mới.
“Đây là hoạt động đậm chất truyền thống chứa đựng nhiều ý nghĩa, tạo khí thế để ngư dân vững tin vào mùa đánh bắt mới, tiếp tục an tâm vươn khơi bám biển, bám ngư trường… Bà con mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, trời yên biển lặng để ra khơi bám biển, mong mùa đánh bắt bội thu, được nhiều tôm cá, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết.
Xã Bình Châu là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của huyện Bình Sơn, là xã nằm cách xa trung tâm huyện, cách trung tâm huyện 23 km về hướng Đông Nam. Xã có bờ biển dài 17km (trong đó 08 km là bãi ngang bờ cát trắng, 09km là vùng núi đá nhấp nhô). Trên địa bàn xã có Cảng Sa Kỳ là nơi giao thương buôn bán hàng hóa và vận chuyển hành khách của nhân dân trong đất liền với huyện đảo Lý Sơn.
Ông Đỗ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, toàn xã có 495 chiếc tàu thuyền, còn lại là một số thuyền nhỏ và thúng nan. Địa phương phối hợp Phòng PA01 Công an tỉnh, Nghiệp đoàn nghề cá xã rà soát, kiện toàn thành viên các tổ, đội đoàn kết tham gia sản xuất trên biển. Đến nay, toàn xã có 236 tàu cá hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tổng sản lượng khai thác đánh bắt trong năm 2023 đạt 21.000/20.500 tấn hải sản đạt 102,43% kế hoạch.
Về khai thác khơi xa, xác định 02 ngư trường truyền thống là Trường Sa và Hoàng Sa nên Nhân dân mạnh dạng đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng công suất tàu thuyền để ra khơi đánh bắt hải sản. Xã Bình Châu phát triển mạnh các nghề như: lặn, lưới rê, lưới vây, lưới rút, câu; các thuyền có công suất lớn (từ 90CV) trở lên thường xuyên bám biển dài ngày, vừa khai thác hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc.
Toàn xã có 52 cơ sở thu mua, sơ chế các mặt hàng thủy sản, trong đó có 15 cơ sở thu mua hải sản, 20 cơ sở sản xuất đá lạnh, 12 cơ sở chế biến chả cá (Trong đó có 01 cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP 03 sao), 05 lò hấp, sấy cá. Bên cạnh sản xuất và chế biến hàng hóa tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương, các cơ sở còn góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.600 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết Giáp Thìn năm 2024), tại cửa biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) đã tổ chức Lễ hội ra quân nghề cá đầu năm 2024.
Tàu thuyền của ngư dân Sa Huỳnh “mở của biển” năm mới
Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân làng biển Sa Huỳnh được lưu giữ hàng trăm năm qua, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền về đầy ắp cá tôm.
Năm nay, lễ hội được tổ chức dưới tiết trời nắng dịu, ấm áp nên bà con tập trung về khu vực này khá đông, không khí sôi nổi, hào hứng, tươi vui. Sau phần cúng tế thần Nam Hải tại Lăng Ông là các tiết mục hát bả trạo, hát sắc bùa, múa lân…
Khi tiếng trống hiệu vừa kết thúc, hàng chục chiếc tàu nối đuôi nhau, rú ga hướng thẳng ra cửa biển Sa Huỳnh trước sự cổ vũ, hò reo của hàng trăm người dân.
Năm 2024, phường Phổ Thạnh phấn đấu khai thác trên 65.000 tấn hải sản các loại. Ngư dân sẽ tiếp tục thành lập các Tổ đội tự quản trong thời gian hành nghề trên biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau khi gặp thiên tai trên biển cũng như nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Các Nghiệp đoàn nghề cá ở huyện Lý Sơn sẽ tiến hành nghi lễ mở biển đánh bắt đầu năm tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng âm lịch
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, tại huyện Lý Sơn, ngày 17/2 (mùng 8 Tết Giáp Thìn), Nghiệp đoàn nghề cá An Hải sẽ tiến hành nghi lễ mở biển đánh bắt đầu năm tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Và ngày 18/2 (mùng 9 Tết Giáp Thìn), Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh cũng sẽ tiến hành nghi lễ mở biển đánh bắt đầu năm tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.
Đây là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân trên đảo Lý Sơn, nhằm gửi gắm ước nguyện thiêng liêng và cầu cho quốc thái dân an, biển thuận gió hoà, cầu mong cho mỗi chuyến ra khơi được an toàn, mạnh khoẻ, chắc tay chèo tay lái, đánh bắt hải sản bội thu; qua đó còn nhắc nhở bà con cùng nhau đoàn kết khi khai thác trên biển và chung tay xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn...
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.