Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 12 năm 2023 | 17:9

Người Hà Nội 'than trời' vì ô nhiễm không khí

Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng mỗi khi phải đi ra đường.

Ngạt mũi, khó thở vì ô nhiễm

Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi. Theo thống kê của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV), trong 40 ngày gần đây, về chất lượng không khí, thủ đô chỉ có 1 ngày an toàn (ngày 13.11); còn lại 17 ngày ở mức trung bình, kém; 22 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe của mọi người. Cá biệt, có những ngày tình trạng ô nhiễm không khí được xếp số 1 thế giới.

Tình trạng này khiến số người mắc bệnh về đường hô hấp, mũi họng gia tăng, thậm chí có người còn bị khó thở, đau đầu khi ra đường. Anh Nguyễn Văn Định (trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng, anh thường xuyên cảm thấy ngạt mũi, khó thở nên gần 1 tháng nay, không dám ra đường tập thể dục vào sáng sớm.

Theo chị Nguyễn Quỳnh Tâm (trú Q.Hà Đông, Hà Nội), thời gian gần đây, mỗi khi đi làm vào buổi sáng, chị thấy trời mù mịt. "Lúc đầu, tôi nghĩ chỉ là sương mù hay do thời tiết buổi sáng mùa đông nên như vậy, nhưng khi đọc báo tôi mới biết là ô nhiễm không khí. Hiện tượng này kéo dài rất nhiều ngày. Cảm thấy rất lo lắng, mỗi khi ra đường, tôi chỉ biết đeo khẩu trang để giữ an toàn cho bản thân", chị Tâm nói.

Ùn tắc giao thông, khí thải nhiều là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và môi trường. Ảnh: Thanh Hải

Trong khi đó, anh Trung Nguyên (trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, khoảng nửa tháng nay, tình trạng ô nhiễm không khí liên tục được truyền thông cảnh báo, gia đình anh cũng bị ảnh hưởng khi 2 con nhỏ bị viêm mũi và lan xuống họng. 

"Ban đầu, tôi tưởng các cháu chỉ bị ốm thông thường nhưng khi hỏi những người hàng xóm, tôi thấy khoảng 70% các gia đình có con nhỏ đều bị viêm đường hô hấp như con tôi", anh Nguyên nói, và cho hay, mỗi khi ra đường đều trang bị cho con khẩu trang nhưng có thể do môi trường ô nhiễm cộng với thời tiết thất thường nên các con bị ốm.

Không chỉ có trẻ nhỏ, gia đình anh Nguyên còn có bố mẹ đã trên 70 tuổi. Nửa tháng nay, mỗi khi ra đường tập thể dục về, bố mẹ anh đều than rất khó chịu, ngột ngạt. "Tôi đã khuyên bố mẹ không nên ra đường trong thời điểm này, nhưng các cụ bảo nếu không tập thể dục thì không chịu được. Các bác sĩ cũng khuyên tôi vào cuối tuần nên đưa gia đình ra ngoại thành. Khi ra đó, tôi thấy không khí tốt hơn nhiều so với nội đô", anh Nguyên nói thêm.

Nếu tình trạng này kéo dài trong khi Hà Nội chưa có những biện pháp khắc phục hiệu quả, theo anh Nguyên sẽ rất nguy hiểm cho mỗi người dân. "Hai ngày nghỉ cuối tuần, các phụ huynh nên đưa con đi chơi ở ngoại thành để hít thở không khí trong lành hơn", anh Nguyên gợi ý.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa Đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít. Vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.

Thường vào mùa Hè, ô nhiễm giảm hơn do thời tiết thường mưa nhiều, gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa Đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

 PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, dù thời tiết Hà Nội có những đặc thù và diễn ra hằng năm, song với chỉ số AQI nói trên, rõ ràng chất lượng không khí của Hà Nội đã được cải thiện nhiều so với những năm 2020 trở về trước. "Còn nhớ, thời điểm những năm trước đó, Hà Nội có nhiều chỉ báo màu đỏ, thậm chí có màu tím – tức là chất lượng không khí rất xấu, người khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chứ đừng nói tới người nhạy cảm" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Còn theo, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm không khí liên quan mật thiết đến thời tiết. Mùa hè, khi mưa nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh, các nguồn khí thải ô nhiễm được phát tán khiến nồng độ bụi không khí ở mức thấp. Mùa đông thì ngược lại, gió lặng, trời ít mưa nên sương mù xuất hiện, không khí ô nhiễm nặng do khói bụi, khí thải không thể bay đi.

"Các nguồn khí thải do xe cộ, nhà máy, các cơ sở sản xuất tại thủ đô vẫn không giảm và chưa có biện pháp hạn chế, kiểm soát nên ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng", ông Tùng nói, và cho hay, ô nhiễm không khí ở Hà Nội giảm khi có mưa, bão, gió mạnh. Ngoài ra, nếu gió mùa đông bắc tràn về cũng sẽ thổi bụi đi.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí, mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) đã có văn bản đề nghị các sở TN-MT tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn. 

Hà Nội không thể nỗ lực một mình

Được biết, thời gian qua TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực trong việc xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

Tuy nhiên những nỗ lực ấy sẽ khó mang lại được hiệu quả như mong muốn nếu không có sự chung tay của toàn xã hội. Bởi theo kết quả của Viện Khí tượng Phần Lan trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng không khí của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí thông qua việc lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 và ứng dụng mô hình PMF tại TP Hà Nội cho thấy, khoảng 50% khối lượng bụi mịn PM2.5 là chất hữu cơ, đến từ các nguồn sau quá trình đốt cháy trong công nghiệp (dùng các chất nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…); quá trình đốt sinh khối (từ rơm rạ, chất thải rắn…).

Cùng với đó là các quá trình bụi mịn di chuyển từ xa; từ giao thông; 33% (1/3) khối lượng bụi mịn PM2.5 là từ các hợp chất vô cơ thứ cấp, các nguồn thải di chuyển từ xa đến, hoặc cũng có thể từ các nguồn thải của Hà Nội.

“Hà Nội đã rất nỗ lực để thực hiện cải thiện chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí có tính chất lan truyền rộng liên quan đến nhiều khu vực, tỉnh, thành. Tuy nhiên hiện nay đang thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, biện pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả từ T.Ư đến địa phương, liên kết giữa các tỉnh, TP trong khu vực. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa tại TP Hà Nội diễn ra nhanh chóng với hàng nghìn công trường xây dựng phát sinh hàng ngày một lượng lớn bụi vào môi trường.

Đáng nói, tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu xăng và tiêu chuẩn khí thải hiện nay áp dụng đối với xe ô tô còn thấp so với thế giới, thiếu các quy định cụ thể về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP; quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng… Vì thế, cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội thì không thể một mình Hà Nội làm được” – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

 

Thanh Xuân (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top