Chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, chiều 18/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phải có chính sách đột phá để người nông dân giữ được và sống được nhờ đất lúa, địa phương phát triển được kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có những khoản đầu tư "ra tấm, ra món", thiết thực, hiệu quả, bền vững cho người trồng lúa - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa hướng dẫn thi hành Điều 182 về đất trồng lúa của Luật Đất đai gồm 3 chương, 18 điều, 17 phụ lục.
Sau khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ NN&PTNT (cơ quan soạn thảo) đã tiếp thu, chỉnh sửa, giải trình làm rõ một số nội dung: Điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa ở địa phương; phương án sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp; hỗ trợ địa phương sản xuất lúa; xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, quy định cụ thể hơn nữa loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự thủ tục thẩm định công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; trách nhiệm quản lý nhà nước; xử lý chuyển tiếp những công trình đang hiện hữu.
Về đề xuất tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho rằng cần xem xét tổng hợp nguồn lực từ tất cả các chính sách, chương trình, chiến lược, kế hoạch hỗ trợ cho vùng đất lúa, từ đó cái nhìn tổng thể, điều phối hiệu quả cho đất lúa.
Ảnh minh hoạ
Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Nam Định kiến nghị Bộ NN&PTNT làm rõ thế nào là giống mới, thời gian hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ; tiêu chí về công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa;…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ các địa phương có đất lúa, được giao giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia hết sức quan tâm đến nghị định, nhất là các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người trồng lúa, vùng đất lúa về giống, hạ tầng thuỷ lợi, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường… Lần đầu tiên, các chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa đã được đưa vào luật, vì vậy, nghị định phải tiếp tục thể chế hoá thành những quy định cụ thể, thiết thực, toàn diện, bền vững để giúp người nông dân sống được từ đất lúa, đứng vững trước những biến động của thiên tai, thị trường.
Theo Phó Thủ tướng, nghị định về đất trồng lúa phải giải quyết những "bài toán lớn" về thuỷ lợi, đặt hàng nghiên cứu giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sắp xếp lại ruộng đồng để cơ giới hoá, thu hồi đất lúa bị bỏ hoang hoá, trang bị cho người nông dân kiến thức canh tác nông nghiệp hiện đại… trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phù hợp với các hệ sinh thái khác nhau.
Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ các nguồn lực, công cụ tài chính dành cho vùng đất lúa từ vốn đầu tư công, chi sự nghiệp, vốn ODA…, từ đó đầu tư "ra tấm, ra món" về giống cây trồng, vật nuôi, giải pháp kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến, phát triển thị trường… cho các sản phẩm nông nghiệp từ vùng đất lúa; xây dựng quỹ hỗ trợ người trồng lúa khi gặp thiên tai hoặc "mất mùa được giá, được mùa mất giá".
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cần có tiêu chí xác định những vùng đất lúa bảo vệ tuyệt đối, đi kèm chính sách hỗ trợ đặc thù cho nông dân, đầu tư hạ tầng, chuyển giao khoa học công nghệ… để sản xuất tập trung, có năng suất, chất lượng cao, không phụ thuộc vào thiên nhiên.
Các vùng đất lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng cần có hướng dẫn rõ ràng, có cơ sở khoa học, theo nguyên tắc loại trừ những việc không được làm để địa phương có thể triển khai được.
Cơ quan soạn thảo tiếp tục cụ thể hoá hơn nữa quy định, tiêu chí kỹ thuật đối với công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, tính đến phương án sử dụng đa mục tiêu phục vụ cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm,…
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị định để thực sự tạo ra chính sách mới, đột phá, xứng đáng với tiềm năng, vị thế trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp Việt Nam.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.