Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2023 | 14:58

Nhà báo và khát vọng bảo tồn dược liệu quý

Là cây viết phóng sự khám phá nhiều năm, nhà báo Phạm Ngọc Dương từng có những loạt tác phẩm mà độc giả cả nước đổ xô tìm đọc, khiến báo in “cháy hàng” phải bán cả bản photocopy. Nhưng ít ai biết, niềm đam mê và sự quan tâm đặc biệt mà anh Phạm Ngọc Dương đổ nhiều tâm huyết và công sức lại là sự nghiệp bảo tồn giống sâm quý.

Đi tìm những câu trả lời tận cùng cho bài viết của mình, anh đã thành công trong gìn giữ và phát triển loại sâm quý, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho cả một vùng đất.

Hành trình dấn thân với nghề

Chia sẻ về bí quyết để luôn có được những đề tài hấp dẫn, Phạm Ngọc Dương cho biết, phần lớn thời gian làm nghề anh dành cho việc đi thực tế. Mỗi vùng đất là một trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, kinh tế..., anh lại luôn bị núi rừng quyến rũ. Anh kể: “Những năm 2004-2005, khi đang làm cho Chuyên đề An ninh thế giới (Báo Công an nhân dân), tôi có những chuyến đi rừng với thầy lang, đi rất dài ngày, đi sâu vào rừng khám phá thiên nhiên. Những thầy lang người dân tộc thiểu số thường có hiểu biết sâu về cây cối, dược liệu... Đi với họ, tôi học được cách sinh tồn trong rừng, biết được trong rừng cây nào có độc, cây nào ăn được, cây này quý, cây kia không, cây thuốc nọ thì tạo ra bài thuốc gì..., rất thú vị.

Sâm Lai Châu đã được nhân giống thành công với sự kết hợp của 5 nhà: Nhà báo - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà nước.

Một lần được đi cùng với ông người rừng ở Sapa (Lào Cai), ông bị bệnh ung thư phổi, bệnh viện đã trả về. Trong thời gian này,  ông sang Tây Tạng, có thiền sư người Trung Quốc chỉ cho ông một số cây thuốc. Về quê nhà, ông hay lang thang trong rừng, khi lên đến độ cao 2.500m, ông bỗng phát hiện rất nhiều cây thuốc giống như ở Tây Tạng, chữa được nhiều bệnh. Ông dựng luôn lều lán tại đây, hàng ngày đi hái lá thuốc ăn. Khi tôi gặp, ông đã khoẻ mạnh hơn nên cùng ông leo hết đỉnh núi này sang đỉnh núi kia của dãy Hoàng Liên Sơn. Tôi biết được rất nhiều loại dược liệu quý mà người địa phương lên rừng khai thác để bán sang Trung Quốc như cây si đỏ (cây si chọc vào ứa ra nhựa đỏ), giá lên đến cả tỷ đồng/cây hoặc như kỳ nam người Việt bán đến hàng triệu USD. Cỏ Lan Kim tuyến cũng vậy, người dân cứ đi vào rừng nhổ rồi gùi sang bán cho người Trung Quốc với giá 100.000-200.000 đồng/kg nhưng không biết họ mua để làm gì. Tôi cũng tham khảo các dược sỹ, bác sỹ, chuyên gia y dược ở Việt Nam nhưng không tìm được câu trả lời. Khi có dịp sang một tập đoàn Đông Nam dược ở Phúc Kiến (Trung Quốc), một vị giáo sư giải thích, Lan Kim tuyến dùng để chế bài thuốc chữa vàng da và viêm gan. Những năm 2010, Trung quốc đã có những trang trại lớn trồng loại cây này, giá trị 30 triệu đồng/kg khô.

Càng đi sâu tìm hiểu lại càng thấy đam mê, muốn nghiên cứu, anh đã sang  nhiều vùng ở Trung Quốc xem các đại gia nước họ sưu tầm cây thuốc quý làm gì. Rất nhiều bài viết ly kỳ giải mã về câu chuyện này ra đời.

Trong vô số những loại dược liệu mà thiên nhiên ưu ái cho Việt Nam, anh bị ám ảnh bởi cây sâm. Anh “nằm lòng” những kiến thức về cả chục loại sâm khác nhau, bởi anh đã cất công đi tìm hiểu “đến nơi đến chốn” từ thành phần dược liệu, phương thức sinh trưởng, cho đến thị trường...

Sâm quý cũng có nhiều loại như cây cát sâm (sâm tiến vua) trồng ở Bắc Giang, bán sang Trung Quốc giá không đắt. Nhưng có những công ty, tập đoàn ở Hải Nam (Trung Quốc) thu mua cả rễ lẫn củ, kiếm hàng tỷ USD từ loại cây này bởi nó có hoạt chất để chữa ung thư phổi. Không chỉ chế ra nhiều bài thuốc quý mà họ còn dùng để chế biến các món ăn như: súp, hầm, lẩu..., giúp tăng cường sức khoẻ

“Thú vị nhất là sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh), từ những năm 1975 đã được phát hiện, có giá rất đắt. Trong quá trình leo núi ở Lai Châu, tôi phát hiện bà con địa phương vào rừng đào củ này rất nhiều, có củ dài nửa mét. Người Trung Quốc sang mua không gọi nó là sâm mà gọi là thằn lằn núi, khoai lang núi... nên bà con cũng không biết nó thực sự là cây gì. Cây mọc nhiều nhất trong khu rừng Pusilung (Lai Châu). Ban đầu, người dân bán chỉ 30.000 -50.000 đồng/kg, rồi lên đến 200.000 đồng/kg, 500.000 đồng/kg, cho đến nay là hàng trăm triệu/kg...

Nghiên cứu nhiều về sâm, chỉ so sánh hình thái, tôi đã biết đó là sâm quý. Sau này đem đi kiểm định, tất cả các hoạt chất của sâm Lai Châu, giống hệt sâm Ngọc Linh, giải mã gen thì chỉ khác nhau đúng một nút thắt (như anh em ruột). Năm 2005-2006, tôi đã theo dõi và chứng kiến nên đã viết rất nhiều bài khẳng định nó là sâm rất quý, tốt không kém gì sâm Ngọc Linh và cảnh báo phải bảo tồn giữ được nguồn gen này, tránh việc tận diệt vì người Trung Quốc thu mua như vậy chứng tỏ họ biết được giá trị của nó. Đến nay, đúng như tôi dự đoán, 90% người Việt dùng sâm của Trung Quốc, cả những củ sâm có giá lên 1 tỷ đồng/kg. Vì họ đã có quá trình thu gom lâu dài đem trồng lại thành công”, anh Dương kể.

Từ nhà báo trở thành doanh nhân

Không dừng lại ở việc viết bài, trong quá trình hoạt động báo chí, Phạm Ngọc Dương gặp nhiều doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, hiểu sâm, yêu sâm cũng biết đến anh và chủ động gặp gỡ. Hầu như doanh nghiệp nào có ý tưởng gì về trồng dược liệu, trồng rừng, hay làm nông nghiệp, nhà báo Phạm Ngọc Dương đều hướng họ đi trồng sâm ở Lai Châu.

Nhà báo Phạm Ngọc Dương từng phụ trách chuyên mục Phóng sự khám phá của nhiều tờ báo như: An ninh thế giới, VTC news, Gia đình Việt Nam.

Anh cho biết: “Từ 5 năm trước đến nay vẫn là cơ hội để trồng sâm vì củ sâm quý rất hiếm, trình độ của người bản địa chưa thể trồng được, các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu, các chuyên gia thực địa cũng chỉ biết có một số vùng trồng sâm Ngọc Linh ở miền Trung - Tây Nguyên.

Tôi đã dẫn nhiều doanh nhân đi, hướng dẫn, tư vấn cho họ về sâm Lai Châu, chỉ cần trồng ở những nơi đã từng có sâm, có nghĩa là chất đất và khí hậu phù hợp. Giống thu mua lại những củ sâm nguyên bản của Lai Châu hoặc đặt hàng Trung Quốc nhân giống từ hạt. Nếu không có công nghệ, trình độ thì có thể thuê chuyên gia Trung Quốc...”

Hơn 10 năm nay, anh đã đưa  vài chục doanh nghiệp lên Lai Châu khảo sát trồng sâm. Có một số người làm nhưng nhỏ lẻ, còn lại không ai dám làm vì xa xôi, cách trở. Cơ duyên cũng đến khi anh gặp Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Thái Minh, và một doanh nghiệp nữa muốn đi trồng rừng.  Sự kết nối giữa kiến thức về cây sâm, sự sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp và hỗ trợ từ một nhà khoa học đam mê trồng sâm ở Kon Tum đã cho ra đời Dự án phát triển cây sâm quý với mức đầu tư dự kiến khoảng 400 tỷ đồng.

Anh Dương chia sẻ: “Chúng tôi đã tìm được khu đất trống đồi trọc, nơi người dân trồng ngô trong các hốc đá, giá trị kinh tế không cao, nhưng đủ điều kiện trồng sâm ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu), lập trang trại và làm một mô hình nhà màng, một mô hình che lưới đen, trồng 1,5ha sâm với chi phí gần 100 tỷ đồng. Đến nay, sau 3 năm, đã  triển khai với số lượng cây bằng hơn 100ha ở Kon tum trồng trong rừng. Đây là mô hình đầu tiên ở Việt Nam trồng sâm trên nương ngô, diện tích nhỏ nhưng sản lượng  lên đến cả triệu cây. Chỉ riêng việc làm đất và chăm sóc, bảo vệ, mô hình đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Về lâu dài, kỳ vọng của các nhà đầu tư là hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho bà con bản địa phát triển cây sâm quý trở thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dược liệu ngay trên khu vực này”.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hoá “bội thu” trong 5 ngày nghỉ lễ

    Thanh Hoá “bội thu” trong 5 ngày nghỉ lễ

    Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đón hơn 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 3,8 nghìn tỷ đồng.

  • Du lịch Nghệ An ước đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng dịp nghỉ lễ

    Du lịch Nghệ An ước đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng dịp nghỉ lễ

    Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 - 01/5), toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ 950.000 lượt khách du lịch (bằng 122% so với năm 2023).

  • Du lịch “miền Trung” bội thu

    Du lịch “miền Trung” bội thu

    Dịp lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ liên tục 5 ngày là điều kiện để nhiều người lên kế hoạch đi tham quan, du lịch cùng gia đình và bè bạn. Chính vì thế, các địa điểm du lịch ở các tỉnh miền Trung du khách đổ về tăng đột biến, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cơ sở, vật chất nên đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch đến đây

Top