Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 1 năm 2024 | 14:55

Nhân rộng các mô hình an toàn thực phẩm tại vùng cao, khu vực nông thôn

Hiện nay, ở địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày càng xảy ra nhiều vụ ngộ độc do mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là ở các lễ hội truyền thống, chợ vùng cao, nguy cơ càng cao hơn, bởi điều kiện chế biến, bảo quản cùng với nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân, khách thập phương.

Trước thực trạng này, nhiều địa phương vùng cao đã triển khai các mô hình, chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch cho vùng cao, nhằm nâng cao sức khỏe, đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân và du khách.

Vi phạm an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau

Theo thống kê, năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm, từ xa, trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, dựa trên nghiên cứu, đánh giá, dự báo độc lập, khoa học - Ảnh: VGP/MK

Toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng.

Ngành công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7.100 vụ với hơn 7.000 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng…

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh, tăng cường liên tục về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thực hiện thường xuyên, liên tục. Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).

Cùng với kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Sau 13 năm thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật An toàn thực phẩm không còn phù hợp với thực tiễn; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP còn nhiều điều bất cập về quy định kiểm soát thực phẩm xuất khẩu, đăng ký bản công bố, điều kiện về an toàn thực phẩm tại các chợ và làng nghề… Quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn khó khăn…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông kiến nghị phải khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, nhất là cấp xã, phường.

Ngay tại thời điểm bắt đầu các lễ hội lớn, ông Ngọc cho rằng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công an đề xuất xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thanh Nam cho biết, năm vừa qua, Bộ tăng cường triển khai, kết hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, nhất là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh trong chuỗi nuôi trồng, sơ chế, chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiến nghị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ về an toàn thực phẩm liên thông trên toàn quốc, có sự tham gia, phản ánh trực tiếp của người dân kết hợp với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

Cùng với tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, một số thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải chú trọng nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, nhất là việc nhận biết, ứng xử đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Nói về vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, địa phương.

“Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm từ xa, trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, dựa trên nghiên cứu, đánh giá, dự báo độc lập, khoa học; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người tiêu dùng thông thái”, theo Phó Thủ tướng.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo bám sát thực tế để cập nhật phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với tăng cường bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực thi.

Ông cũng cho rằng cần có hình thức để người dân tham gia giám sát, đánh giá mức độ tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả.

Theo tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.

Cụ thể,  Phó thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường đối với chợ truyền thống, siêu thị…

Xây dựng mô hình chợ thực phẩm sạch

Khôn chỉ riêng tại các thành phố lớn, Trên thực tế, dịch vụ ăn uống ở các lễ hội, chợ vùng cao, cửa hàng ăn uống... mang tính chất tạm thời; hàng quán dựng tạm bợ, đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu phương tiện thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi... làm cho thức ăn dễ ô nhiễm, thực khách dễ bị ngộ độc thực phẩm. Một trong những giải pháp hiệu quả mà nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số lựa chọn hiện nay để đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân chính là mô hình chợ ATTP, với nhiều lợi ích thiết thực, thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quầy sạp, trang thiết bị sạch sẽ, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi mua thực phẩm tại chợ này.

Bà con dân tộc Mông chế biến thức ăn ngay tại chợ, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: Thủy Lê

Điển hình như, tại Cà Mau, đã có 5 chợ được hỗ trợ xây dựng mô hình chợ ATTP, trong đó, thành phố Cà Mau có các chợ: Phường 5, Tắc Vân khu B, Tắc Vân khu A, Ðịnh Bình; chợ Nông sản thực phẩm thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; chợ thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi.

Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết: “Mô hình chợ ATTP được xây dựng cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017. Trước hết, các quầy/sạp được xây dựng bê tông, ốp gạch đảm bảo vệ sinh; việc bố trí, sắp xếp các quầy/sạp kinh doanh các ngành hàng thực phẩm riêng biệt, tránh nhiễm chéo, khoa học; thường xuyên vệ sinh, thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường, một số thực phẩm có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, ATTP và an toàn phòng chống cháy nổ...”.

Bắc Kạn cũng là một trong những địa phương miền núi có đông đồng bào dân tộc, ở phân tán với địa hình đi lại khó khăn dẫn tới việc sinh hoạt chợ ở trên miền núi khác so với các tỉnh khác ở vùng trung du. Thời gian qua, Bắc Kạn đã xây dựng được một số mô hình chợ ATTP như chợ Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn), chợ Bằng Lũng (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn)...; đồng thời nỗ lực nhân rộng ra một số khu chợ khác trên địa bàn tỉnh.

Chợ ATTP đã góp phần bố trí, sắp xếp được các ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định ATTP; huy động được các nguồn lực của xã hội để đầu tư, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh thực phẩm trong các chợ đảm bảo thống nhất, khoa học, vệ sinh, bảo đảm ATTP, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại.

Qua đây đã kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn sử dụng để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Tại các chợ này, hộ kinh doanh cũng đã được trang bị các kiến thức về vệ sinh ATTP thông qua các lớp tập huấn, đào tạo cũng như nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống theo quy định của Bộ Y tế.

Hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn

Ngoài xây dựng mô hình chợ thực phẩm sạch, nhiều địa phương vùng cao cũng hình thành chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch. Điển hình như, tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, đã xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bao gồm chuỗi rau quả đảm bảo vệ sinh ATTP. Tại xã Điền Lư đã liên kết với các cửa hàng ATTP, như Hợp tác xã rau an toàn Điền Lý.

Xã này cũng thực hiện nhiều mô hình như: Mô hình “Giết mổ ATTP” với công suất giết mổ 35 con gia súc/ngày đêm; mô hình “Chợ ATTP” gồm chợ Điền Lư và chợ thị trấn Cành Nàng; mô hình “Cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn"; mô hình “Bếp ăn tập thể” Trường Mầm non Điền Lư. Hiện, cuộc sống và sức khỏe của người dân địa bàn ngày càng nâng cao nhờ được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn.

Riêng tại xã Điền Lư, xã đã hướng dẫn bà con sản xuất thực phẩm an toàn để cung ứng cho các tiểu thương, nhà hàng quanh vùng. Nhờ đó, xã đã hoàn thành 16 tiêu chí ATTP và được công nhận xã đạt chuẩn ATTP vào năm 2018. Hiện nay, xã đã có 6 mô hình, chuỗi ATTP gồm chuỗi cung ứng rau quả an toàn, mô hình “Bếp ăn tập thể”, mô hình “Chợ ATTP” và mô hình “Giết mổ ATTP”, trong đó, điển hình là mô hình “Chuỗi cung ứng rau quả an toàn” đang cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân quanh vùng. Chuỗi cung ứng rau an toàn với 15 hộ dân tham gia đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo chia sẻ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình, các chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như gạo, thịt lợn, rau và ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại. Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện đến các nhà phân phối, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm an toàn và đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các chương trình, hội nghị, hội chợ giao thương, kết nối cung cầu. Qua các hoạt động thiết thực được triển khai đồng bộ sẽ giúp bà con có nguồn thực phẩm sạch sử dụng, ổn định sức khỏe, hạn chế nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Baochinhphu, baobienphong...)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top