Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2023 | 9:48

Nhân văn trong báo chí là thổi bùng lên giá trị tốt đẹp

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Nhân văn hiểu một cách trực diện, đơn giản là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, hoặc tinh tế hơn, là mang đến cho mỗi câu chuyện buồn vui trong cuộc sống một góc nhìn nhân văn, đồng cảm, hướng thiện, giúp hóa giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn.

“Tính nhân văn của báo chí chính là sự trung thực, phản ánh khách quan của người cầm bút.  

Đội ngũ nhà báo trong quá trình tác nghiệp ngoài việc tôn trọng sự thật phải chú ý đến yếu tố nhân văn trong cách thể hiện. Ngòi bút của người viết phải có tính nhân văn. Khi viết báo phải suy nghĩ đến hiệu quả, đến cái “hậu” về sau. Nhà báo không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí”, ông Lâm nhấn mạnh.

Trung thực tạo nên sức mạnh của báo chí

Báo chí đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội như:  thông tin - giao tiếp; tư tưởng; giám sát, phản biện;  văn hóa, giáo dục và giải trí;  kinh tế - dịch vụ xã hội…

Dù ở chức năng nào thì tính trung thực luôn được đặt lên hàng đầu đối với những người làm báo. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thực mang nội dung đạo đức cao quý của người cộng sản, trung thực luôn gắn với trách nhiệm của người làm báo.

Bác Hồ người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam

Trong suốt quá trình ra đời và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, đã có rất nhiều bài viết chân thực, mang lại sức mạnh lan tỏa trong xã hội, có tính giáo dục rất cao đối với mọi người, tạo ra sức mạnh trong dư luận xã hội, để đẩy lùi cái xấu, tôn vinh cái đẹp.

Còn nhớ những ngày đất nước gồng mình chống đại dịch Covid-19, đã có nhiều phóng viên, nhà báo quên đi sự nguy hiểm, vào tận những nơi khó khăn, gian khổ nhất để cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với các y, bác sỹ cứu người bệnh. Từ đó, cho ra đời những tác phẩm báo chí làm lay động hàng triệu triệu trái tim, lấy đi bao nước mắt từ bạn đọc.

Hay những ngày tháng không thể nào quên khi đoàn công tác quân đội vào cứu hộ tại Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), đã gặp nạn không thể quay trở về. Những hình ảnh mà người xem phải rớt nước mắt khi tìm thấy quân tư trang của các anh, những thi thể thì bì vùi sâu dưới lớp đất đá khổng lồ.

Hình ảnh nhiều người dân nghèo  gặp phải thiên tai, bệnh tật mà vẫn vươn lên để thoát nghèo, dựng xây tương lai mới cho những thế hệ sau... Các bài báo đã viết về sự vươn lên trong sự khổ đau, vất vả để thành công, chính bản thân họ tự xóa được đói, tự giảm được nghèo và còn giúp đỡ cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác là những hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa.

Tính nhân văn của Báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện ở nội dung tác phẩm với hàng loạt chương trình, cuộc thi, chuyên mục... ấn tượng, sâu sắc như: Cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (báo Nhân Dân), cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (báo Quân đội nhân dân), “Như chưa hề có cuộc chia ly”, “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương” (Đài Truyền hình Việt Nam), Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng)... đã được tổ chức. Tất cả những bài viết tham gia các cuộc thi hay những bài viết phản ánh một cách trung thực cuộc sống của nhân dân đã tạo nên một sức mạnh lan tỏa tình yêu thương trong Nhân dân. Cũng chính những bài viết trung thực đó đã tạo ra một sức mạnh cho đất nước vượt qua khó khăn, gian khó để đi lên.

Làm gì để báo chí giữ được tính nhân văn?

Có thể nói, trong thời đại công nghệ phát triển và bùng nổ thông tin như hiện nay, việc cạnh tranh để có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với bạn đọc. Nhất là khi báo điện tử phát triển mạnh như vũ bão hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã “câu view” bằng mọi cách: Rút tít giật gân, ly kỳ, “sốc, sến, sex”, chăm chăm vào chuyện “tiền, tình, tù, tội”, moi móc chuyện đời tư, miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn chuyện vụ án, làm “nóng” sự việc, đăng thông tin không kiểm chứng... Những kiểu tin, bài như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng dư luận, thu hút công chúng khai thác thông tin; song đồng thời lại tạo ra bầu không khí văn hóa thiếu lành mạnh, nhìn đâu cũng thấy văn hóa, con người xuống cấp, xã hội thiếu an toàn... Vì thế, báo chí mất luôn tính khách quan, trung thực.

Các nhà báo tác nghiệp tại Rào Trăng 3.

Tiến sĩ Mạch Lê Thu, Viện Thông tin khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) từng đánh giá: “Báo chí giải pháp là cách có thể dung hòa giữa các thái cực xấu và tốt trong tin tức. Báo chí giải pháp là phương pháp tiếp cận tập trung phát hiện và đưa tin về các vấn đề trong xã hội, đồng thời, gợi mở cách xử lý, giải quyết vấn đề. Lấy ví dụ, nhà báo của báo chí giải pháp không chỉ đưa kẻ vi phạm pháp luật đứng trước vành móng ngựa, mà còn mạnh dạn chỉ ra những tồn tại trong chính sách, trong cơ chế làm việc những kẽ hở pháp luật để giải quyết tận gốc vấn đề”. Như vậy có thể hiểu báo chí giải pháp sẽ mở ra những điều tốt đẹp, hy vọng tươi sáng đằng sau những hiện tượng xấu, mặt trái xã hội.

Một mối nguy hại khác với tính nhân văn trong báo chí là đạo đức nghề nghiệp của một số ít người làm báo suy thoái nghiêm trọng. Năm 2022, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí. Các biện pháp xử lý cũng được tiến hành đồng bộ, bên cạnh xử lý vi phạm hành chính bằng tiền có kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu...

Cùng với các điều luật, quy định, quy tắc và nhất là các cơ quan báo chí đang triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” chắc chắn sẽ góp phần tôn vinh, nâng tầm tính nhân văn trong đời sống báo chí. Suy cho cùng, tính nhân văn trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ, mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật.

Để nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí, trước hết, mỗi người làm báo cần phải rèn luyện, trau dồi để không chỉ có Tài, có Tầm mà còn phải có Tâm, đặt lợi ích cộng đồng lên trước; người làm quản lý báo chí cần kịp thời định hướng, giúp các nhà báo thuộc phạm vi mình quản lý hành nghề chuẩn mực, cho ra đời những đứa con tinh thần có giá trị về mặt thông tin, mang lại hiệu quả xã hội tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, định hướng văn hóa, tinh thần lành mạnh cho công chúng, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ mặt báo, chương trình trước khi đến với công chúng, không để lọt những tác phẩm báo chí thiếu tính nhân văn.  Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ bằng pháp luật, quy định, quy tắc để điều chỉnh, răn đe, xử phạt cần phải giáo dục, tuyên truyền để cơ quan báo chí và người làm báo tự ý thức về sứ mệnh giữ gìn tính nhân văn của báo chí cách mạng.

Tham gia phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã in và phổ biến 6 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam, 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Tạp chí Kinh tế nông thôn.

Phát động thi đua về việc thực hiện 6 tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí và 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo trong đội ngũ các phòng, ban tại Tòa soạn và các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên ký cam kết thực hiện tốt 6 tiêu chí văn hóa về cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí văn hóa người làm báo Việt Nam.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top