Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 4 năm 2024 | 15:59

Nhiều địa phương ở ĐBSCL chủ động PCCC rừng

Do nắng nóng diễn ra trong thời gian dài khiến nhiệt độ tăng cao, tại một số tỉnh ở ĐBSCL đã xảy ra cháy rừng, trong đó có vụ cháy khoảng 40 ha rừng sản xuất ở Cà Mau. Trước thực trạng trên nhiều địa phương đã chủ động các biện pháp PCCC rừng.

Hai vụ cháy xảy ra trong thời gian ngắn

Trưa ngày 10/4, xuất hiện đám cháy rừng tại Nông trường 402, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau) rồi bùng phát mạnh. Đám cháy khởi phát ở khu vực rừng sản xuất khoảng 40ha, chia thành 5 hướng khác nhau và tiếp tục lan đến khu vực khoảng 100ha rừng sản xuất khác. Dù buổi tối, tầm nhìn hạn chế song các lực lượng chức năng và bà con nhân dân đã không quản vất vả, hiểm nguy, bình tĩnh khoanh vùng, dập lửa.

Vụ cháy rừng ở Cà Mau mới đây làm cháy khoảng 40ha.

 Sau hơn 24 giờ nỗ lực dập lửa, đến đầu giờ chiều 11/4, vụ cháy rừng sản xuất tại Nông trường 402 đã được các lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau khống chế. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, dù đám cháy rừng đã được khống chế, nhưng tỉnh vẫn duy trì lực lượng chữa cháy tại khu vực, đề phòng lửa cháy trở lại. Vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 40ha rừng tràm sản xuất 5 tuổi (trồng năm 2019), do Nông trường 402, Cục Hậu cần (Quân khu 9) quản lý. Vụ cháy trên đã gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh phí, đa dạng sinh học.

Ngay sau đó, chính quyền và ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã quán triệt đến từng địa phương, cá nhân, tổ chức quản lý rừng, chủ rừng, người dân sống quanh khu vực rừng, các đơn vị làm công tác chữa cháy phải lấy “phòng làm chính”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nơi nào để xảy ra cháy rừng, người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm. Tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) phải đảm bảo nguồn nước chữa cháy trong bối cảnh khô hạn hiện nay...

Qua thống kê, Cà Mau có 143.683ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng có khả năng xảy ra cháy khoảng 45.679ha thuộc rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai. Trong đó, hiện có trên 15.700ha rừng đang ở mức báo động cháy cấp IV; trên 8.727ha ở mức báo động cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), tập trung tại các khu rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Trung tâm Giống lâm nghiệp Cà Mau, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Tây Nam Bộ, Trại giam Cái Tàu… quản lý.

Vụ cháy trên đã gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh phí, đa dạng sinh học.

Tại buổi họp rút kinh nghiệm mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, tôi đề nghị các đơn vị chủ rừng chưa xây dựng phương án PCCCR thì phải nghiêm túc khắc phục. Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Kiểm lâm cần phải ưu tiên hướng dẫn người dân thực hiện và kiểm tra ngay việc trên. Tuyệt đối không để chỗ nào có rừng mà không có phương án PCCCR. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các tổ chức và cá nhân đã không quản vất vả để khống chế đám cháy sớm nhất có thể.

Tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), ngày 11/4, cũng xảy ra cháy rừng khiến hơn 2.000m2 rừng phòng hộ tại Tiểu khu 79 (rừng phòng hộ Phú Quốc) bị cháy rụi. Đây là vụ cháy rừng, cây tạp thứ 7 tại Phú Quốc tính từ đầu mùa khô 2024 đến nay. Các vụ cháy rừng đã gây thiệt nặng về kinh tế, tốn kinh phí chữa cháy rất lớn. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, ngoài rừng ở Phú Quốc, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có hơn 10.300ha rừng ở huyện Hòn Đất cũng đang ở mức báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm, trong đó rừng phòng hộ hơn 7.000ha, còn lại rừng sản xuất.

Theo ông Bùi Thanh Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòn Đất, đến nay, huyện đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng tổ đội PCCCR, Ban chỉ huy các xã và lực lượng bảo vệ rừng; tổ chức họp dân tuyên truyền về PCCCR, thực hiện ký cam kết đối với các chủ rừng và các hộ nhận khoán. Huyện đã thực hiện đóng cống, đắp 15 đập giữ nước phục vụ PCCCR, nạo vét 2.100m2 mặt mương nước trong khu vực rừng tràm. Ngoài ra, địa phương cũng bố trí 3 trạm bơm xuyên suốt 24/24 giờ vào rừng tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tràm, Ban quản lý rừng tỉnh Kiên Giang, Nông lâm trường Hòn Đất và rừng thuộc Sư đoàn Bộ binh 4.

Vào khoảng 11h vào ngày 13/4 tại khu vực ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đã xảy ra vụ cháy rừng tràm do người dân quản lý. Nhận được tin báo, Ban CHQS xã Phú Mỹ đã điều động 7 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng công an và người dân tham gia chữa cháy. Do thời tiết nắng nóng, thực bì khô nhiều, lửa bốc cháy nhanh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều giờ tích cực chữa cháy đến 14h30p cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn. Thống kê ban đầu có khoảng 1,2ha rừng bị cháy rụi.

Trong khoảng thời gian trên, tại khu vực tổ 6, ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cũng xuất hiện 1 vụ cháy rừng trồng cây tạp của người dân. Ban CHQS xã đã điều động 10 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng chức năng, người dân và nhiều thiết bị chuyên dụng tham gia chữa cháy, đến khoảng 15h30 cùng ngày đám cháy được khống chế. Thiệt hại ước tính khoảng 0,5ha rừng tạm.

Cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Hiện nay, vào cao điểm nắng nóng, khô hạn nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là đối với rừng tràm, bạch đàn ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang và ở Vườn chim ở tỉnh Bạc Liêu rất cao nên vấn đề này cần được chính quyền đặc biệt quan tâm.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay mực nước trong nội đồng ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) rất thấp, xung quanh gốc cây rừng có nhiều cây cỏ chết khô, lớp biểu bì trong rừng cũng khô rất nhạy với mầm lửa. Hơn nữa, vào mùa khô, người dân nơi đây hay vào rừng dùng lửa đốt lấy mật ong, săn bắt chim thú nên nguy cơ cháy rừng rất cao và khi xảy ra cháy khó dập tắt ngọn lửa. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tân Phước đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở các xã Thạnh Mỹ, Tân Thạnh... đây là cảnh báo về nguy cơ cháy rừng mùa khô.

Thời gian gần đây, tại ĐBSCL xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Gần đây, do một số cây ăn trái ở vùng Đồng Tháp Mười “lên ngôi” cây rừng tràm, cây bạch đàn hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều người dân tự ý phá bỏ cây rừng chuyển sang trồng cây ăn trái như: khóm, thanh long, khoai mỡ... Toàn huyện Tân Phước hiện chỉ còn trên dưới 1.000ha rừng, chủ yếu cây tràm, bạch đàn do người dân trồng và một số diện tích rừng hổn giao nguyên sinh, tập trung nhiều ở xã Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông...

Tại xã Thạnh Tân có 165 ha rừng tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là nơi trú ngụ, bảo tồn hàng trăm loài chim thú, thủy sản, các loại thực vật. Trong cao điểm khô hạn nắng nóng như hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn sinh thái đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng chống cháy rừng, lập phương án xử lý khi xảy ra sự cố cháy; tổ chức trực, kiểm tra, bơm cấp bổ nước vào kênh mương trong khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, nhiệm vụ của xã là tuyên truyền, vừa tuyên truyền qua loa đài, tuyên truyền qua các cuộc họp dân, chỉ đạo lực lượng công an - quân sự thường xuyên tuần tra nắm tình hình phòng cháy mùa khô. Xã củng cố kiện toàn lại các đội phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn xã; chuẩn bị phương tiện máy móc, khâu dữ liệu để có sự cố xảy ra thì làm tốt công tác chữa cháy.

Tại Bạc Liêu, Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh này cho biết, đã nâng cảnh báo cháy rừng tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu lên cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu có tổng diện tích cả vùng lõi và vùng đệm khoảng 380ha, được công nhận là Khu Bảo tồn thiên nhiên cấp Quốc gia. Ngoài 101 loài chim, nơi đây còn có gần 150 loài động vật, hơn 100 loài thực vật tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất độc đáo. Đây là vườn chim duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm ngay trong nội ô thành phố.

Các lực lượng diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn chim Bạc Liêu.

Theo ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu, hiện địa phương đang vào đỉnh điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài trong những ngày qua khiến cho nhiệt độ vào buổi trưa ở mức 35- 36oC. Thực trạng này khiến lớp thực bì trong Vườn chim Bạc Liêu héo, khô, lượng nước ở các kênh, mương cũng sụt giảm nhanh.

Để phòng, chống cháy rừng, những ngày qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đã thường xuyên tiến hành dọn thực bì, phát quang các tuyến đường, bờ bao, khu vực có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, tranh thủ lúc đỉnh triều lấy nước vào các kênh, mương để tạo độ ẩm cho rừng.

Trước đó, Ban cũng đã thành lập tổ dự báo cháy rừng, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và đo cấp dự báo cháy rừng, đồng thời lập các tổ trực chỉ huy, tổ tuần tra… thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, săn bắt động vật rừng trái phép; trực phòng, chống cháy rừng luân phiên 24/24 giờ; trực trên chòi canh lửa từ 9-17 giờ hằng ngày. Đơn vị cũng đã, trang bị 4 máy chữa cháy chuyên dụng, 4 xe đẩy vận chuyển máy chữa cháy. Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động…

Gắn thêm camera quan sát tại các cánh rừng có nguy cơ cháy cao

Ngày 13/4, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo huyện Phụng Hiệp đã có buổi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại các vùng xung yếu trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại một số điểm xung yếu tại Công ty CP Nông nghiệp Mùa Xuân (Công ty Mùa Xuân), nơi có nhiều loại chim, cò quý đang sinh sống trên đất rừng, thuộc xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chủ rừng nơi đây thực hiện tốt công tác trữ nước dưới các tuyến kênh, mương trong rừng; độ ẩm của thảm thực vật dưới chân rừng còn ướt, chỉ một số nơi gò cao có dây leo bị khô một phần lá dưới chân rừng.

Lực lượng kiểm lâm Hậu Giang tăng cường tuần tra trong mùa khô hạn ở các vùng xung yếu.

Theo lãnh đạo Công ty Mùa Xuân, thực hiện công tác PCCCR, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã dựng 60 bảng cấm người dân vào rừng; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sống xung quanh rừng về PCCCR. Đồng thời, đảm bảo bố trí lực lượng trực tháp canh, tuần tra bảo vệ và PCCCR tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; các phương tiện, trang thiết bị, nhiên liệu phục vụ cho PCCCR luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ khi có sự cố xảy ra.

Hiện, Hậu Giang có khoảng 4.000ha rừng, trong đó có gần 1.500ha rừng đặc dụng nằm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, và một phần rừng tập trung ở Công ty Mùa Xuân. Hiện cấp dự báo cháy rừng tại đây là cấp IV (cấp nguy hiểm). Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đã huy động 100 người để ứng trực tại các địa phương có rừng. Ngoài ra, còn có 525 người thuộc các đơn vị dân quân tự vệ, tổ nhân dân tự quản; tổ chức thành từng tổ từ 10 - 15 người sẵn sàng tham gia công tác PCCCR.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, dự báo mùa khô hạn vẫn còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới. Đề nghị ngành chức năng có liên quan của tỉnh, huyện Phụng Hiệp và chủ rừng cần tăng cường tính chủ động, thực hiện các giải pháp PCCCR theo phương án đã đề ra trước đó. Trong đó, cần ưu tiên bố trí lực lượng PCCCR ở Lung Ngọc Hoàng.

Riêng tại Công ty Mùa Xuân, đơn vị cần quan tâm cắm thêm nhiều biển cảnh báo cháy rừng vì nơi đây đang khai thác du lịch, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho du khách về PCCCR. Bên cạnh đó, đơn vị xem xét gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng nhằm tăng tính chủ động trong PCCCR.

 

Tổng hợp từ nguồn: vov; saigongiaiphong; nguoilaodong.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động được nghỉ 5 ngày. Với thời gian nghỉ lễ khá dài, nhiều người dân Hà Tĩnh đã lựa chọn hành hương về địa chỉ đỏ, các khu di tích văn hoá, tâm linh trên địa bàn Hà Tĩnh để tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

  • Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Vài năm trở đây, xu hướng du lịch tìm về với thiên nhiên, du lịch sinh thái đang thu hút giới trẻ và người dân Hà Tĩnh. Kỳ nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 năm nay nhiều hoạt động phiên chợ nông thôn, du lịch sinh thái, ẩm thực ven đô... mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

  • Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Tối 27/04, tại Công viên Thương Bạc (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), diễn ra khai mạc Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 với chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương”.

Top