Tính đến tháng 12/2022, tổng số dự án đầu tư sắp hết thời gian hoạt động (thời hạn còn lại từ 1 đến 5 năm) thuộc lĩnh vực sản xuất trên toàn quốc là 1.222 dự án.
Hàng trăm dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên để loại bỏ (không gia hạn thời gian hoạt động).
Theo số liệu báo cáo về các dự án đầu tư sắp hết thời gian hoạt động trên toàn quốc cho thấy, tính đến tháng 12/2022, tổng số dự án đầu tư sắp hết thời gian hoạt động (thời hạn còn lại từ 1 đến 5 năm) thuộc lĩnh vực sản xuất trên toàn quốc có 1.222 dự án. “Như vậy, số dự án đầu tư sắp hết thời gian hoạt động rất lớn”, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá.
Dự kiến, có khoảng 50% các dự án hết hạn thời gian hoạt động có nhu cầu gia hạn, thì trong vòng 5 năm tới sẽ có khoảng 600-700 dự án. Riêng năm 2023, có khoảng trên 100 dự án đề nghị được gia hạn thời gian hoạt động.
Dự án sử dụng công nghệ lạc hậu muốn gia hạn cần phải đầu tư mới máy móc
Theo đó, dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên để loại bỏ (không gia hạn thời gian hoạt động) là các trường hợp sau:
Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoặc công suất hoặc hiệu suất của dây chuyền công nghệ còn lại dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; hoặc mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng vượt quá 15% so với thiết kế.
Dự án sử dụng máy móc, thiết bị để sản xuất có mã hàng hóa (mã số HS) thuộc các Chương 84 và 85 Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có tuổi vượt quá 10 năm hoặc khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường (trừ trường hợp máy móc, thiết bị trong một số lĩnh vực có tuổi vượt quá 10 năm nhưng không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất quy định thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư có sự tham gia của tổ chức giám định được chỉ định, thực hiện đồng thời khi nhà đầu tư làm thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Theo giải pháp này, hồ sơ trình tự, thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư được xây dựng theo hướng nhà đầu tư trước khi đề nghị được gia hạn thời gian hoạt động phải lựa chọn tổ chức giám định độc lập để thực hiện giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đang sử dụng tại dự án và được cấp Chứng thư giám định kết luận về việc đáp ứng tiêu chí quy định tại khoản 10 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Tiếp theo đó, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án đầu tư, thành phần hồ sơ ngoài việc đáp ứng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 55 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP phải có Chứng thư giám định và thuyết minh hiện trạng công nghệ của dự án đầu tư kèm theo danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư.
“Như vậy, hai thủ tục xác định công nghệ và gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được gộp lại, nhà đầu tư chỉ cần làm thủ tục một lần với cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư”, Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích và cho rằng giải pháp này giúp thủ tục hành chính được giảm bớt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nói không với dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hơn bao giờ hết, các bộ, ngành và địa phương đang bám sát xu hướng quốc tế, tăng cường cơ hội thúc đẩy xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nguyên tắc, mục tiêu tăng trưởng xanh được lồng ghép vào quy hoạch của các tỉnh, các ngành, lĩnh vực.
Hàng loạt dự án, kể cả các dự án có quy mô lớn, khi cam kết đầu tư vào Việt Nam, đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon ngay từ bước sản xuất. Điển hình là dự án đầu tư trị giá 1 tỷ USD do Lego đặt tại Bình Dương, để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của công ty ở khu vực Châu Á.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn 2021- 2025 và 2026-2030, để phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
“Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào, kể cả các quốc gia đang phát triển cũng sẽ phải hướng tới trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp và việc thực hiện tăng trưởng xanh, bên cạnh những cơ hội mang lại cho Việt Nam, dù cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn.
Với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về chương trình tăng trưởng xanh quốc gia, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi như sau.
Thứ nhất, xây dựng chính sách, công cụ để tạo môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững. Các chính sách này đều cần gắn kết vai trò của khu vực tư nhân trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư nhân, trong thời gian tới, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công cần dựa trên những tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình, dự án quốc gia của các Bộ, ngành, các địa phương; ưu tiên thực hiện các dự án tăng trưởng xanh, trọng điểm trong từng giai đoạn.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện đề án để hướng tới sớm đẩy nhanh việc vận hành thị trường carbon. Còn phía Bộ Kế hoạc và Đầu tư, theo thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là các công cụ về thuế để có thể ứng phó với những dự án phát thải carbon gây ô nhiễm môi trường; đồng thời dùng những công cụ thuế và các công cụ khác để hướng tới thu hút các dự đi theo đúng định hướng tăng trưởng xanh.
Thứ ba, Việt Nam cần phải có cơ chế, chính sách để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp lớn trở thành tổ chức tài chính dẫn dắt thị trường sản xuất và tiêu dùng xanh trong nền kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thu phí đối với khí thải, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường
Theo Bộ Tài chính, ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.
Hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.
Qua thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành; hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp.
Có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để. Khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải diễn ra khắp nơi trong cả nước. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.
Căn cứ tình hình thực tế quản lý, sở tài nguyên và môi trường báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công địa bàn, đối tượng thu phí cho sở tài nguyên và môi trường, phòng tài nguyên và môi trường tổ chức thực hiện thu phí BVMT đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn.
Dự thảo nghị định quy định rõ phương pháp tính phí gồm: Phí BVMT đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C. Trong đó: F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm); f là phí cố định; C là phí biến đổi (quý). Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải là tổng số phí biến đổi được xác định tại mỗi điểm xả khí thải.
Căn cứ Luật Phí và lệ phí, để bảo đảm thống nhất với quy định thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm 2 phần: Phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải, để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất và phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải.
Đối với phí cố định, mức phí cố định (f) đối với các cơ sở xả khí thải: 3.000.000 đồng/năm. Mức phí cố định được quy định theo năm; trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì số phí phải nộp tính cho 1 quý là f/4; trường hợp người nộp phí nộp theo tháng thì số phí phải nộp tính cho 1 tháng là f/12.
Đối với phí biến đổi, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức phí biến đối đối với 4 chất gây ô nhiễm môi trường.
Đối với tác động tới người dân, doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, dự thảo quy định thu nộp phí BVMT đối với khí thải tương tự như quy trình thu nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đã góp phần đơn giản thủ tục, tiết kiệm chi phí cho tổ chức và cá nhân liên quan. Việc xác định khối lượng khí thải căn cứ trên số liệu quan trắc là đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, phát huy vai trò của người dân trong giám sát quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp phí của tổ chức xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Qua đó, người dân có thể phát hiện, phản ánh đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những sai phạm, tiêu cực, xử lý kịp thời những phát sinh liên quan đến đời sống của người dân nơi diễn ra hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Tác động đối với thu NSNN, theo Bộ Tài chính, phí BVMT đối với khí thải là khoản thu mới, dự kiến khi thực hiện chính sách này làm tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho NSNN. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.