Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp.
Trong đó nêu lên nhiều vấn đề nóng như: lo lắng tăng trưởng kinh tế còn chậm, thu nhập người lao động thấp, tình trạng mất an toàn thực phẩm, trăn trở giá vật tư đầu vào, liên tiếp phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực, tội phạm lừa đảo mạng gia tăng, ...
Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm và thiếu tính ổn định
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao khi trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm.
Chủ tịch UBTWMTTQVN Đỗ Văn Chiến.
Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110.000 tỷ đồng), hoàn thành hơn 650km đường cao tốc. Bên cạnh đó, ngân sách tích lũy được hơn 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương.
Dù vậy, cử tri và Nhân dân lo lắng, kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và thiếu tính ổn định; số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh; thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp…
Xem xét giải quyết tình trạng “quy hoạch treo” ở nhiều dự án
Về lĩnh vực nội vụ, cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách vui mừng phấn khởi trước chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện cải cách tiền lương. Cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính nhưng còn nhiều trăn trở vì một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp thực hiện chính sách đối với cán bộ không còn vị trí làm việc; một số cơ sở vật chất chưa được sử dụng còn lãng phí; cá biệt một số trường hợp còn nặng về sắp xếp theo kiểu lý tính, cơ học, chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố văn hóa, xã hội.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 6.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, cử tri và Nhân dân ở nhiều nơi còn bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường, một số khu xử lý rác thải, nước thải chưa đảm bảo chất lượng, còn một số nơi có nguy cơ mất an toàn, nhất là ở vùng ven biển, ven sông, ven núi cao, người dân lo lắng về tình trạng sạt lở đất, thiên tai, bão lũ bất ngờ gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Cử tri và Nhân dân bức xúc với tình trạng mất an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc trừ sâu quá mức, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...
Với tình trạng “quy hoạch treo” ở nhiều dự án đầu tư dở dang, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân, cử tri và nhân dân bày tỏ sự bức xúc. Một số người đã đầu tư mua nhà ở, đất ở từ nhiều năm trước, đến nay dự án có vi phạm, bị dừng, chưa được giao nhà ở, đất ở hoặc được giao nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, gây ra nhiều đơn thư khiếu kiện của người dân.
Về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cử tri và Nhân dân vui mừng phấn khởi về kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, một số sản phẩm được mùa, được giá, thực sự là “cứu cánh” của nhiều hộ gia đình trong lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, cư dân nông thôn và nông dân còn băn khoăn, trăn trở về giá vật tư đầu vào, phân bón, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi cao, một số sản phẩm làm ra chưa bán được; nhiều gia đình lo lắng con em đến tuổi lao động chưa có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, cử tri và Nhân dân tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đảm bảo tính nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã góp phần quan trọng củng cố, tăng cường Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bức xúc với tình trạng “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân.
Liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cử tri và Nhân dân vui mừng, tự hào về an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước ta được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế và người dân yên tâm làm ăn và trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm và kịch liệt lên án tội phạm có tính chất khủng bố xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lăk; hoan nghênh các cơ quan chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, sớm ổn định tình hình; đồng thời mong muốn Nhà nước xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu và có chính sách khoan hồng đối với những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin.
Cử tri và Nhân dân bàng hoàng, đau xót, chia sẻ với mất mát lớn lao của gia đình các nạn nhân vụ cháy chung cư mi ni ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội; quan tâm, lo ngại về việc bắt cóc, bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang trong Nhân dân; tội phạm lừa đảo, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, tổ chức cá độ trên không gian mạng diễn biến phức tạp.
Kiên quyết xử lý trường hợp thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ
Từ những vấn đề trên các lĩnh vực, cử tri và Nhân dân kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để nhân dân giám sát.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống.
Cử tri và Nhân dân kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thảo luận kỹ lưỡng những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nghiên cứu tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng của cử tri và Nhân dân, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
Các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay gửi kết quả giải quyết về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phản hồi lại cho cử tri và Nhân dân, qua đó thực hiện giám sát.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ. “Cùng với sự đồng lòng, chung sức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, chắc chắn đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.