Hiện nay, mùa mưa lũ bắt đầu ở các tỉnh miền Trung, diễn biến thời tiết năm nay được đánh giá là khá phức tạp. Đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi đang là nhiệm vụ hàng đầu, tuy nhiên không ít hồ đập ở đây đang trong tình trạng xuống cấp và trở thành nỗi lo lớn khi mưa lũ xảy ra.
Hồ đập đang xuống cấp
Với chức năng làm nhiệm vụ tích trữ nước cho sinh hoạt, trồng trọt, và chăn nuôi, các công trình hồ đập còn có thêm chức năng là điều tiết nước trong mùa mưa lũ để đảm bảo cho hạ lưu. Do đó, các công trình này được nhà nước và các tỉnh đầu tư kinh phí để xây dựng và vận hành. Tuy nhiên, đã có rất nhiều công trình hồ đập hiện nay đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn nhất là trong điều kiện mùa mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đang đến gần.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có hơn 200 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, trong đó 103 công trình bị hư hỏng nặng cần có phương án khắc phục, sửa chữa ngay.
Tại Hà Tĩnh, hồ chứa nước Đập Trạng (xã Hương Thuỷ, Hương Khê) được xây dựng cách đây hàng chục năm với nhiệm vụ cấp nước phục vụ đời sống dân sinh và tưới cho 50 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Trải qua nhiều năm chống chọi với thiên nhiên, hiện nay, hồ Đập Trạng đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.
Theo kết quả kiểm định an toàn đập hồi tháng 6/2022 của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh, hồ Đập Trạng chỉ đạt mức độ an toàn loại 3 - “Đập có nguy cơ mất an toàn, cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra sửa chữa, nâng cấp công trình”.
Hiện nay hồ Đập Trạng đang bị rò nước ở mang tràn xả lũ. Phần mái đập thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan nhưng nay đã bong tróc hư hỏng, không đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ mái đập trước tác động của sóng gió. Phía mái đập hạ lưu hiện có nhiều vị trí lồi lõm, không có rãnh tiêu thoát nước và xuất hiện tình trạng thấm, rò rỉ gây thất thoát nước trong hồ.
Hồ Đập Trạng (xã Hương Thuỷ, Hương Khê) đang bị rò nước ở mang tràn xả lũ với lưu lượng lớn
Cũng tại địa phương này có hồ chứa nước Nhà Lào (xã Phú Phong, Hương Khê) được xây dựng từ năm 2004, có nhiệm vụ cấp nước phục vụ đời sống dân sinh và tưới cho 50 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn cũng đang xuống cấp nghiêm trọng khiến chính quyền và người dân nơi đây nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ về.
Hồ Nhà Lào (xã Phú Phong, Hương Khê) xuất hiện nhiều lỗ hổng tạo thành dòng chảy ở hai bên thân tràn.
Hiện nay, tràn xả lũ của hồ Nhà Lào xuất hiện nhiều lỗ hổng tạo dòng chảy nhỏ hai bên thân tràn; hạ lưu chân mái đập ở hai bên cống lấy nước bị sình lầy; cống lấy nước dưới đập đóng không kín nên nước bị rò rỉ, ảnh hưởng đến diện tích nước sản xuất hàng năm.
Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 348 hồ chứa nước với dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước ; có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hằng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.
Tại Nghệ An Hồ Khe Thị nằm ở xã Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có diện tích 6,3ha, dung tích trữ 2,5 triệu m3 được người dân ví như một “bom nước” trên đầu mỗi mùa mưa bão. Sau gần 50 năm đưa vào sử dụng, phần mái thượng lưu bị sạt trượt, đứt gãy tại nhiều điểm, bờ tường chắn sóng phía trên thân đập tại nhiều vị trí bị sụt lún, đổ sập. Nước thấm ra nhiều ở mái hạ lưu. Đặc biệt phần tràn xả lũ của đập hồ Khe Thị đang còn tạm bợ, đã bị xói lở mạnh.
Ông Ngô Trí Chính, Chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam cho biết, đập hồ Khe Thị từng đe dọa vỡ trong đợt mưa lớn năm 2020. Để cứu đập, người dân và chính quyền địa phương đã phải dùng máy hạ thấp phần tràn xả lũ.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai bất thường
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, ba tháng cuối năm 2022, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai đã làm 119 người chết và mất tích, hơn 440 ngôi nhà sập đổ, gần 7.000 ngôi nhà bị hư hại, hơn 200.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2022 đến nay lớn hơn cả năm 2021.
Mới đây ngày 20/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành yêu cầu trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát tình hình, chủ động đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao và địa bàn được phân công theo dõi theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và chỉ đạo tại Chỉ thị số 09/CT-TTg.
Phó Thủ tướng giao thành viên Ban Chỉ đạo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai tới các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương có liên quan và nhân dân để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Bên canh đó các địa phương cần tổ chức lập, rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp cho các công trình và vùng hạ du đập, lưu ý các kịch bản ứng phó với mưa lớn, cực đoan; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” trong công tác vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các công trình thủy lợi; rà soát, đánh giá các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi để bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp; tổ chức vận hành các công trình theo đúng quy trình đã được phê duyệt; đồng thời bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở vùng hạ du khi xả lũ hồ chứa; xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi trên phần mềm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.