Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 1 năm 2023 | 14:9

Nông dân, ngư dân, diêm dân nô nức xuống đồng, mở biển đầu năm

Người nông dân, ngư dân, diêm dân trên nô nức xuống đồng sản xuất vụ mùa với mong muốn “lấy may” cho cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.

Nông dân xuống đồng sản xuất đầu năm mới

Những ngày đầu năm mới, nông dân Hà Tĩnh đã bắt đầu xuống đồng sản xuất vụ xuân với mong muốn cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Vụ này, gia đình anh Trần Đình Huấn (thôn Nam Văn, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên) gieo cấy hơn 1,5 mẫu ruộng với các giống chủ yếu như Khang Dân 18, VRN20, Bắc Thịnh… Phần lớn diện tích chưa gieo cấy nên thời vụ càng trở nên hối hả hơn đối với gia đình anh. Anh Huấn chia sẻ: “Mấy ngày hôm nay thời tiết tốt nên tôi phải ra đồng để xem tình hình thế nào, thuê máy cày chuẩn bị xáo lại đất lần cuối. Ngày mùng 4 âm lịch, tôi đã tiến hành ngâm giống thì dự kiến khoảng ngày 8/1 âm lịch (tức 29/1) sẽ bắt đầu xuống giống tập trung”.

Trên các cánh đồng của huyện Hương Sơn, không khí lao động càng về trưa càng náo nức. Bà con xuống đồng gieo cấy, người chăn thả trâu bò, người đắp lại bờ, lấy nước cho các thửa ruộng đã lên mầm xanh.

Nông dân xã Sơn Bằng, Hương Sơn tập trung ra đồng làm đất, gieo cấy lúa xuân trong những ngày đầu năm mới.

Bà Phạm Thị Tú (thôn Thanh Bằng, xã Sơn Bằng, Hương Sơn) cho hay: “Từ ngày mùng 4 tháng Giêng, bà con nông dân đã bắt đầu ra đồng lấy nước, làm lại đất, xuống giống vụ xuân. Tết được chuyển dần từ nhà ra đồng, bà con rất phấn khởi mong chờ một mùa bội thu. Như gia đình tôi vùng này máy cày khó vào nên đã đưa thêm con trâu ra để “tăng bo” sản xuất, tranh thủ mấy ngày thời tiết thuận lợi”.

Được biết, vụ xuân 2023, huyện Hương Sơn phấn đấu gieo cấy 4.680 ha với các giống lúa chủ lực: Thái Xuyên, Nhị Ưu 838, VRN20, Bắc Thịnh, Khang Dân 18. Từ ngày 18/1 đến nay, bà con các địa phương huyện Hương Sơn đã tiến hành gieo cấy được gần 1.000 ha (tương ứng với hơn 20% kế hoạch). Theo lịch thời vụ, từ nay đến ngày 4/2, toàn bộ diện tích trên địa bàn huyện vào đợt gieo cấy tập trung nhất.

Còn đối với anh Văn Hướng – chủ máy cày ở thôn Gia Ngãi 2, xã Thạch Long (huyện Thạch Hà), ngày mùng 5 tết cũng là ngày anh chọn để “xuất hành”, cho “con trâu sắt” ra đồng. Anh Hướng chia sẻ: “Ra đồng đầu năm bao giờ cũng có một cảm giác thật đặc biệt. Thời tiết nắng ráo nên việc xuống đồng cũng không mấy vất vả. Làm nghề này chỉ biết tập trung cày ải, làm đất thật cẩn thận để bà con gieo lúa được thuận lợi, tốt tươi”.

Theo kế hoạch, trà giống chủ lực của toàn tỉnh sẽ tập trung xuống giống từ nay đến khoảng 8/2 tới.

Đến nay, nhiều diện tích lúa của huyện Can Lộc gieo cấy từ giữa tháng 1 đang phát triển tốt. Mầm xanh của sự sống, của mùa xuân đang trải dài khắp đồng trên xóm dưới. Bà con nông dân cũng chủ động bám đồng để theo dõi cây lúa và phát hiện sớm các đối tượng dịch hại. Đối với ông Nguyễn Xuân Hạnh (thôn Yên Đồng, xã Xuân Lộc, Can Lộc), ông quan niệm ngày ra đồng đầu năm phải là ngày tốt và người nông dân có thể chỉ làm nhát cuốc đầu tiên xuống đồng như thể đánh thức đất đai, khai xuân động thổ, cầu mong cho mưa thuận gió hòa.

Sau những ngày bận rộn lễ cúng, chúc tụng, tranh thủ buổi chiều nắng ráo, cỏ đã khô sương, ông Bùi Trọng Bình (thôn Bùi Xá, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) mở ràn, dẫn con bò của gia đình ra đồng tìm ít thức ăn tươi và vận động gân cốt. Ông vui vẻ: “Với bà con ta “con trâu là đầu cơ nghiệp”, đem nó ra đồng cũng như đi lấy may đầu năm, mình tranh thủ thư giãn, ngắm quê hương đổi thay trong mùa xuân mới”.

Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống được trên 21.500 ha/59.000 ha, trong đó, diện tích gieo thẳng là trên 20.490 ha. Theo kế hoạch, trà giống chủ lực của toàn tỉnh sẽ tiếp tục được tập trung xuống giống từ nay đến khoảng 8/2 tới.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Hiện nay, thời tiết đang nắng ấm, thuận lợi cho việc gieo cấy nên các địa phương phải chủ động hướng dẫn, đôn đốc để người dân tập trung ra đồng sản xuất. Đồng thời, đối với các diện tích đã gieo cấy xong cần chủ động tỉa dặm, lấy nước và theo dõi tình hình phát sinh của sâu bệnh nhất là bọ trĩ, ruồi đục nõn”.

Nơi chuẩn bị gieo cấy, nơi tranh thủ theo dõi sự sinh trưởng của cây, nơi sẵn sàng làm đất gieo lạc, không khí sản xuất đầu năm náo nức lan tỏa ở khắp các địa phương hứa hẹn một mùa sản xuất bội thu…

Nông dân miền Tây Nghệ An  gieo cấy vụ Xuân

Những ngày này, đồng bào vùng cao Nghệ An bắt đầu xuống đồng gieo cấy lúa vụ Xuân trong niềm vui vừa đón một cái Tết sum vầy.

Ông Lương Văn Long ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương hồ hởi cho biết, gia đình có khoảng 700 m2 ruộng nước. Thực hiện đúng lịch gieo cấy mà địa phương đã chỉ đạo trước Tết, gia đình đã tranh thủ làm đất, vận chuyển phân chuồng ra tận ruộng, do vậy sau khi ăn Tết xong, gia đình ra đồng gieo cấy lúa vụ Xuân.

"Mặc dù thời tiết giá rét nhưng các thành viên trong gia đình vẫn năng nổ ra đồng làm đất để gieo cấy. Trước đó, gia đình gieo mạ phủ ni lông nên cây mạ không bị chết và phát triển tốt. Dự kiến, khoảng 3 - 4 ngày, gia đình sẽ gieo cấy xong diện tích lúa của mình", ông Lương Văn Long chia sẻ.

Bà con nông dân huyện Tương Dương gieo cấy lúa vụ Xuân 2023. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà con nông dân rẻo cao Kỳ Sơn những ngày đầu năm mới Quý Mão này cũng bắt đầu ra đồng sản xuất lúa vụ Xuân. Ông Lầu Pà Cu ở bản Chà Lạp, xã Mường Típ cho hay, từ cuối năm 2022, gia đình đã đến chợ mua sắm một số dụng cụ sản xuất để bước sang năm mới có nông cụ sắc bén, thuận lợi hơn trong việc làm đồng, làm vườn. Sau những ngày ăn Tết vui vẻ, gia đình tập trung nhân lực ra đồng làm đất, bón phân, nhổ mạ, gieo cấy lúa nước. Làm lúa nước cho năng suất cao, nên gia đình cố gắng thực hiện theo lịch thời vụ do xã chỉ đạo, đồng thời đầu tư phân bón hợp lý để thu hoạch được tốt hơn", ông Lầu Pà Cu cho biết.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết: Địa phương có 960 ha lúa nước, tập trung nhiều ở các xã: Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang, Xá Lượng... Vụ Xuân này, huyện cơ cấu các giống lúa thuần chủ lực: Sông Lam 9, BQ... và nếp các loại. Trước Tết, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con gieo mạ phủ ni lông nên không có tình trạng mạ chết rét, đảm bảo nguồn mạ cho bà con cấy.

"Thực hiện đúng lịch thời vụ, từ sáng ngày mùng 4 Tết, bà con bắt đầu ra đồng sản xuất, dự kiến sau 1 tuần đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa Xuân", ông Lô Khăm Kha cho hay.

Bà con vùng cao gieo mạ phủ ni lông nên đảm bảo đủ nguồn mạ để cấy kịp thời vụ. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Kỳ Sơn hiện có gần 800 ha diện tích gieo cấy lúa nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - ông Thò Bá Rê cho biết, hiện nay thời tiết ở Kỳ Sơn khá ấm áp (khoảng 20 độ C) thuận lợi cho bà con ra đồng gieo cấy lúa vụ Xuân. Qua nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương cho thấy, từ ngày mùng 3 tháng Giêng, bà con bắt đầu kéo nhau xuống đồng gieo cấy, đúng với lịch thời vụ của tỉnh. Một số xã đã có nhiều diện tích đã được gieo cấy nhiều như: Hữu Lập, Hữu Kiệm... Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, dự kiến đến khoảng giữa tháng Giêng, bà con Kỳ Sơn sẽ gieo cấy xong lúa Xuân.

"Trước Tết, bà con gieo mạ với 100% diện tích mạ được phủ ni lông nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá rét. Nhiều năm nay, do được cơ cấu các giống lúa phù hợp, cùng với sự đầu tư phân bón hợp lý, thực hiện nghiêm lịch thời vụ nên năng suất lúa nước của Kỳ Sơn hàng năm đạt bình quân trên 40 tạ/ha. Tuy nhiên, năm nay diện tích lúa sẽ có thay đổi, bởi sau đợt lũ ống, lũ quét, một số diện tích bị đất đá vùi lấp và một số công trình thủy lợi hư hỏng, chưa khắc phục được, nên không có nước gieo cấy", ông Thò Bá Rê cho hay.

Bà con các huyện khác như Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu... cũng bắt đầu ra đồng gieo cấy lúa vụ Xuân từ ngày mùng 4 Tết. Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Các huyện miền núi của Nghệ An cơ bản thực hiện đúng lịch thời vụ gieo cấy lúa vụ Xuân của tỉnh, ngoại trừ một số địa phương của các huyện: Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Thanh Chương... gieo cấy trước Tết. Việc bà con vùng cao gieo cấy đúng lịch thời vụ sẽ tránh được những rủi ro do thời tiết, bởi năm 2023 có nhuận 2 tháng 2 và tiết lập xuân muộn vào ngày 14 tháng Giêng. Do vậy, nếu bà con gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ thì lúa sẽ trổ vào thời điểm thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Xuống đồng, mở biển “lấy may”

Đã thành thông lệ, cứ sáng sớm ngày mùng 2 Tết hàng năm, ông Nguyễn Văn Phương, ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại xuống đồng để thăm ruộng, kiểm tra lúa, be bờ, nhổ cỏ....với quan niệm “lấy vía” đầu năm.

Ông Phương chia sẻ, phần vì đây là thời điểm quan trọng bởi lúa đã làm đòng được 2 tháng, đang ở giai đoạn chuẩn bị trổ. Do đó, người nông dân phải theo sát và chăm sóc kĩ càng để điều chỉnh phân, nước kịp thời để đảm bảo lúa đạt năng suất tốt nhất, phần vì mong muốn đầu năm mọi sự “thông hành” để có mùa màng bội thu, nên ông chọn ngày mùng 2 đầu năm để ra đồng.

Năm nay, thời tiết tương đối ổn định, suôn sẻ nên 6 sào lúa vụ Đông Xuân của gia đình ông Phương đang phát triển tốt, ít sâu bệnh. “Mong rằng năm nay thời tiết sẽ mưa thuận gió hoà để mùa màng được tốt tươi, giá cả ổn định để bà con nông dân tăng thêm nguồn thu nhập”, ông  Phương cho hay.

Diêm dân Nguyễn Minh Chánh, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa xuống đồng đầu năm với mong muối mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, thuận gió, diêm dân Nguyễn Minh Chánh, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa ra đồng sản xuất vụ muối đầu năm. Năm nay, muối đang tăng cao kỷ lục, ai ai cũng kỳ vọng vào năm mới sẽ thuận lợi “được mùa được giá”. Ông Chánh cho biết, năm nào cũng vậy, phong tục ra đồng cúng đầu năm của diêm dân luôn được duy trì và tùy vào từng gia đình để chọn ngày ra đồng bắt đầu công việc.

Tuy nhiên, đa số bà con diêm dân sẽ kéo ra đồng từ mùng 2 và đến mùng 4 Tết. Thời tiết tốt cùng với giá muối đang ở mức cao nên bà con diêm dân đều tranh thủ ra đồng sớm để dọn dẹp ruộng chuẩn bị cho vụ mùa mới. Hiện giá muối đang có giá khoảng 2,5 triệu/tấn (muối thường) và 3 triệu/tấn (muối bạt), đây được xem là mức cao nhất từ trước tới nay. Do vậy, diêm dân rất khấn khỏi, kì vọng cho vụ mùa sắp tới sẽ đạt năng suất cao, giá cả ổn định như hiện nay để diêm dân có động lực duy trì nghề truyền thống làm muối.

Ai ai cũng phấn khởi, mong một năm đánh bắt sẽ mưa thuận, gió hòa.

Hàng năm, tại làng chài xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cứ vào sáng mùng 2 Tết, ngư dân ở địa phương lại đưa thuyền thúng ra khơi đánh bắt hải sản. Ghi nhận tại bờ biển Hồ Tràm, xã Phước Thuận ngay từ sáng sớm mùng 2 Tết Nguyên đán, không khí kéo lưới, mua bán hải sản đã diễn ra rất nhộn nhịp. Mở đầu cho chuyến biển đầu năm mới, ai cũng cầu mong một năm thuận buồn, xuôi gió, mùa khai thác mới bội thu.

Những chiếc ghe của ngư dân hành nghề lưới nổi và nghề câu mực sau một đêm đánh bắt đưa vào bờ những giỏ cá và mực tươi rói. Những ngư dân kì cựu ở đây cho biết, nghề thuyền thúng đánh bắt hải sản thường hoạt động cách bờ khoảng 5 hải lý trở vào, hải sản thu được chủ yếu là ghẹ, ốc và các loại cá nhỏ.

Từ sáng sớm mùng 2 tết, ông Nguyễn Văn Phương, ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền lại xuống đồng để thăm ruộng.

Ngư dân Hoàng Văn Hiệp, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, ghe của ông bắt đầu ra khơi vào khoảng 3 giờ sáng mùng 2 Tết, sau khoảng 5 tiếng đánh bắt, hơn 7 giờ sáng ghe đã vào bờ. Trung bình mỗi chuyến đi như vậy, ông thu hoạch được từ 20-30 kg hải sản các loại. Hải sản sau khi được gỡ ra khỏi lưới, khách du lịch mua ngay tại bãi nên gia đình ông không cần phải ra chợ để bán. Sau mỗi chuyến đi biển, trung bình mỗi người đi thúng, ghe thu nhập từ 1-2 triệu đồng, cao gấp đôi so với ngày thường. “Sau 2 năm dịch bệnh, việc đánh bắt hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngư dân chúng tôi chỉ có một ước mong đó là năm mới mọi chuyến ra khơi đều thuận buồn xuôi gió, hải sản đánh bắt luôn đầy ghe là vui mừng rồi”, ông Hiệp mong muốn.

Hương vị tết đang ngập tràn khắp mọi miền quê, nhưng đối với người nông dân, ra đồng đầu năm cũng quan trọng như xuất hành, mở hàng buôn bán. Bà con ai nấy cũng đều kỳ vọng năm mới mưa thuận gió hòa, sản xuất an toàn, mùa màng bội thu, giá cả ổn định.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top