Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 5 năm 2023 | 10:59

Nông thôn mới Hà Nội ngày càng hiệu quả, thực chất

Thời gian qua, nhờ các cấp chính quyền Hà Nội tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và nâng cao hơn so với trước đây.

Nét đặc trưng

Thực hiện chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" hướng tới 3 mục tiêu chính, gồm: Xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. 

Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội gắn với tiến trình đô thị hóa.

Trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng có nhiều nét đặc thù riêng khi có nhiều địa phương phát triển từ huyện lên quận. Vì vậy, nhiệm vụ triển khai sẽ thực hiện song song 2 bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao và tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận. Hà Nội đã có đề án đưa 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến 2025. Theo đó, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mới ở các địa phương này cần phải đẩy mạnh để phục vụ cho quá trình phát triển thành quận. 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, để đạt được mục tiêu đề ra Hà Nội cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đến bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã, huyện nông thôn mới. Đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, cơ bản đạt hoàn thành trong năm 2022.

Vượt kế hoạch

Theo Ban Chỉ đạo chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII, tính đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 83,3% so với kế hoạch Chương trình), gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Dự kiến trong năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025 có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (5 huyện còn lại đạt chuẩn nông thôn mới). Về huyện nông thôn mới nâng cao, qua kết quả thẩm định có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở đủ điều kiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; bên cạnh đó có 2 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ vượt chỉ tiêu chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là có 5 huyện nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 các huyện, thị xã đăng ký có thêm 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến hết năm 2023 lũy kế Thành phố có tổng số 53 xã nông thôn mới kiểu mẫu, còn thiếu 17 xã đạt mục tiêu chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là 80 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị. 

Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, để hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2025, Thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Đồng thời, tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng.

Phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng NTM có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% số huyện, xã đạt chuẩn NTM, 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, trong quý II/2023, sở sẽ tham mưu tổ chức hội nghị của Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 thành phố Hà Nội để bỏ phiếu, xem xét đối với hai huyện Ứng Hòa và Ba Vì đạt chuẩn NTM năm 2022. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng ở Thủ đô, cần có sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Ðó là giá trị văn hóa, bản sắc lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình nhưng lại có giá trị rất lớn làm nên thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với phương châm, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

==

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top