Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 1 năm 2024 | 13:11

Nước mặn vào sâu 70km, các địa phương ở ĐBSCL chủ động ứng phó

Hơn 1 tuần nay, tình trạng nước mặn bắt đầu xâm nhập sâu vào nhiều khu vực nội đồng các tỉnh vùng ĐBSCL. Trên sông Cửa Đại mặn đã xâm nhập sâu đến 70km. Trước thực trang trên, các địa phương đang chủ động xây dựng phương án bảo vệ an toàn vùng sản xuất bằng đầm tạm, hệ thống trữ nước ngọt trong vườn.

Mặn vào sâu 70km

Tại vùng lúa tôm huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang hiện nước mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh thủy lợi nội đồng, ranh mặn đạt 4g/l, địa phương này đã đóng cống đập bảo vệ an toàn 5.700 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ bông. Theo Giám đốc HTX Tân Tạo (An Biên, Kiên Giang), HTX đã chủ động khóa trước một ngày để các cống, đập giữa nước ngọt bảo vệ vùng sản xuất.

Trong khi đó, ông Trang Minh Tú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Biên cho biết, phòng chuyên môn cũng như các xã, thị trấn khảo sát các khu vực sản xuất lúa để gia cố các đê bao cũng như sửa chữa các cống, đắp các đập tạm.

Hạn mặn vào sâu hàng chục km tại một số địa phương vùng ĐBSCL.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, đầu tháng 1/2024, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành mở tự do các cống trên địa bàn huyện An Biên, An Minh để người dân lấy nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đối với hệ thống cống đê bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng sẽ đóng lại để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Hệ thống cống đê bao Ô Môn - Xà No tiếp tục mở tự do, chỉ vận hành đón cống kiểm soát mặn khi có yêu cầu.

Đối với hệ thống cống huyện Châu Thành và TP. Rạch Giá, tiến hành đóng các cống để trữ ngọt, kiểm soát mặn, riêng cống Rạch Tà Niên mở tự do để thoát ô nhiễm, đóng cống khi độ mặn tăng cao. Cống Kênh Cụt, Kênh Nhánh mở để xử lý ô nhiễm môi trường, cống số 1 vận hành mở một chiều ra biển, cống Sông Kiên mở từ 1-3 cửa để thoát ô nhiễm, chống ngập úng.

Đối với hệ thống cống vùng tứ giác Long Xuyên đóng hết các cống để trữ ngọt, kiểm soát mặn; riêng cống Ba Hòn mở 1 cửa, 1 chiều ra biển để phục vụ giao thông thủy. Vận hành mở tự do các cống phục vụ nuôi trồng thủy sản đối với vùng có bờ bao khép kín.

Theo đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ trong tuần này ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền vào khoảng 35 - 40km, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản trên 14.000 ha ở các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang sớm bị ảnh hưởng.

Tại Bến Tre độ mặn 1‰ theo sông Hàm Luông đã xâm nhập sâu vào đất liền hơn 50km; trên sông Cửa Đại mặn cũng đã xâm nhập sâu đến 70km. Địa phương đang chủ động xây dựng phương án bảo vệ an toàn khu sản xuất hoa và cây kiểng bằng đầm tạm và hệ thống trữ nước ngọt trong vườn.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, giải pháp đầu tiên là cùng với Nhà nước đắp đập những nơi trữ nước ở những đập công cộng. Người dân từng hộ sản xuất cũng chuẩn bị cho mình hệ thống ngăn mặn trong vườn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trước hết không để ảnh hưởng đến cây ăn quả, thứ 2 là không để hộ gia đình nào không có nước sinh hoạt, thứ 3 đảm bảo dịch chuyển mùa vụ hợp lý, đặc biệt là sản xuất lúa để né mặn.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) dự báo, trong tháng 3/2024, vùng ĐBSCL sẽ xuất hiện đợt cao điểm xâm nhập mặn. Ba tháng đầu năm 2024, tình trạng El Nino sẽ còn duy trì với xác suất trên 90%, khả năng vùng ĐBSCL sẽ có đợt cao điểm xâm nhập mặn vào tháng 3. Trước mắt, tháng 1/2024, ở các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-55 km, tăng khoảng 5-8 km so với năm 2023. Tình trạng xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 40-50 km trong các kỳ triều cường.

Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l xâm nhập ở mức từ 55-65 km, tăng 3-5 km so với năm 2023. Từ giữa tháng 1/2024, tình trạng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 50 km trở xuống. Các địa phương trong khu vực ảnh hưởng đã tổ chức việc gieo cấy sớm, trữ nước phân tán để phục vụ cho cây ăn trái. Ngoài ra, khu vực đang trong giai đoạn đầu mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 1 đạt khoảng 80% dung tích thiết kế.

Mặn năm nay đến sớm hơn, nhiều khu vực nước mặn xâm nhập sâu, với độ mặn cao hơn so với cùng kỳ.

Nguồn nước cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023-2024. Tuy nhiên, theo Cục Thủy lợi, người dân cần tiết kiệm nước để có thể cung cấp đủ nước cho cả vụ hè thu 2024, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Long An chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Mới đây, UBND tỉnh Long An có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT; Hội Nông dân tỉnh;UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan báo chí về việc tập trung triển khai các biện pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả kiểm tra tình hình sản xuất trên lúa đông xuân 2023-2024 và tổng hợp báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa có ghi nhận sâu năn xuất hiện với diện tích nhiễm khoảng 1.801 ha.

Trong đó, tỷ lệ hại nhẹ từ 7-20% diện tích khoảng 1.255 ha; tỷ lệ hại trung bình 20-30% diện tích khoảng 242 ha, tỷ lệ nặng 30-50% diện tích khoảng 304 ha. Hiện nay, do thời tiết có sương mù, nhiệt độ thấp vào sáng sớm, ẩm độ đồng ruộng cao là điều kiện thuận lợi cho sâu năn phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, đa phần diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh (là giai đoạn tương đối mẫn cảm với sâu năn) nên sâu năn vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho các diện tích này.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An.

Các địa phương trong tỉnh phải chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 - 2024 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, các giải pháp ứng phó với kịch bản khác nhau về khí tượng thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của Elnino, nhằm kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các giải pháp phòng chống, ứng phó thiên tai hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tổ chức rà soát, xác định, khoanh vùng các khu vực có khả năng, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ dân, từng ấp, xã, huyện; nhất là tại các vùng xa khu dân cư tập trung, vùng ven sông các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp.

Ngành chức năng các địa phương chủ động kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, tránh làm thất thoát, lãng phí nước; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; đồng thời hỗ trợ người dân mua sắm, sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị cấp, trữ nước như lu, bể, bồn, túi chứa nước và các hình thức khác,...để tích trữ đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho toàn bộ thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024.

Trường hợp cấp bách không còn nguồn cấp nước sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện, thiết bị lưu động như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng ấp, xã, cụm dân cư, hộ gia đình ở xa các trạm cấp nước để “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình chất lượng nước, độ mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch nội đồng để chủ động điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành, khuyến cáo thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý để sản xuất tốt vụ đông xuân 2023-2024 phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn, dịch hại trên cây trồng ở từng địa phương.

Hội Nông dân tỉnh và các cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về các giải pháp phòng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024.

Trước những dự báo tình hình hạn hán, mặn xâm nhập huyện Kiên Lương Kiên Giang đã chủ động gia cố cống đập, ngăn mặn để bảo vệ 24.000ha lúa đông xuân 2023-2024.

Vụ đông xuân 2023-2024, huyện gieo sạ 23.000ha, phấn đấu đạt sản lượng 165.978 tấn. Để vụ lúa đông xuân thắng lợi, Kiên Lương khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống. Các ngành của huyện và chính quyền các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, gia cố, tu bổ, đắp các đập, xây dựng các cống để ngăn mặn triệt để; củng cố, xây dựng hệ thống bờ bao, nạo vét kênh, mương nội đồng; thường xuyên kiểm tra gia cố các đập ngăn mặn, tu bổ khi sạt lở, rò rỉ...

Cụ thể, Kiên lương tiếp tục duy trì đập tạm trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại Hòa Điền. Cùng đó, huyện đề nghị Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và PTNT vận hành hệ thống cống hợp lý để tạo thuận lợi cho khâu làm đất và tùy tình hình cụ thể có sự điều tiết phù hợp.

 

Tổng hợp từ nguồn: vov.vn; baolongan; kinhtesaigon; baochinhphu.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top