Nuôi cá lồng trên biển từ lâu được xem là nghề truyền thống của xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn - Thanh Hóa), giải quyết việc làm và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu ra không ổn định, nguồn nước bị ô nhiễm, khu vực nuôi cá lồng nằm trọn trong vùng quy hoạch phát triển hạ tầng Cảng biển Nghi Sơn, khiến nghề nuôi cá lồng nơi đây đã khó càng thêm khó.
“Đi không được, ở không xong”
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ những năm 1990, nhiều hộ dân xã đảo Nghi Sơn chuyển đổi từ đánh bắt cá trên biển sang đóng lồng, bè để nuôi cá, mang lại thu nhập khá cao.
Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, ông Đồng Văn Tuân (thôn Trung Sơn, xã Nghi Sơn) cho biết: Những năm trước đây, gia đình mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá trên biển, do nhiều yếu tố mà nghề đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn. Năm 2004, gia đình vay mượn hơn 50 triệu đồng đầu tư đóng 9 ô lồng, bè nuôi cá (chủ yếu là cá mú và cá hồng Mỹ). Chỉ sau ít năm, nhận thấy nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng nâng lên 30 ô lồng. Đến thời điểm hiện tại, gia đình đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng.
Khu vực nuôi cá lồng tại đảo Mê.
“Những năm đầu nuôi cá rất hiệu quả, vì giá con mồi thấp, giá bán ổn định. Sau đó, nghề nuôi cá gặp phải rất nhiều khó khăn, khi giá cá con mồi tăng cao, cá nuôi đến ngày xuất lại khó tiêu thụ. Thêm vào đó, nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt… Nói chung bây giờ nghề nuôi cá ở đây rất khó khăn”, ông Tuân nói.
Một số hộ dân nơi đây cho biết, việc tăng nhanh số hộ và lồng nuôi cũng như mật độ nuôi quá cao, trong khi vịnh Nghi Sơn thường xuyên phải nhận nước xả thải sinh hoạt trực tiếp từ người dân và tàu thuyền khai thác qua lại, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh phát triển, cá chết khá nhiều, có thời điểm các hộ nuôi mất trắng hàng tỷ đồng.
Cũng theo người dân, những năm qua, để xây dựng, phát triển cảng biển Nghi Sơn, chính quyền yêu cầu các hộ nuôi cá lồng tháo dỡ, di dời lồng cá đến vùng biển được quy hoạch. Thế nhưng, vì những khó khăn hiện tại và kế sinh nhai trong tương lai, khiến người dân rơi vào cảnh “đi không được, ở không xong”.
“Nhiều lúc khó khăn quá, muốn bỏ cũng không được, đang nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng, không làm lấy gì để trả lãi… Muốn di dời ra xa để nuôi cá cho ổn định thì vốn liếng đâu để đầu tư thuyền, bè, trả thù lao cho công nhân hàng tháng…”, nhiều người dân than thở.
“Vướng” quy hoạch
Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập năm 2006, với diện tích là 18.611,8ha, bao gồm 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Ngày 07/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1699/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, KKT Nghi Sơn được mở rộng từ 18,611ha lên 106.000ha.
Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn có 64 bến (12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến chuyên dụng). Đây là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), phát triển thành cảng biển quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa phục vụ KKT Nghi Sơn và các vùng lân cận trong khu vực.
Những năm qua, để phát triển hạ tầng cảng biển Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch nhằm giảm dần các hộ nuôi cá lồng, tiến tới giải tỏa toàn bộ các hộ nuôi cá lồng tại đây trong năm 2025. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, vịnh Nghi Sơn chỉ được phát triển tối đa 250 lồng bè nuôi cá theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn lồng cá vẫn còn hiện hữu trên vùng quy hoạch phát triển cảng biển.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nuôi cá trong khu vực vịnh Nghi Sơn do “vướng” quy hoạch phát triển cảng biển. Thay vào đó, nên phát triển các lồng cá gần khu vực đảo Mê theo quy hoạch để bảo đảm không ô nhiễm nguồn nước cũng như vướng luồng hàng hải của các tàu hàng.
Cần cơ chế hỗ trợ để di dời
Theo ông Đồng Văn Tuân, để đầu tư hệ thống ô lồng nuôi cá, các hộ chủ yếu vay mượn ngân hàng. Hiện tại, các hộ dân nợ ngân hàng hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng. Vì vậy, nếu không duy trì nuôi cá thì không có khả năng chi trả gốc và lãi suất ngân hàng. Mặc dù chính quyền nhiều lần vận động di dời ra vùng biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản để tiếp tục phát triển nghề, thế nhưng, chi phí di dời khá lớn nên cũng rất khó thực hiện.
Các lồng cá của người dân xã đảo đang được người dân chuyển ra đảo Mê nuôi trồng.
“Để di dời ra vùng biển nuôi trồng thủy sản, đầu tiên là kinh phí, một mình không thể làm được, phải thuê 2 công nhân, mỗi tháng trả lương, chi phí ăn uống phải bỏ ra 30 triệu đồng; để di chuyển qua lại phải đầu tư thêm thuyền, bè… Nếu không có kinh phí thì khó có thể duy trì. Vì vậy, rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay vốn lãi suất ưu đãi để chúng tôi duy trì nghề nuôi cá lồng này”, ông Tuân nói.
Lồng nuôi cá của người dân xã đảo Nghi Sơn.
Năm 2018, xã Nghi Sơn có 74 hộ nuôi cá với 1.702 lồng. Đến nay, toàn xã vẫn còn 52 hộ nuôi cá tự phát, với 1.414 lồng trên tổng diện tích 38.178m2 (giảm 8 hộ với 145 lồng, bè so với năm 2022).
Ông Lê Khắc Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Sơn, cho biết, ngày 14/3/2022, thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND của UBND thị xã Nghi Sơn về xử lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát trên địa bàn, UBND xã Nghi Sơn đã thành lập các tổ công tác tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các hộ nuôi cá lồng tự phát, không nằm trong quy hoạch ký cam kết giảm thiểu, tiến tới giải tỏa các hộ có lồng nuôi cá tự phát trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các hộ nuôi cá lồng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì đầu tư kinh phí vào ô lồng nuôi cá khá lớn (kinh phí chủ yếu các hộ vay mượn để đầu tư mua sắm chưa trả hết nợ), khi thực hiện kế hoạch giải tỏa lồng bè thì toàn bộ lồng bè của các hộ dân đều phải vứt bỏ, không thể bán hoặc tận dụng vào việc khác, sẽ thiệt hại rất lớn.
“Hiện nay, ở khu vực đảo Mê, đã quy hoạch 3 phân khu nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp tục phát triển nghề nuôi cá lồng. UBND xã đã nhiều lần vận động người dân di dời các ô lồng ra vùng biển quy hoạch để nuôi trồng, nhằm đảm bảo môi trường nước, phát triển bền vững nghề nuôi cá. Tuy nhiên, cái khó là việc di dời ra ngoài vùng quy hoạch tốn chi phí khá lớn khiến người dân chưa thể di chuyển…”, ông Tâm nói.
Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…
Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.
Ngày 11/10, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai (13/10) với chủ đề: “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”.