Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 12 năm 2022 | 16:38

Ô nhiễm bụi mịn trong các thành phố tại Việt Nam sẽ là hệ lụy lâu dài

Nếu Việt Nam không sớm đưa ra các giải pháp quyết liệt để cải thiện, ô nhiễm sẽ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe với thế hệ tương lai như giảm tuổi thọ; gánh nặng về y tế sẽ gia tăng.

Nhận định ô nhiễm môi trường không khí đã và đang gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, giới chuyên gia môi trường cho rằng nếu Việt Nam không sớm đưa ra các giải pháp quyết liệt để cải thiện, ô nhiễm sẽ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe với thế hệ tương lai như giảm tuổi thọ; gánh nặng về y tế sẽ gia tăng.

Còn nhiều rủi ro với môi trường

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi; có đến 17.000 người đã tử vong.

Trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Vì thế, số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể sẽ tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035.

Tình trạng đốt rác thải ở trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết tình trạng ô nhiễm bụi đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta. Thực trạng này khiến chất lượng không khí ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Tại các đô thị lớn ở miền Bắc như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc. Trong đó, có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300).

Theo ông Tùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Điều dễ dàng cảm nhận nhất là do tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Hiện nay, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các địa phương, đặc biệt tại các huyện vùng ven Hà Nội vẫn còn phổ biến.

Bên cạnh đó, các yếu tố từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí.

Thực tế những năm gần đây cho thấy tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.

“Thành phố càng phát triển, công trình xây dựng, các khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Các loại vật liệu như xi măng, đất, phế liệu, khí thải và ý thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ môi trường chưa tốt, đều góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ bụi mịn, gây ô nhiễm không khí,” ông Tùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng lưu ý ở nước ta, ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày.

“Nếu không sớm cải thiện tình trạng này sẽ là hệ lụy lâu dài với thế hệ con cháu như tuổi thọ giảm đi, gánh nặng về y tế, kinh tế-xã hội sẽ tăng,” ông Tùng cảnh báo.

Ô nhiễm không khí khiến ngày càng nhiều trẻ em bị cao huyết áp

Các nhà khoa học Anh đã phân tích 8 nghiên cứu dựa trên tư liệu của 15.000 trẻ em từ 10 đến 19 tuổi ở nhiều quốc gia về việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm chứa các hạt bụi mịn PM2.5 siêu nhỏ có trong khói thải ô tô và các hạt PM10 văng ra từ các mảnh lốp ô tô lưu thông trên đường sẽ có tác hại như thế nào.

Kết quả cho thấy, nếu trẻ em tiếp xúc với mức PM2.5 và PM10 cao trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ bị cao huyết áp khi đến tuổi trưởng thành.

Cụ thể, vì kích thước rất nhỏ nên những hạt bụi mịn này có thể xâm nhập thẳng vào phổi và máu. Sự tích tụ bụi mịn trong máu và phổi sẽ gây tổn thương niêm mạc, làm mạch máu cứng hơn. Tim khi đó sẽ cần hoạt động nhiều hơn để bơm máu nhanh hơn, làm tăng nguy cơ cao huyết áp khi đến tuổi trưởng thành và tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Các nhà khoa học khuyến cáo cha mẹ nên hướng dẫn con mình đi từ trường về nhà dọc theo những con đường yên tĩnh ít xe cộ, ít bị ô nhiễm. Các trường học nên trồng nhiều cây cối ngăn phần nào ô nhiễm khói bụi.

Trước đây từng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh ảnh hưởng của bụi mịn đến sức khỏe trẻ em, nhưng không được giới khoa học thống nhất và chủ yếu dựa vào các nghiên cứu ở Trung Quốc, nơi có không khí rất ô nhiễm.

Tuy nhiên, đánh giá khoa học mới này dựa trên 8 nghiên cứu, trong đó có 5 nghiên cứu ở Đức, Hà Lan và Đan Mạch, Anh.

Khoảng 3.700 trẻ em ở độ tuổi 12 tiếp xúc với PM2.5 và PM10 ở mức độ cao trong một năm hoặc lâu hơn có huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu cao hơn đáng kể.

Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn với những trẻ em thừa cân, béo phì. Mặc dù cùng tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí như nhau, bụi mịn cũng xuất phát từ khói xe hơi và lốp cao su nhưng những trẻ em này sẽ có huyết áp cao hơn gần như gấp đôi so với trẻ em có cân nặng bình thường.

Cao huyết áp là tình trạng thường xuất hiện ở người trưởng thành, nhưng nhiều năm trở lại đây, số ca trẻ em bị cao huyết áp ngày càng nhiều hơn. Điều này được lý giải một phần do chế độ dinh dưỡng, lối sống ít vận động, một phần khác là do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, chẳng hạn như không khí ô nhiễm hoặc sống cạnh người thân hút thuốc lá. 

Ngoài ra, trẻ em dễ bị ô nhiễm và thay đổi huyết áp hơn vì chúng vẫn đang phát triển cơ thể.

Không chỉ tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, nhiều nghiên cứu cũng kết luận rằng không khí ô nhiễm chứa nhiều bụi mịn, trẻ em hít phải lâu ngày có thể khiến tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh hô hấp, rút ngắn tuổi thọ, chậm phát triển, ghi nhớ kém, tăng nguy cơ bị tự kỷ. 

Có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp

Trước những hệ lụy nghiêm trọng từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp như: Cần tăng cường kiểm soát nguồn phát thải khí thải từ ôtô, xe máy; sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ôtô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng nhấn mạnh tới việc khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao, metro. Các địa phương cần phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết để hạn chế ô nhiễm không khí hiện nay, việc quan trong là cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí.

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình xây dựng; thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị; vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị.

Cao huyết áp là tình trạng thường xuất hiện ở người trưởng thành, nhưng nhiều năm trở lại đây, số ca trẻ em bị cao huyết áp ngày càng nhiều hơn.

Đại diện Tổng cục Môi trường cũng lưu ý, từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều Nghị định và các quy định khác được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành đã tạo hành lang pháp lý trong thực hiện bảo vệ môi trường không khí.

Đặc biệt, theo Nghị định 08 của Chính phủ, trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng, tùy vào quy mô và mức độ, cơ quan quản lý có thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân và cải thiện chất lượng không khí.

“Trong những hoàn cảnh đặc biệt, nếu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, theo cấp độ Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi quốc gia, ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Trường hợp "chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh," ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp như hạn chế như: Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường; hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, thậm chí được phép đưa ra các quy định cấm hay hạn chế phương tiện đi vào tỉnh, thành phố.

“Để bảo vệ người dân và ứng phó kịp thời, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố được phép tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời,” ông Thịnh nói thêm./.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top