Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 1 năm 2023 | 20:59

Ô nhiễm không khí lan rộng nhiều tỉnh miền Bắc

Tuần qua, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên… có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao chưa từng thấy.

Sương mù dày đặc bao phủ khiến chất ô nhiễm không thể phát tán

Sáng 10/1, mây mù bao phủ toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng khiến nhiều tỉnh có chỉ số ô nhiễm không khí cao chưa từng có. Tại ứng dụng đo chất lượng không khí của PamAir, chỉ số AQI của nhiều địa phương đạt mức cảnh báo màu nâu (mức ô nhiễm cao nhất), cá biệt có những nơi chỉ số này cao ở mức kịch khung.

Điểm có mức chỉ số AQI cao nhất là Bái Đính (Ninh Bình) và Khu đô thị Time City (Hà Nội) lên đến 500. Đây là mức cao nhất trong thang đo chỉ số ô nhiễm không khí.

Các khu vực khác có chỉ số cao tương tự gồm Gia Viễn (Ninh Bình) AQI 439, thành phố Nam Định AQI 356, thành phố Thái Nguyên AQI 428, Ba Vì (Hà Nội) AQI 361, Văn Lâm (Hưng Yên) AQI 498, Gia Lâm (Hà Nội) AQI 356, Mỹ Hào (Hưng Yên) có AQI 341, Nam Đàn (Nghệ An) AQI 379…

Nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho chỉ số AQI ở mức rất xấu đến nguy hại. Ảnh: PAM Air.

Tại Hà Nội, nhiều khu vực cảnh báo ô nhiễm không khí mức màu nâu - mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Một số khu vực có chỉ số AQI rất cao như Cầu Giấy AQI 433, phố Phạm Tuấn Tài 305, Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen AQI 451, Thanh Xuân AQI 318, Hoàn Kiếm AQI 376…

Tại bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới sáng 10/1 trên ứng dụng IQAir của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đứng thứ 3 với chỉ số AQI trung bình là 193.

TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân của đợt ô nhiễm này liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày lặng gió, rét, hanh. Đây là điều kiện khiến các chất ô nhiễm không thể phát tán mà tập trung ở khu vực gần mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sương mù quang hóa là sương mù xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ (ánh Mặt trời) gây đảo nhiệt kết hợp với độ ẩm trong không khí cao, từ đó tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí ở tầng cao, tạo hiện tượng mù quang hóa, đặc biệt trong khu vực nội thành. Hiện tượng này có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.

Theo chuyên gia, kiểu thời tiết lặng gió, ít mưa, nhiệt độ thấp nhưng độ ẩm cao khiến bụi bẩn trong không khí khó khuếch tán. Đồng thời, giai đoạn cận Tết, lưu lượng người tham gia giao thông tăng vọt, cùng với khí thải từ hoạt động xây dựng, đốt rác khiến tình trạng ô nhiễm thêm tồi tệ. Vào các thời điểm ô nhiễm không khí chạm ngưỡng nguy hại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân không ra ngoài để tập thể dục, đặc biệt người già và trẻ em.

Người dân nên mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài và lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc phương tiện có che chắn.

Tình trạng ô nhiễm khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới trước khi miền Bắc đón thêm không khí lạnh vào ngày 16/1.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị còn xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là “tử thần” trong không khí có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.

Đóng kín cửa khiến bụi mịn khó phát tán, gia tăng ô nhiễm không khí trong nhà

TS. Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, nếu ô nhiễm không khí ngoài trời gia tăng với các yếu tố như khí thải xe cộ, đốt nhiên liệu hóa thạch và khí thải công nghiệp, thì không khí trong nhà thường có thể bị ô nhiễm gấp 2 đến 5 lần.

Các nguồn ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất bao gồm amiăng, khí thải từ hệ thống sưởi và bếp gas, radon, nấm mốc, khói thuốc lá và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong các vật dụng gia đình như chất khử trùng, xịt phòng, sơn, thảm, chất kết dính, thuốc trừ sâu và chất bảo quản gỗ.

Ngoài ra, không thông gió đủ khiến các chất gây dị ứng và ô nhiễm bị tù đọng, nhiệt độ và độ ẩm cao, sống gần đường đông đúc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà.

TS. Hoàng Dương Tùng khuyên, cách cải thiện chất lượng không khí trong nhà là vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dùng chất tẩy rửa gia dụng không độc hại, không mùi hương. Khu đun nấu, nên điều chỉnh bếp gas, lắp đặt hệ thống thông gió nhà bếp để giảm lượng khí thải. Ngoài ra, giày dép, áo mưa, đồ bụi bẩn như xe cộ… không được phép mang vào nhà. Cần làm vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là trong các khu vực như nhà bếp và phòng vệ sinh. Bật quạt thông gió trong phòng tắm ngay sau khi tắm để giúp loại bỏ độ ẩm trong phòng.

PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết có một số giải pháp công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà. Theo đó, giải pháp kiểm soát chất lượng không khí bên trong công trình bao gồm kiểm soát nguồn phát thải, thông gió và điều hòa không khí, xử lý làm sạch không khí.

Trong đó, nhóm kiểm soát nguồn phát thải có thể làm ngay từ đầu ở giai đoạn thiết kế và vận hành công trình. Các kiến trúc sư thiết kế công trình, phối hợp với kỹ sư cơ điện và kiến trúc sư thiết kế nội thất. Quy hoạch không gian hợp lý, thông gió, điều khòa không khí cũng như các loại vật liệu thân thiện môi trường. Nên lắp các thiết bị lọc không khí. Công nghệ xử lý bụi có các giải pháp màng lọc sợi, bộ lọc tĩnh điện, công nghệ oxy hóa xúc tác quang, công nghệ Plasma.

Theo các chuyên gia Đào Nhật Đình, tư vấn độc lập các dự án về biến đổi khí hậu, ngoài các kênh đo ô nhiễm không khí thì có thể tự nhận biết thời điểm không khí có ô nhiễm hay không qua bản tin dự báo thời tiết. Nếu dự báo thời tiết đêm nay có không khí lạnh thì trước đó 1-2 ngày, trời sẽ rất oi bức. 

Không khí trong nhà có khả năng ô nhiễm gấp đôi ngoài trời.

Vào buổi trưa và chiều của ngày có không khí lạnh tràn về vào đêm như vừa nói chính là thời điểm không khí có nhiều bụi nhất. Sau đó, lúc 12h đêm gió bắt đầu chuyển hướng từ Đông Nam sang Đông Bắc, quẩn, nhiệt độ bắt đầu hạ, tạo ra một khối không khí ô nhiễm sát mặt đất lúc 2-3 giờ sáng.

Thời điểm mở cửa đón gió làm sạch không khí, để khí tươi lưu thông vào trong nhà là sau khi gió mùa về. Nghĩa là nếu không khí lạnh tràn về lúc đêm, thì đầu giờ sáng hôm sau hãy mở cửa làm sạch không khí trong nhà bởi lúc này không khí mát, sạch, khô, rất tốt cho sức khỏe.

Khi nào lạnh quá lại đóng cửa sổ. Thời điểm không khí ô nhiễm trở lại là lúc quy trình lặp lại. Nghĩa là khi nào trời không lạnh đi nữa mà ổn định hoặc ấm lên là bụi sẽ nhiều lên dần đều. Rồi sau đó khi gặp đợt không khí lạnh hoặc nóng, thì thời điểm giao nhau đó không khí sẽ có nhiều bụi nhất.

Giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí

TS Hoàng Dương Tùng cho biết, tác nhân của ô nhiễm không khí vẫn đến từ các nguồn phát thải như hoạt động giao thông, xây dựng trong thành phố. Bụi bẩn thực chất vẫn luôn tồn tại bởi các nguồn phát thải chưa được giảm thiểu.

Những ngày gió mạnh giúp khuếch tán các chất bẩn lên cao, không khí trong lành. Cũng có những ngày lặng gió, chất bẩn bị nén xuống, quanh quẩn ở trong thành phố.

Các số liệu quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại các khu đô thị ngày càng giảm, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5. Các tỉnh miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, chất lượng không khí ô nhiễm đã xảy ra từ nhiều năm chứ không phải riêng năm nay. Tuy nhiên, ô nhiễm mức độ nào, cần đánh giá sâu hơn của các nhà khoa học, các bộ, ngành.

Nhiều quốc gia đã có công cụ dự báo chất lượng không khí dựa vào thời tiết, vào các nguồn thải và các thiết bị quan trắc. Việt Nam thời điểm hiện tại mới chỉ đưa ra các thông tin mang tính ước lượng.

Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khuyến cáo trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, kể cả việc tập thể dục vào sáng sớm. Việc cho học sinh tham gia các tiết học ngoài trời cũng cần được cân nhắc kỹ.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cần đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải; tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn thải; công khai, minh bạch thông tin về quan trắc, thanh tra, ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, tăng cường giao thông công cộng, sử dụng rộng rãi năng lượng sạch trong giao thông công cộng, quy hoạch mạng lưới đô thị, kiểm soát khí thải xe máy, nâng cao chất lượng nhiên liệu, áp dụng các tiêu chuẩn EURO 4,5; đồng thời cần đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp…

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chúng ta cần quản lý giao thông, quy hoạch lại đô thị và cần kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông cơ giới. Cố gắng đưa cộng đồng và thị trường vào mối quan tâm chung về ô nhiễm, tăng cường sử dụng biện pháp kinh tế thay vì biện pháp hành chính.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top