Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5, - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi.
Theo các chuyên gia, để có thể kiểm soát được ô nhiễm không khí, cần sự nỗ lực, chung tay phối hợp của các bộ ngành, địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực...
Ô nhiễm không khí “sát thủ vô hình'' gây nhiều hệ lụy
Nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gates tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Theo báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, trong một nghiên cứu độc lập, đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.
Người dân vẫn sử dụng mặc dù Hà Nội đã cấm dùng bếp than tổ ong từ năm 2021 (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN)
Trước những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra, Luật Bảo vệ môi trường 2022 đã đề ra nhiều công cụ kiểm soát môi trường không khí, trong đó quy định quốc gia và các địa phương phải có Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Đây được coi như là công cụ tổng thể nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.
Liên quan đến nội dung này, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình”, bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Việc đo lường chất lượng không khí phải dùng đến các công cụ phức tạp. Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại.
Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, việc ô nhiễm không khí đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo của địa phương, các bộ ban ngành cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng có nhiều hành động để cải thiện vẫn đề này nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
“Ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân như từ công nghiệp, ô nhiễm từ giao thông, ô nhiễm từ sinh hoạt...Qua Luật bảo vệ môi trường chúng ta cần có 1 tinh thần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Quan trọng cấp thiết nhất là cần nắm rõ các nguồn gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm để từ đó có chính sách cụ thể. Qua Kế hoạch Bảo vệ môi trường không khí cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân, của doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường. Tôi tin rằng với kế hoạch này chúng ta sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí một cách triệt để”, ông Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Giải pháp nào để kiểm soát được ô nhiễm không khí
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 được ban hành, trên cơ sở Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương tỉnh thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí.
Về quản lý chất lượng không khí, ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc. Hiện Bộ TN&MT đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước để giám sát không khí.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất so với các loại ô nhiễm khác
Trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện quy hoạch quan trắc quốc gia. Hiện mạng lưới quan trắc quốc gia đang được thực hiện theo hướng bổ sung tăng các trạm quan trắc, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, vùng quan trọng trên cả nước.
Về việc giảm thiểu phát thải khí thải, Bộ TN&MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải. Hiện có 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ. Từ đó, Bộ TN&MT nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, có sự cố xảy ra Bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục.
Về vấn đề phối hợp quản lý khí thải liên tịch liên vùng đã được nêu rất rõ trong Luật bảo vệ môi trường 2020. Đây là việc quan trọng và phù hợp. Luật đã quy định cụ thể các tỉnh cần có những văn bản, quy chế riêng để bảo vệ môi trường, kiểm soát chất thải, khí thải. Tuy nhiên có những ô nhiễm liên vùng liên tỉnh thì cần phải được xử lý cấp quốc gia. Đây cũng là nội dung chúng tôi quan tâm và đã trình đề án để Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, công tác quản lý chất lượng không khí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam là nước đang phát triển, mục tiêu hiện tại vẫn là trở thành đất nước công nghiệp. Từ thực tế đó, rõ ràng là các nguồn phát thải nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng theo đà tăng lên. Từ đó, công tác quản lý chất lượng không khí cũng khó khăn theo.
Ngoài quản lý, kiểm soát chất lượng không khí, cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nam điều này đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ và nhân lực rất lớn. Do điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nước ta đang tiếp nhận các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng. Các ngành sử dụng năng lượng hoá thạch là chủ yếu, dẫn đến phát thải tăng.
“Nếu muốn cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương nữa. Với những khó khăn, thách thức đã được nêu ra từ các chuyên gia, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề, thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đã có Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia. Tuy nhiên, từng đó thôi chưa đủ, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn”, ông Lê Hoài Nam nêu rõ.
Cần chú trọng công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường tại Hà Nội
Theo nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định rõ mục tiêu của Thành phố đến năm 2030. Theo đó, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, việc kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những nguyên tắc xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Điều đó được thể hiện khá rõ thông qua một số quy định về bảo vệ môi trường tại Dự luật này.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các quốc gia trên mọi phương diện. Theo xu thế đó, tại Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, bảo vệ môi trường đã và đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt vì vai trò và tầm quan trọng của công tác này. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng được thực hiện trên tinh thần đó.
Theo ông Nguyễn Quốc Phi - Trường ĐH Mỏ - Địa chất, là trung tâm kinh tế chính của Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền về phát triển đô thị gắn với vẫn bảo vệ được môi trường.
Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của TP Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước. Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật TP. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực đến môi trường tại Hà Nội.
Việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn thành phố. Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10-15% không được thu gom. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội.
Ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt, hiện nay, ở Hà Nội nói riêng và các khu đô thị trên nước ta nói chung hầu hết nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ trong đô thị. Tổng lượng nước thải hằng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó.
Để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp hơn với yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng của các quy định này, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy - ĐH Luật Hà Nội cho rằng, tên điều luật nên sửa đổi để đảm bảo bao quát hết các nội dung được điều chỉnh trong các điều khoản cụ thể. Nếu chỉ dùng thuật ngữ “giảm phát thải” thì không bao quát được hết các vấn đề được điều chỉnh tại khoản 2 đến khoản 5 của Điều luật này. Bởi lẽ, việc nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích hay việc san lấp, cải tạo sông, hồ, ao suối, đầm bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy hoạch đô thị, quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô không chỉ nhằm bảo vệ môi trường theo nghĩa hẹp, giảm phát thải mà còn bao hàm cả việc quản lí các hoạt động xả thải chất thải ra môi trường và cải thiện môi trường. Vì vậy, nên bỏ “và giảm phát thải” trong Điều luật này, chỉ nên quy định bảo vệ môi trường là đủ.
Thứ hai, khoản 3 Điều luật này nên đề cập vấn đề xã hội hóa, vì đây là một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là việc cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tự do hóa kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, cùng với quá trình thu hẹp các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước. Điều đó có nghĩa người dân và các đối tượng tiếp nhận lợi ích môi trường sẽ tăng thêm đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) và chủ động tham gia giám sát rộng rãi, dân chủ hơn để được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình hơn.... Trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của Thủ đô, đặc biệt là thu gom, vận chuyển và xử lí rác thải sinh hoạt, xã hội hóa bảo vệ môi trường sẽ góp phần không nhỏ trong việc huy động sức mạnh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước.
Với lí do đó, Ban soạn thảo nên sửa quy định tại khoản 3 Điều 28 của Dự t hảo Luật như sau: “Bố trí nguồn lực, xã hội hóa và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lí chất thải rắn sinh hoạt, xử lí ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại”.
Khoản 5 điểm a nên sửa lại cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu giảm phát thải từ các nguồn thải động. Khoản 5 Điều 28 Dự thảo luật quy định: “HĐND TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng”.
Quy định này vô tình đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và sử dụng phương tiện giao thông công cộng về nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường. Không thể phủ nhận việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là cần thiết để giảm phát thải, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Song điều đó không đồng nghĩa với việc các phương tiện giao thông công cộng là tuyệt đối an toàn cho môi trường, không cần kiểm soát. Vì vậy, để phù hợp hơn với thực tiễn và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy cho rằng quy định này nên được sửa như sau: “HĐND TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.