Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 4 năm 2022 | 13:17

Phải hoàn thành việc tiêm vaccine cho trẻ em trong quý II

Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành việc tiêm cho trẻ em trong Quý II, để đầu Quý III trẻ em được đến trường học hè và cuối quý III năm 2022 trẻ em đến trường vào năm học mới.

Sáng 9/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Thành viên Ban Chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Bí thư tỉnh, thành Ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

ttg1.jpg

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kể từ sau Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến như xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao tại một số nước, giá nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới tăng, giá dịch vụ logistics tăng... đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong nước cũng bộc lộ những khó khăn nội tại. Do đó, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải xử lý các vấn đề đột xuất, nảy sinh, đặc biệt cả nước tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy có nhiều khó khăn, thử thách, song tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu. Kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và tăng trưởng khá. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Chính trị ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, đạt hiệu quả, đã mở cửa du lịch trở lại, đón phần lớn học sinh đến trường...

Mặc dù vậy, tình hình dịch bệnh vẫn khó dự báo, nhất là có thể xuất hiện biến chủng mới  của SARS-CoV-2 thì việc phòng, chống dịch sẽ hết sức khó khăn, do đó hơn lúc nào hết, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức phiên họp này nhằm đánh giá lại kết quả trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua; rút ra bài học kinh nghiệm; thảo luận, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thế giới ghi nhận trên 494 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,1 triệu trường hợp tử vong, riêng trong tuần qua có trên 8,5 triệu ca mắc mới (giảm 19%), trên 24.000 trường hợp tử vong (giảm 17%).

Tại Trung Quốc, Thượng Hải là đang điểm nóng với hơn 21.000 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 7/4. Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược "Zero Covid" và hàng loạt các biện pháp phong tỏa, cách ly và xét nghiệm quy mô lớn được Trung Quốc thực hiện quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Indonesia quy định để coi COVID-19 là bệnh lưu hành, tỷ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỷ lệ dương tính phải dưới 1% dân số; Thái Lan từ ngày 1/7/2022 sẽ coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỷ lệ này là gần 0,2%), theo đó sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh số ca nhiễm nặng và tử vong giảm, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng, số ca mắc mới được ghi nhận giảm liên tục trên toàn cầu. WHO nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Về số ca mắc, Việt Nam đứng thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

 

bt.jpg

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp.

 

Bộ trưởng Y tế báo cáo: "Trong 03 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, trong đó: từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày, số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine; số tử vong từ hơn 50 ca mỗi ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày....Một số kết quả tác động đến vấn đề này là chúng ta đã triển khai chiến lược về vaccine thành công Việt Nam là một trong các quốc gia có số liệu tiêm vaccine phòng covid-19 cao nhất thế giới, với tỉ lệ tiêm mũi một là đạt gần 100% tỉ lệ tiêm mũi 2 là 99,8 %, mũi 3 đạt 49 %".

Phát biểu tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cho rằng, mặc dù tình hình dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu, song số ca mắc mới vẫn ở mức cao, trong khi năng lực hệ thống y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn; một số địa phương vẫn thiếu vaccine để tiêm tăng cường cho nhân dân; một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Lãnh đạo các địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã thảo luận, giải trình về quy định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan phù hợp với tình hình mới; dự báo sát tình hình để phòng chống dịch kịp thời, linh hoạt; thực hiện chiến lược tiêm vaccine trong thời gian tới, nhất là đối với việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đặc biệt, về công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong giảm. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan lơ là mất cảnh giác, phải bám sát tình hình dịch bệnh thực tiễn trong và ngoài nước, bám sát vào các khuyến cáo của các tổ chức thế giới WHO và các nhà khoa học thế giới để áp dụng và phòng chống kịp thời; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; đẩy mạnh tiêm vaccine cho các đối tượng người cao tuổi, trẻ em, công nhân trong khu công nghiệp, người có bệnh nền, đồng thời chủ động thuốc và nâng cao ý thức người dân.

 

ttg.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

 

Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023 theo Nghị quyết 38 ngày 17.3.2022 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Các cơ quan đơn vị địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gắn với nguồn lực, thời hạn hoàn thành.

Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm: Vaccine là “lá chắn” quan trọng nhất; bao phủ vaccine nhằm nâng cao khả năng phòng dịch của cộng đồng là giải pháp “chiến lược” trong phòng, chống dịch; là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả nên phải “thần tốc” có và tiêm vaccine nhanh nhấ có thể cho người dân đặc biệt là cho trẻ em.

Tuy nhiên, đến nay, một số chỉ tiêu về tiêm vaccine không đạt chưa hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên vào 31/3/2022; việc tiêm cho trẻ em 5-12 tuổi chưa được triển khai… Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố kiểm tra, làm rõ nguyên nhân một số tỉnh có tỷ lệ “giải ngân” vaccine chậm để có biện pháp xử lý phù hợp, kể cả tăng cường nhân lực để tiêm khẩn trương nhất có thể, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo:  Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm đủ số lượng, chất lượng vaccine, tiến độ tiêm theo chỉ đạo; Khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết theo quy định để có vaccine nhanh nhất có thể; trên cơ sở đó, hoàn thành việc tiêm cho trẻ em trong Quý II, để đầu Quý III trẻ em được đến trường học hè và cuối Quý III năm 2022 trẻ em đến trường vào năm học mới tập trung an toàn và hiệu quả.

Việc thống kê số liệu dịch tễ phải cập nhật thường xuyên, kịp thời, chính xác. Tiếp tục tập trung chỉ đạo việc tiêm vaccine thần tốc hơn nữa, nhất là việc bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng cho những người chưa tiêm mũi 3, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi.

Ban hành hướng dẫn cụ thể, lược bỏ các rào càn vướng mắc cho việc thanh toán cho công tác phòng chống dịch, rà soát việc đánh giá cấp độ dịch… có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc điều trị, kít xét nghiệm bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng an toàn, hiệu quả; cập nhật, điều chỉnh quy định về xét nghiệm, thời gian cách ly, điều trị, theo dõi y tế tại nhà đối với từng loại đối tượng F0, F1... cho phù hợp diễn biến dịch.

 

ttg2.jpg

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh.

 

Quyết liệt chỉ đạo việc đơn giản thủ tục hành chính, thúc đẩy việc cấp phép lưu hành, hướng dẫn sử dụng và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết, đồng bộ về kiểm soát giá cả các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Khẩn trương cập nhật, hoàn chỉnh hướng dẫn các biện pháp về y tế để xử lý các di chứng đối với người bệnh sau điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh toán, quyết toán kinh phí phòng chống COVID-19 cho các cơ sở y tế; có phương án phù hợp bảo đảm đủ nhân lực làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Về việc mở cửa trường học, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo, bảo đảm mở cửa trường học thông suốt, an toàn, linh hoạt; Đánh giá tổng thể những ảnh hưởng, tác động của dịch trong thời gian qua đối với trẻ em, học sinh, sinh viên để kịp thời có giải pháp cụ thể bảo đảm chất lượng giáo dục, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2022 bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, khách quan phù hợp với tình hình mới.

Về du lịch Thủ tướng yêu cầu, Bộ VHTTDL tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện bảo đảm đồng bộ, an toàn và thống nhất trên toàn quốc; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hoá,vui chơi giải trí an toàn. Phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch trong nước và quốc tế.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai việc mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định của Bộ VHTTDL, Bộ YT; tạo thuận lợi cho khách du lịch, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch trong nước và người nước ngoài. Có biện pháp tuyên truyền và phương án tuyên truyền cho Seagame 31.

Về bảo đảm an sinh xã hội Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương: Khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai kịp thời hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; Khẩn trương tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết; Theo dõi chặt chẽ để kịp thời có phương án hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh; đề cao ý thức người dân tự giác thực hiện 5K, bảo vệ sức khỏe của mình, gia đình mình và cộng đồng.

Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và các chuyên gia y tế tăng cường công tác thông tin truyền thông về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19, việc học sinh đi học tập trung trở lại, đưa tin đầy đủ và khoa học về việc điều trị F0, ảnh hưởng hậu COVID… để người dân yên tâm, không gây tâm lý hoang mang, lo sợ.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là lực lượng y tế, quân đội, công an. Tôn vinh, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, tiêu cực trong phòng chống dịch./.

 

 

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top