Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023 | 10:16

Phân loại rác thải sinh hoạt giúp hạn chế tác hại đến môi trường

Dân số tăng lên, lượng rác thải phát sinh lớn khiến công tác thu gom và xử lý ở địa phương ngày càng khó khăn; đây là vấn đề nan giải không chỉ ở khu vực đô thị, mà còn cả ở những vùng nông thôn. Tuy nhiên, nếu làm tốt việc phân loại rác thải từ mỗi hộ dân thì bài toán sẽ phần nào được giải đáp.

Tác hại của rác thải sinh hoạt đến môi trường

Hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%. Có thể thấy rằng, lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý là khá nhiều, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, chúng tác động đến cả môi trường đất, nước và không khí, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh cho con người.

Ảnh hưởng đến môi trường đất: Các loại rác thải khó phân hủy và chứa nhiều chất độc khi bị lẫn vào trong đất sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho đất, từ đó làm giảm tính đa dạng sinh học của đất, cản trở đến quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng, đất trở nên chua và kém phì nhiêu, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt, hiện nay việc sử dụng tràn lan các loại túi nilông trong sinh hoạt và đời sống, khi xâm nhập vào đất cần tới 50 - 60 năm mới phân huỷ hết và do đó chúng tạo thành các "bức tường ngăn cách" trong đất hạn chế mạnh đến quá trình phân huỷ, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút .

Thực trạng rác thải sinh hoạt ở TP. Hà Nội 

Với Việt Nam, là một quốc gia lấy nông nghiệp làm nguồn phát triển kinh tế chính, đất đai đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với người nông dân. Việc rác thải sinh hoạt thải ra và làm giảm chất lượng dinh dưỡng của đất đã tác động không nhỏ đến hoạt động canh tác, làm chất lượng mùa vụ bị mất ổn định, chưa kể sâu bệnh hại phát triển còn làm giảm sản lượng mùa vụ nghiêm trọng.

Ảnh hưởng đến môi trường nước: Theo thói quen nhiều người thường đổ rác tại bờ sông, hồ, ao, cống rãnh. Lượng rác thải này gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến môi trường nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các loại sinh vật sống trong nước, làm giảm đa dạng sinh học. Rác thải sinh hoạt khi bị trôi xuống sông, biển sẽ tác động đến đời sống của động vật biển (điển hình là tôm, cua, cá,…), chúng gây ra ô nhiễm nguồn nước và làm tôm cá chết hàng loạt. Hậu quả là số lượng tôm cá giảm, ngoài làm giảm đa dạng sinh học biển còn tác động tiêu cực đến những người dân sống nhờ nghề đánh bắt thủy hải sản.

Không chỉ tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và các loài sinh vật biển, rác thải sinh hoạt còn tác động mạnh mẽ đến nguồn nước ngầm. Nguyên nhân của việc này là do việc vứt rác bừa bãi làm rác qua quá trình phân hủy sẽ thấm vào trong đất và tiến đến là thấm vào trong các mạch nước ngầm. Với lượng chất độc lớn từ rác, chúng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước sử dụng, đồng thời còn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Có thể thấy rằng nguồn nước bị ô nhiễm tác động đến mọi mặt và mọi ngành nghề của đời sống, từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp và thậm chí là nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng xấu đến kinh tế và đời sống tại địa phương.

Lượng rác thải sinh hoạt lớn đang gây ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng

Ảnh hưởng đến môi trường không khí: Nguồn rác thải từ các hộ gia đình thường là các loại thực phẩm chiếm tỷ lệ cao trong toàn bộ khối lượng rác thải ra. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều ở nước ta là điều kiện thuận lợi cho các thành phần hữu cơ phân huỷ, thúc đẩy nhanh quá trình lên men, thối rữa và tạo nên mùi khó chịu cho con người. Các chất thải khí phát ra từ các quá trình này thường là H2S, NH3, CH4, SO2, CO2.

Rác thải sinh hoạt tác động tiêu cực lên môi trường đất, nước và không khí làm suy thoái môi trường và giảm dần tính đa dạng sinh học ở mỗi loại môi trường. Điều này đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái tổng thể của môi trường, là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong chuỗi thức ăn tự nhiên, làm giảm khả năng chống chọi với dịch bệnh và từ đó dần làm giảm sức bền của hệ sinh thái.

Ngoài những tác động tiêu cực kể trên, rác thải sinh hoạt được thải ra bừa bãi còn gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống con người tại khu vực và khách du lịch. Chưa kể vứt rác sinh hoạt bừa bãi còn gây lãng phí vì trong rác thải sinh hoạt có nhiều loại rác thải như rác thải hữu cơ có thể tái sử dụng (qua quá trình ủ phân).

Tác hại của rác thải sinh hoạt đến con người

Rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Trong thành phần rác thải sinh hoạt, thông thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn. Loại rác này rất dễ bị phân huỷ, lên men, bốc mùi hôi thối. Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người sống xung quanh. Chẳng hạn, những người tiếp xúc thường xuyên với rác như những người làm công việc thu nhặt các phế liệu từ bãi rác dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, ngoài da, phụ khoa. Hàng năm, theo tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có 5 triệu người chết và có gần 40 triệu trẻ em mắc các bệnh có liên quan tới rác thải. Nhiều tài liệu trong nước và quốc tế cho thấy, những xác động vật bị thối rữa trong hơi thối có chất amin và các chất dẫn xuất Hydro sunfua (H2S) hình thành từ sự phân huỷ rác thải kích thích sự hô hấp của con người, kích thích nhịp tim đập nhanh gây ảnh hưởng xấu đối với những người mắc bệnh tim mạch.

Tình trạng đốt rác thải sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí nặng nề.

Các bãi rác công cộng là những nguồn mang dịch bệnh. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng: trong các bãi rác, vi khuẩn thương hàn có thể tồn tại trong 15 ngày, vi khuẩn lỵ là 40 ngày, trứng giun đũa là 300 ngày. Các loại vi trùng gây bệnh thực sự phát huy tác dụng khi có các vật chủ trung gian gây bệnh tồn tại trong các bãi rác như những ổ chứa chuột, ruồi, muỗi... và nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh cho người và gia súc, một số bệnh điển hình do các trung gian truyền bệnh như: Chuột truyền bệnh dịch hạch, bệnh sốt vàng da do xoắn trùng, ruồi, gián truyền bệnh đường tiêu hoá; muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...

Tác hại của rác thải sinh hoạt đối với con người và môi trường là rất dễ nhận thấy. Mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn rác thải sinh hoạt là điều không thể, tuy nhiên mỗi người dân có thể góp phần làm giảm tác hại của rác thải sinh hoạt đối với môi trường và chính cuộc sống của chúng ta bằng cách nâng cao ý thức hơn thông qua những việc làm nhỏ như không vứt rác bừa bãi, hãy tận dụng rác nếu còn có thể (ví dụ như túi nilon, rác hữu cơ…) để góp phần hạn chế thải rác ra môi trường và bảo vệ cuộc sống của chính mình ngày một tốt hơn.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng cũng như làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm bởi rác thải, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày.

Những mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả

Hội Nông dân (ND) tỉnh Lâm Đồng đã chọn thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà, huyện Lâm Hà làm điểm xây dựng mô hình  thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn với 20 hộ tham gia. Tại mỗi nông hộ, bà con được hỗ trợ gạch, cát, xi măng, đá và xe rùa để xây dựng bể xử lý rác hữu cơ thành phân bón. Tổng giá trị vật liệu hỗ trợ là 115 triệu đồng. Bà con đối ứng mua chế phẩm sinh học, vôi... và đóng góp công xây dựng để hoàn thiện bể xử lý rác hữu cơ.

Trao xe rùa cho nông dân vận chuyển rác tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Là hộ nông dân tham gia mô hình điểm, ông Trương Văn Thóc, nông dân thuộc tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban xây dựng một bể ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp ngay trong vườn. Nếu trước kia trồng cà phê, lượng rác thải từ nông nghiệp rất ít, chủ yếu phải xử lý vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì nay chuyển sang trồng thêm rau, nhà ông phát sinh không ít rác thải từ gốc rau, lá rau già... trong quá trình sơ chế để vận chuyển sản phẩm được nhẹ nhàng, mẫu mã đẹp hơn.

Trước kia, các loại rau thải ông thường tấp bờ hoặc vận chuyển ra ngoài cho xe rác chở đi, nay ông cho vào bể xử lý rác hữu cơ, đảo trộn cùng chế phẩm sinh học EM. Sau một thời gian tùy nhiệt độ cũng như độ che phủ, lượng chế phẩm, gốc rau, lá rau biến thành thứ phân hữu cơ có màu đen sẫm, mềm mịn, tơi xốp, có thể bón trở lại cho vườn.

Ông Thóc cho biết, sử dụng bể xử lý rác vừa bớt công vận chuyển rác thải các loại, vừa có thêm một lượng phân hữu cơ bón cho rau, tăng độ phì cho đất, giảm lượng phân hữu cơ cũng như hóa học phải mua ngoài thị trường.

“Do vậy, việc người dân tự thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn là một yêu cầu cần thiết, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân về xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp” - bà Nguyễn Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng đánh giá.

Tương tự, thực hiện kế hoạch của Hội ND huyện Yên Định (Thanh Hóa), Hội ND xã Định Long tiến hành khảo sát, lựa chọn mỗi thôn 50 hộ dân để triển khai mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”.

Hố racsx trong vườn rau của gia đình bà Hoàng Thị Việt 

Tham gia mô hình, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ kinh phí để làm nắp đậy hố rác và chế phẩm sinh học. Đồng thời được tập huấn hướng dẫn cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ thành phân bón cho cây trồng.

Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả,  Hội Nông dân xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện phân loại rác thải và cách pha chế chế phẩm sinh học để ủ rác thải hữu cơ nhằm tạo ra phân bón chất lượng cho các loại cây trồng.

Vào khu vườn của gia đình bà Hoàng Thị Việt ở thôn Tân Ngữ 2, cây nào, cấy nấy đều tươi tốt. Gia đình bà đang sử dụng phân hữu cơ đã ủ vi sinh để bón các loại cây trồng trong vườn, bà Việt  cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thải ra môi trường từ 6 - 8kg rác thải, trong đó, có đến 70% là rác thải hữu cơ.

Bà Việt chia sẻ: Trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình, tôi đều đổ vào thùng nhựa, bao tải để công nhân môi trường của HTX thu gom. Thế nhưng, sau khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, tôi hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải. Đối với các loại rác thải có thể tái chế tôi để riêng; còn rác hữu cơ được đem đi xử lý ngay. Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy đến 60%; hạn chế được mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ và có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón.

Việc triển khai mô hình đã mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.

Từ những hiệu quả bước đầu mà mô hình mang lại, Hội ND  xã Định Long  mong muốn tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nhằm góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng môi trường nông thôn sạch, đẹp, trong lành.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top