Chiều nay (16/3), Văn phòng Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN).
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước.
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp thứ 20 diễn ra vào ngày 28/2 vừa qua.
Phó Tổng kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều.
Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đối tượng bị xử phạt VPHC theo quy định của Pháp lệnh này là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN.
Về các hành vi vi phạm hành chính, tại Điều 5 của Pháp lệnh, quy định về hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật KTNN; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật KTNN; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN quy định tại Điều 68 của Luật KTNN.
Về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7): Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của tổ chức là 100 triệu đồng.
Phó Tổng kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh giới thiệu Pháp lệnh.
Theo ông Vinh, Pháp lệnh cũng quy định rõ các hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN.
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật KTNN, Pháp lệnh quy định 7 điều tương ứng với 7 nhóm loại hành vi vi phạm tương ứng với hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, hành vi vi phạm các quy định về gửi báo cáo định kỳ; Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán; Hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên đoàn kiểm toán, cản trở công việc của KTNN; Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Về khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN: Căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và quy định khác của pháp luật có liên quan, Pháp lệnh đã quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyền khởi kiện và giải quết đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức bị xử phạt tại khoản 2, Điều 17.
Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2023.