Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024 | 20:6

Phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ (KH&CN).

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ luôn được Liên hiệp Hội Hà Nội và các hội thành viên xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Liên hiệp Hội Hà Nội đã xây dựng và quản lý tốt website husta.org. với nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, tập trung chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh.

Toàn cảnh hội thảo

Phổ biến kiến thức giữ vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng cho cộng đồng. Phổ biến kiến thức là phương tiện chuyển tải nhanh nhất điều chúng ta mong muốn làm cho cộng đồng biết, cộng đồng hiểu, cộng đồng tin và cộng đồng làm theo.

Trong nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Việt Nam và các Hội thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến kiến thức cho cộng đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng còn có khoảng cách. 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phố biến kiến thức, PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội và các hội thành viên. Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức đã góp phần tạo ra bản sắc riêng có của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội.

Liên hiệp Hội có hệ thống từ Trung ương đến địa phương với 156 hội thành viên, trong đó có 93 hội, ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gần 500 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trực thuộc. Liên hiệp Hội có Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống và gần 70 cơ quan tạp chí trong hệ thống. 

PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Qua đó, xác định phổ biến kiến thức KH&CN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Nhiệm vụ này đã được Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam tại nhiều các văn bản quan trọng. Một số hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức có thể kể đến như, tuyên truyền và phổ biến kiến thức thông qua hệ thống báo chí, tuyên truyền và phổ biến kiến thức thông qua công tác xuất bản, tuyên truyền thông qua sự kiện, tọa đàm, hội thảo, tập huấn và các chương trình truyền thông.

Về thế mạnh của Hội, ông Thao cho biết, các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam có thế mạnh đặc biệt, là nơi tập hợp lực lượng trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia đông đảo trong nhiều ngành, lĩnh vực, có lợi thế trong việc triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN. Qua đó, hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam luôn coi trọng và đặt vai trò phổ biến kiến thức là nhiệm vụ trung tâm của đơn vị; chủ động tập hợp đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học thực hiện phổ biến tuyên truyền các kiến thức cần thiết cho hội viên và người dân.

Mặc dù, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như: Các chương trình, hoạt động phổ biến kiến thức chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống.

Đưa ra giải pháp cho những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, trước khi bắt tay vào phổ biết kiến thức cần nằm rõ một số nội dung sau: Phổ biến nội dung gì? Phổ biến cho ai? Phổ biến bằng hình thức nào? Phổ biến khi nào? Ai làm công tác phổ biến kiến thức? Rủi ro nào cần khắc phục trong phổ biến kiến thức cho cộng đồng? Đánh giá như thế nào về tác động của công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng?

"Cần phổ biến nội dung mà cộng đồng cần, chứ không phải là phổ biến nội dung mà chúng ta có (phải biết, mỗi cộng đồng cần loại kiến thức nào). Phổ biến cho các cộng đồng nói chung, nhưng cần tập trung vào một số đối tượng – Những đối tượng cần kiến thức và có tác động lan tỏa như: (tuổi trẻ, nông dân, vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo).

 Bên cạnh đó, dùng các hình thức phong phú, đa dạng, có thể lồng ghép như: hội nghị, hội thảo, tập huấn và phổ biến qua kênh sách, báo, nhất là thông qua mạng xã hội, trí tuệ thông minh; Phổ biến vào thời gian thích hợp với từng cộng đồng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phổ biến kiến thức (cán bộ của các đoàn thể nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, các chức săc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng)", ông Miều nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng cũng đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh bổ sung cơ chế tài chính chi cho hoạt động phổ biến kiến thức, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ để phù hợp với khả năng tiếp nhận thông tin ngày càng cao của nhân dân... Các chuyên gia dự hội thảo đề xuất thời gian tới, Liên hiệp Hội cần quy tụ các đầu mối trí thức khoa học và công nghệ của toàn quốc, tập hợp đội ngũ chuyên gia có năng lực, uy tín để thực hiện triển khai nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến khoa học và công nghệ cho các địa phương, cho các vùng, miền theo quy hoạch.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top