Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 5 năm 2023 | 21:21

Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Làng nghề đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường.

Vẫn còn sản xuất tại hộ gia đình

Xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ, có hơn 1.600 hộ làm nghề; trong đó chỉ có khoảng 600 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, số còn lại vẫn phải sản xuất, kinh doanh tại nhà. Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất gỗ tại xã Vạn Điểm chia sẻ, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình vẫn diễn ra tại nhà, do cụm công nghiệp làng nghề của xã đã lấp đầy từ lâu. Dù gia đình đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhưng việc sản xuất tại nhà vẫn ảnh hưởng tới các hộ xung quanh.

Không chỉ có làng nghề Vạn Điểm, làng nghề cơ khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) cũng đang gặp khó khăn tương tự. 

Hà Nội đặt ra loạt giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm làng nghề từ nay đến 2030

Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Xuân Chánh cho hay, cả 6/6 thôn của xã đều có nghề truyền thống, trong đó có 5 thôn làm nghề cơ khí và một thôn làm nghề điêu khắc mỹ nghệ, với trên 2.061 hộ gia đình làm hai ngành nghề trên, chiếm 85% tổng số hộ của toàn xã. Thế nhưng, cả xã mới chỉ có một cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 5,5ha, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất của các hộ. Do còn sản xuất tại gia đình, nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, làng nghề đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế tại các địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, các làng nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động và tổng doanh thu của các làng nghề lên tới 22-25 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là ô nhiễm môi trường.

“Số lượng làng nghề của Hà Nội khá lớn, với nhiều nhóm nghề khác nhau. Hơn nữa, còn tình trạng sản xuất tại hộ gia đình, khu dân cư, nên không thể đầu tư để đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, số lượng điểm, cụm, khu công nghiệp tại các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề”, ông Nguyễn Xuân Đại thông tin thêm.

Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

Để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tối đa nguồn lực từ làng nghề, các địa phương đã chủ động quy hoạch khu, cụm, điểm công nghiệp gắn với các làng nghề.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, để khai thác nguồn lực từ các làng nghề, giữ nghề truyền thống và bảo vệ môi trường, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động 4 cụm công nghiệp làng nghề. “Hiện tại, trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên với quy mô 41,339ha đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 5 cụm công nghiệp đã được thành phố có quyết định thành lập, đang trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Khi các cụm công nghiệp này đi vào hoạt động, huyện sẽ giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm môi trường của làng nghề”, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho hay.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, huyện đã tổ chức quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; các địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn; các bãi chứa, xử lý chất thải xây dựng và xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Huyện cũng yêu cầu các xã có nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo vệ môi trường.

Cùng với sự chủ động của các địa phương, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như phát triển làng nghề. Theo đó, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố.

Để phát huy nguồn lực từ kinh tế làng nghề và bảo vệ môi trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, Sở đã tham mưu thành phố xây dựng Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2040; và đề nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung, tích hợp "Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040" với Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050. Ngoài ra, Sở còn tham mưu xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2023”, hiện đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Đặc biệt, Sở đã tham mưu thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

“Việc triển khai các đề án, kế hoạch sẽ giúp các làng nghề khắc phục được những tồn tại hiện nay, nhất là vấn đề môi trường”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

19 làng nghề ở Hà Nội phải di dời cơ sở sản xuất vì gây ô nhiễm

Hà Nội vừa ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Định hướng đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối với các 48 làng nghề ô nhiễm cần xử lý nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất để hình thành các khu vực sản xuất tập trung của làng nghề nhằm phục vụ di dời các cơ sở sản xuất đối với các làng nghề thực hiện theo phương án di dời cơ sở hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề.

Sở Xây dựng thực hiện nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo Quy hoạch được duyệt theo phân cấp quản lý.

Sở Công Thương đẩy nhanh triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo Quy hoạch được duyệt; đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; nhằm tạo quỹ đất cho phát triển sản xuất và phục vụ cho công tác di dời các cơ sở; hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực làng nghề ra khỏi làng nghề.

Tham mưu cho UBND TP xem xét, phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở; hộ gia đình sản xuất ra khỏi khu vực làng nghề theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, trình UBND TP ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề di dời vào các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong công tác xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các quận, huyện thị xã có làng nghề chủ động nghiên cứu, lập, đề xuất các dự án xử lý nước thải cục bộ đối với các làng nghề và hoặc khu có làng nghề thực hiện theo phương án thu gom, xử lý nước thải cho làng nghề hoặc cụm dân cư; làng nghề trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định phân cấp hiện hành.

Đối với 23 làng nghề ô nhiễm có dấu hiệu mai một phải xử lý ô nhiễm môi trường và phục hồi sản xuất, lộ trình thực hiện đến năm 2025... UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí về môi trường đối với các làng nghề theo quy định; tổng hợp kết quả đánh giá và đề xuất các làng nghề không đáp ứng được tiêu chí về môi trường gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo, kiến nghị UBND TP thu hồi Bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách và kiến nghị UBND TP thu hồi Bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống đối với làng nghề được đánh giá không đáp ứng được các tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định của pháp luật đến hết năm 2025...

Trong đó, đáng chú ý có 19 làng nghề phải di dời cơ sở sản xuất hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực làng nghề như: Làng nghề đồ mộc Hữu Bằng (Thạch Thất); Làng nghề nón lá thôn Động Giã (Thanh Oai); Làng nghề mây tre đan, mộc ở thôn Phù Yên (Chương Mỹ); Làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ (Liên Trung, Đan Phượng); Làng nghề thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Giang (Ninh Hiệp, Gia Lâm); Làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức)…

Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.

Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top