Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống khai thác trái phép IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân.
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu (EC) Frans Timmermans đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 17-19/2/2022.
Sáng ngày 18/2/2022, tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Phó Chủ tịch Frans Timmermans, hai bên bày tỏ vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, quan hệ Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục phát triển tích cực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans - Ảnh: VGP/Đức Tuân
EU hiện là đối tác kinh tế - phát triển quan trọng của Việt Nam, đặc biệt đang là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đã thu được kết quả tích cực, đạt 57 tỷ USD sau 18 tháng triển khai Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực chất, hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại đầu tư, hợp tác phát triển, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, an ninh – quốc phòng.
Trong bối cảnh Việt Nam và các nước EU đều đang dần mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội và giao thương quốc tế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU và các nước thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam xuất sang thị trường EU; đề nghị Ủy ban châu Âu ủng hộ thúc đẩy hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Về hợp tác trong nông nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thông báo các kết quả tích cực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống khai thác trái phép IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU.
Về hợp tác năng lượng và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, có lộ trình để giảm mạnh phụ thuộc vào điện than/khí methane và phát triển mạnh hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, phù hợp với cam kết tại COP26. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong việc triển khai các cam kết tại COP26, đặc biệt là thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước; hợp tác, thực hiện các dự án trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, giao thông sạch, bảo tồn, trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ cũng như kết nối Việt Nam với các nguồn lực tài chính, công nghệ, năng lực quản lý song phương và đa phương nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết, sáng kiến về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hội đàm với Phó Chủ tịch điều hành EC - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Chủ tịch Frans Timmermans khẳng định EU coi trọng quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện với Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khí hậu nhằm triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Ông Frans Timmermans đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai kết quả Hội nghị COP26; đồng thời cho rằng Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng sạch, tái tạo; khẳng định EU ủng hộ và sẽ thúc đẩy khả năng hợp tác với Việt Nam thông qua các nguồn vốn đầu tư tư nhân, các nguồn lực của EU cũng như từ các nguồn tài chính quốc tế.
Phó Chủ tịch Timmermans đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề IUU và thông báo EU sẽ sớm cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam để khảo sát và đưa ra kết luận về vấn đề này.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Phó Chủ tịch Frans Timmermans chia sẻ quan điểm cộng đồng quốc tế cần tăng cường mạnh mẽ hơn các hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực, trong đó có hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và năng lực, với tinh thần là cùng chung nhận thức, quyết tâm để cùng đạt được mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ và hợp tác hiệu quả, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa Việt Nam trở thành mô hình hợp tác hiệu quả với EU tại khu vực trong lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans sẽ có cuộc chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và làm việc với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.