Ngày 7/11, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các Bộ: Y tế, Tài nguyên - Môi trường và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng chủ trì "Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 về Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người" (gọi tắt là Một sức khỏe) giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, khi có đại dịch xảy ra ở bất kỳ đâu, việc huy động phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là kim chỉ nam cho công tác phòng chống dịch bệnh. Một sức khỏe là phương pháp tiếp cận tối ưu để đảm bảo an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng.
Nếu giai đoạn 2016-2020 có tổng số 50 dự án Một sức khỏe thì tới nay đã có gần 100 chương trình, dự án; đã thành lập được 5 nhóm kỹ thuật gồm: Phòng chống đại dịch; an toàn thực phẩm; kháng kháng sinh; động vật đồng hành; từ nghiên cứu tới chính sách. Qua đó, tạo diễn đàn cho các bên liên quan trao đổi các lĩnh vực chính của Khung đối tác, là cơ sở triển khai các dự án, chương trình ưu tiên của Chính phủ, chiến lược ngành được cụ thể hóa trong Kế hoạch quốc gia đa ngành về Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Phùng Đức Tiến, có được tiến độ và kết quả đáng khích lệ này là nhờ sự quan tâm, chung tay, hỗ trợ kịp thời của các đối tác phát triển, đặc biệt là Mỹ, EU, Đức, Pháp và các hợp lực các thành phần khác nhau nhằm hỗ trợ triển khai Khung đối tác và Kế hoạch đa ngành quốc gia.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại diễn đàn.
Về phía Bộ Y tế, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế - cơ quan đồng chủ trì Khung đối tác Một sức khỏe - nhận định công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong suốt 2 thập kỷ vừa qua đã cho chúng ta thấy rằng một mình ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có yếu tố liên ngành như bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề như kháng kháng sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...
Hiện nay, quá trình toàn cầu hoá sâu rộng, giao thương gia tăng cùng với sự biến đổi khí hậu và đô thị hóa mạnh mẽ đã làm tăng sự tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái. Điều này có thể làm biến đổi các tác nhân gây bệnh cũ và xuất hiện các tác nhân mới có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người. Để ứng phó với những thách thức to lớn này, rất cần sự hợp lực của toàn xã hội và sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế.
"Hợp tác theo hướng Một sức khỏe tiếp tục là phương pháp tiếp cận tối ưu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, thúc đẩy và triển khai một cách hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề sức khỏe khác", ông Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Tại diễn đàn, bà Aler Grubs, Giám đốc quốc gia tổ chức USAID tại Việt Nam, chia sẻ, Việt Nam tiếp tục là quốc gia ưu tiên của USAID cho Chương trình An ninh y tế toàn cầu thông qua cơ chế MSK phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp và môi trường nhằm góp phần kiểm soát các mối nguy về an ninh y tế toàn cầu. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, USAID cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong các mục tiêu phát triển ổn định, hoà bình, thịnh vượng trong đó nhấn mạnh tới Chương trình an ninh y tế toàn cầu thông qua Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người của Việt Nam để kiểm soát, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, các chương trình và dự án Một sức khỏe thể hiện hành động đồng hành và cam kết mạnh mẽ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng nhà tài trợ. Chương trình không chỉ chung tay làm bền vững và an toàn hơn cho môi trường phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam mà còn trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ chính phủ Việt Nam hiện thực hóa các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ ngành trong bối cảnh nguồn lực trong nước vẫn còn hạn chế và phân bổ cho nhiều ngành khác nhau.
"Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật và tài chính của cộng đồng nhà tài trợ quốc tế cũng như sự chung tay của các tổ chức kỹ thuật, các tổ chức song phương và đa phương tại Việt Nam nhằm tăng cường năng lực dự phòng, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh, hướng tới giảm thiểu các tác động do bệnh truyền lây từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật gây ra, từ đó đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một thế giới an toàn hơn trước các mối đe dọa dịch bệnh truyền nhiễm", ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.