Để tiếp tục phát huy vai trò của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường, trong thời gian quan cơ quan quản lý đã phối hợp xử lý gần 3.400 thông tin, vụ việc do người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường ở các địa phương.
10 tháng năm 2022 tiếp nhận gần 500 vụ
Theo thông tin từ ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ tháng 1/2018 đến ngày 23/5/2022, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của đơn vị này đã tiếp nhận 2.355 thông tin, vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, trong năm 2018 tiếp nhận 926 thông tin, vụ việc; Năm 2019 tiếp nhận 493 thông tin, vụ việc; Năm 2020 tiếp nhận 345 thông tin, vụ việc; Năm 2021, đã tiếp nhận 450 thông tin, vụ việc; năm 2022 (tính đến ngày 23/5/2022), đã tiếp nhận 141 thông tin, vụ việc phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng. Trong đó, 100% thông tin, vụ việc đều được chuyển đến đường dây nóng của địa phương để xác minh và xử lý theo thẩm quyền.
Ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải. (Ảnh: PV/VOV-Giao thông).
Số vụ việc phản ánh thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường được tiến hành xử lý tăng dần qua các năm, cụ thể: Năm 2018, đã tiến hành xử lý 398 vụ việc, chiếm tỷ lệ 43%; năm 2019, đã tiến hành xử lý 300 vụ việc, chiếm tỷ lệ 61%; năm 2020, đã tiến hành xử lý 245 vụ việc, chiếm tỷ lệ 71%; 6 tháng đầu năm 2021, đã tiến hành xác minh 120 vụ việc, chiếm tỷ lệ 93%.
Riêng trong 10 tháng năm 2022, đường dây nóng trên đã tiếp nhận gần 500 vụ việc phản ánh. Trong đó, có 296 vụ việc đã được hướng dẫn người dân thực hiện theo quy định của pháp luật; 150 vụ việc chuyển về các địa phương để xác minh, xử lý. Trên cơ sở đó, có tới 394 vụ việc đã được xác minh, xử lý (chiếm 88%); 58 vụ việc (chiếm 12%) đang được các địa phương xử lý theo thẩm quyền.
“Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được thành lập nhằm tiếp tục phát huy vai trò của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị. Đến nay, hệ thống đường dây nóng đã và đang trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các điểm nóng môi trường trên địa bàn đến các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Hệ thống này cũng đã giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường để có giải pháp xử lý các hành vi, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các điểm nóng về môi trường phát sinh trên từng địa bàn,” ông Nguyễn Hưng Thịnh cho hay.
Một số vụ việc điển hình được phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng như: Ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải; ô nhiễm nguồn nước tại Suối Ngòi Lâu tại Yên Bái; nguồn phát thải khiến sông Cầu ô nhiễm bắt nguồn từ sông Ngũ Huyện Khê, Bắc Giang; hàng chục lồng nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, Hải Dương xảy ra tình trạng cá chết bất thường với khối lượng lên đến gần trăm tấn; cá chết đã nổi trắng kênh Phú Lộc; cá lồng trên sông Chu, Thanh Hóa bất ngờ chết hàng loạt, đổ trộm hoá chất xuống sông,… đã được Tổng cục Môi trường kịp thời nắm bắt, chỉ đạo các Cục Bảo vệ môi trường vùng phối hợp với Sở TN&MT và chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.
Đến nay, Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT các địa phương đã thực hiện phản hồi thông tin cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin đối với 3.328/3.918 thông tin tiếp nhận (chiếm tỷ lệ khoảng 85%) thông qua các hình thức phù hợp như điện thoại, email và văn bản,… một số vụ việc được Tổng cục Môi trường thực hiện công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường.
Đối với các vụ việc về ô nhiễm môi trường theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Tổng cục Môi trường đã nắm bắt thông qua công tác rà soát, điểm tin môi trường và kịp thời chỉ đạo các Cục Bảo vệ môi trường vùng phối hợp với Sở TN&MT nhanh chóng kiểm tra, xử lý và phản hồi thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định./.
Đề nghị xử lý hình sự cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Huyện ủy Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 06 về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện. Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN-MT H.Bình Chánh, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay đã kiểm tra 449 cơ sở, ban hành 120 quyết định xử phạt, tổng số tiền vi phạm hơn 5 tỉ đồng. UBND H.Bình Chánh cũng chuyển Công an huyện kiểm tra, xác minh 4 trường hợp trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B.
Các cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, nhà xưởng tạm bợ trên đất nông nghiệp, hoạt động chủ yếu vào ban đêm để đối phó với cơ quan chức năng. Trong 4 trường hợp nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh đã có thông báo tiếp nhận kiến nghị khởi tố hồi tháng 3.2022 đối với trường hợp bà Đào Thị Liên, ngụ xã Vĩnh Lộc B. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Bà Nguyễn Thị Thảo cho hay toàn huyện có hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải và các tác động đến môi trường với các ngành nghề tái chế phế liệu, nhuộm, giặt - sấy vải, thực phẩm. Các cơ sở gây ô nhiễm tập trung nhiều nhất tại xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B, với tổng cộng 236 cơ sở. Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, bà Thảo cho biết sẽ tham mưu UBND huyện kiến nghị UBND TP.HCM quy hoạch khu vực chuyên biệt cho hoạt động tái chế và các cơ sở nguy cơ ô nhiễm khác, cơ sở nằm xen cài trong khu dân cư.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, lo ngại dù kiểm tra, xử phạt nhiều nhưng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vẫn tập trung về địa bàn huyện, nhất là các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu. “Phải xử lý nghiêm từ thủ tục thu mua phế liệu, hóa đơn, thuế đến PCCC thì những cơ sở này mới không tồn tại nữa”, ông Nam nói và đề nghị tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, gây ô nhiễm đất, xe quá tải gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề rác thải sinh hoạt, ông Nam dẫn chứng mỗi ngày Bình Chánh phát sinh 600 tấn rác nhưng chỉ có 3 điểm trung chuyển nên không đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, UBND huyện cần sớm hoàn thành quy hoạch điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt hợp lý.
Bảo vệ môi trường từ những Ngôi nhà của pin
Nhận thức được tác hại của pin chưa xử lý khi thải ra môi trường, thôn Nhuệ (Hoài Đức, Hà Nội) đã lên ý tưởng và triển khai mô hình Ngôi nhà của pin, nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân. Nếu như trước đây, những viên pin cũ này ở bà Nguyễn Thị Tính (Thôn Nhuệ, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) bị vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào một thùng rác thì nay, ý thức được mối nguy hại của pin với môi trường, bà Tính đã cẩn thận thu gom, đem ra nơi tập kết mang tên “Ngôi nhà của pin” – một phong trào mới do thôn phát động. “Trước kia khi chưa có ngôi nhà của pin này, nhà tôi dùng nhiều nhưng dùng xong thì các cháu vứt lung tung, nhưng từ khi sáng tạo ra nhà pin này, chúng tôi rất phấn khởi, gia đình để riêng một chiếc hộp, phổ biến cho con cháu sau khi dùng sau thì bỏ vào để mang ra đầu xóm đã có nhà pin để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ” – bà Tính cho biết.
Việc thu gom pin đã qua sử dụng đã trở thành phong trào bảo vệ môi trường của người dân trong thôn.
Pin khác với những loại rác thải thông thường. Sau khi sử dụng, đây lại là một loại rác độc hại. Chính bởi vậy, khi bỏ đi, việc phân loại pin từ đầu nguồn rất quan trọng để có những hướng xử lý rác riêng biệt. Những ngôi nhà của pin đã ra đời từ ý tưởng của cán bộ thôn, sự ủng hộ, góp sức của bà con, tất cả đã tạo nên sức mạnh tập thể, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất.
Nơi tập kết pin được một gia đình trong thôn hỗ trợ làm miễn phí từ việc tận dụng những vật liệu có trong xưởng gỗ. Đến nay đã có cả chục nhà để pin được lắp đặt, phân bổ đều ở toàn thôn. Và để thu hút sự chú ý, trên mỗi ngôi nhà, đều được in các hình ảnh, thông điệp tuyên truyền, nhắc nhở người dân về tác hại của pin đối với môi trường.
“Giữ gìn môi trường là chúng tôi rất sẵn lòng, ủng hộ hoàn toàn” – ông Đỗ Văn Ngọ (Thôn Nhuệ, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay. Còn bà Nguyễn Thị Kim trong thôn cũng cho biết, có nhà pin là điều thích hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, không bị chất độc ảnh hưởng.
Theo kế hoạch, cứ mỗi tháng, những cán bộ thôn cùng đoàn viên thanh niên sẽ tổ chức đi thu gom pin tại các ngôi nhà của pin và chuyển đến các địa điểm tái chế trên địa bàn. Đến nay, hàng nghìn viên pin đã được xử lý, đặc biệt thói quen mới trong phân loại rác thải đã được hình thành ở khu dân cư, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Đàm Quang Bính – Trưởng Thôn Nhuệ cho hay, ban đầu mô hình làm thí điểm 6 cái, đến nay số nhà của pin đã tăng lên. Ngay bước đầu đã cho những kết quả rất tốt. “Từ 4 loa truyền thanh trong làng và đến nay là 15 loa, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt được cái lợi của việc thu gom pin, cái hại của việc bỏ pin ra môi trường mà không qua xử lý” – ông Bính cho biết.
Theo nghiên cứu, trong pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… Đây đều là những chất độc hại, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người và là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư.
Nếu hít phải chất chì (Pb) có trong pin có thể gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Chất độc hại này cũng gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm chức năng của thận.
Đặc biệt, lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. Khi chôn lấp pin, các kim loại nặng có trong pin như chì, thạch tím sẽ ngấm vào đất, khi đốt, các thành phần nguy hại sẽ gây ô nhiễm không khí, vì vậy những mô hình thu gom pin như thế này cần được nhân rộng để bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khoẻ của người dân.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.