Mùa hè năm 2023, dự báo nền nhiệt cả nước sẽ cao hơn các năm trước. Với tình trạng nắng nóng kéo dài, các tỉnh Tây Bắc vừa trải qua những ngày nắng nóng, hanh khô, nền nhiệt phổ biến trong khoảng 35 - 38 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Vì vậy, lực lượng kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các địa phương tại đây đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Chủ động phương án PCCC
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, không chỉ riêng tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ, tình trạng này còn diễn ra tại Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nguy cơ cháy rừng rất cao, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).
Đặc biệt, một số địa phương đã xảy ra cháy rừng. Cụ thể, đám cháy lớn xảy ra lúc 19 giờ ngày 25/3, tại Tiểu khu 738, Khoảnh 4, lô 1 thuộc bản Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Ngay sau khi phát hiện đám cháy, các lực lượng phối hợp và người dân khoảng 60 người đã tham gia dập lửa bằng việc sử dụng phương pháp chữa cháy trực tiếp và phát dọn đường băng trắng cản lửa, dập tắt các đám cháy sau khi ngọn lửa được cô lập.
Lực lượng Kiểm lâm Yên Bái tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng.
Tương tự, ngày 22/4, tại bản Mé, xã Mường Bằng (Mai Sơn - Sơn La) xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ. Các đơn vị chức năng đã huy động hơn 230 người, gồm dân quân tự vệ, dân phòng, nhân dân của xã Mường Bằng đến ứng trực, theo dõi tình hình, diễn biến vụ cháy.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn, thời gian tới là thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2023, thời tiết nắng nóng, khô hạn còn trên diện rộng, do vậy, các địa phương cần chủ động nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do PCCCR.
Yên Bái có tổng diện tích đất tự nhiên 689.268ha; trong đó có 464.008ha rừng; độ che phủ của rừng đạt 63% và nằm trong 6 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất toàn quốc.
Ngay từ trước mùa khô hanh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã triển khai các chỉ thị, công văn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách PCCCR nhằm chỉ đạo UBND các cấp, ngành, chủ rừng tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng (BVR), PCCCR.
Chi cục tham mưu giúp UBND tỉnh Yên Bái thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt PCCCR; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng; thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn cơ sở, ký cam kết với các hộ dân, mở các lớp tập huấn về PCCCR cho kiểm lâm địa bàn và trưởng nhóm BVR ở các địa phương.
Xã Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) có hơn 3.500ha rừng. Là địa phương nằm trong khu vực cảnh báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm), UBND xã đã chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng trong công tác PCCCR ở mức cảnh giác cao nhất.
Ông Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào, cho biết, địa phương đã chủ động phối hợp với kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân không được sử dụng lửa trong rừng những ngày trời nắng nóng, không đốt thực bì; lồng ghép vào các cuộc họp thôn để tuyên truyền Luật PCCCR và những văn bản của Nhà nước về công tác PCCCR. 8 tổ công tác PCCCR của 8 thôn gồm 80 thành viên cùng với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra rừng, trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, thông tin dự báo thời tiết được xã phát trên loa truyền thanh của các thôn để bà con chủ động kế hoạch làm nương rẫy.
Hiện trường vụ cháy ngày 19/4, tại khoảnh 9, tiểu khu 701 thuộc địa bàn xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra cháy rừng bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội của con người, do nhận thức, ý thức và sự bất cẩn. Tại một số địa phương, đặc biệt là tại các khu vực miền núi, nơi đồng bào có trình độ dân trí chưa cao, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt nương làm rẫy, thậm chí đốt rừng làm nương rẫy; đốt quang thực bì để nhặt kim loại, đốt cỏ khô, rơm rạ, chai lọ… gần rừng; đốt lửa sưởi ấm, hun khói để lấy mật ong… rồi bất cẩn để lửa cháy lan không kiểm soát.
Cháy rừng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, bao gồm: Cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất, lũ quét nếu cháy rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Sinh vật, động thực vật bị thiêu hủy dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Qua nhiều vụ cháy dễ dàng nhận thấy rằng, tại các huyện, thị vùng cao - nơi người dân có tập quán đốt nương làm rẫy có thể gây ra hỏa hoạn, do vậy, lực lượng chức năng tại địa bàn cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rẫy và những hành vi dùng lửa khác. Bên cạnh đó, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch; ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương; tiếp tục rà soát đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR.
Rõ ràng, việc PCCCR trong giai đoạn nắng nóng kéo dài như hiện nay không chỉ dựa vào nỗ lực của lực lượng chức năng, mà còn đòi hỏi ý thức cảnh giác, tinh thần chủ động tham gia phòng chống cháy rừng của mỗi người dân.
Do vậy, bà con phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Cơ quan quản lý tại địa phường cần bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, duy trì lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, xây dựng các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao.
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, không phải chỉ riêng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và chính quyền địa phương. Khi để xảy ra mất rừng, cần phải đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải là người chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng. Vì vậy, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lơ là công việc để xảy ra cháy rừng theo quy định của pháp luật, việc này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đứng trên góc độ người quản lý, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho rằng, để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao, cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Chi cục Kiểm lâm trong thời kỳ cao điểm về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCR; tăng cường công tác phối hợp với các chủ rừng thực hiện tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp.
Chủ động hướng dẫn và quản lý chặt chẽ người dân trong việc đốt nương, đốt thực bì… Xây dựng, biên soạn nội dung gắn với hình ảnh tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã cho các đối tượng; làm cho người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.