Sau 30 năm ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên tại Hải Phòng, nhờ nỗ lực triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp, thành phố đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Kết quả đó có sự đóng góp của các nhóm xã hội cùng cảnh ngộ như nhóm “Vòng tay bạn bè”. Nhờ vậy, số người nhiễm HIV được quản lý và điều trị ngày càng tăng, tạo tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Các đơn vị tặng xe đạp cho các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Nhóm “Vòng tay bạn bè” hỗ trợ người cùng cảnh
Được thành lập năm 2007, nhóm “Vòng tay bạn bè” được xem là ngôi nhà chung của những người muốn từ bỏ ma túy ở Hải Phòng. Khi mới thành lập, nhóm hoạt động tự phát trong điều kiện khó khăn do phải chịu tác động lớn từ dư luận, xã hội. Thuốc chống tái nghiện, hay thuốc hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chưa được phổ biến. Những người nghiện, để cắt được cơn, chỉ có thể bằng chính ý chí, nghị lực của bản thân.
Hoạt động khó khăn khi bị xã hội dèm pha bằng ánh mắt tò mò pha chút kỳ thị nhưng 16 năm nay, nhóm đã giúp không ít người nghiệm ma túy ở Hải Phòng từ bỏ hẳn ma túy hoặc chuyển sang điều trị bằng thuốc Methadone. Nhóm đã vận động được khoảng 100 người điều trị ARV; tiếp cận hàng nghìn lượt người nghiện ma túy, trong đó, có hàng trăm người tiếp cận điều trị Methadone, khám sàng lọc lao; vận động mua BHYT…
Bên cạnh đó, nhóm còn hoạt động hiệu quả trong việc xử lý cứu sốc cho những người nghiện ma túy bằng thuốc Naloxone. Nhóm đã cứu sốc cho hành trăm người nghiện ma túy bị sốc thuốc. Nhóm làm việc hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, bất kể đêm khuya, thời tiết lạnh giá, cứ có người gọi là cả nhóm lại lên đường.
Bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ người chồng nghiện ngập, hơn 20 năm qua, chị C.T.K.G, thành viên nhóm “Vòng tay bạn bè”, đã sống và vượt qua mặc cảm của bản thân và làm những việc có ích cho cộng đồng. Chị tâm sự: Bản thân và gia đình có người nghiện và có HIV, chỉ những người cùng cảnh ngộ mới hiểu, cảm thông, dễ mở lòng và chia sẻ với nhau. Người tìm đến với nhóm cũng có người mới phát hiện hoặc bệnh đã trở nặng. Họ đến để nghe tư vấn, nghe cách điều trị bệnh, nhưng trong số họ không phải ai cũng cần can thiệp điều trị ARV ngay. Có người, tôi phải kiên trì theo đuổi đến 5 năm, khi bệnh nặng họ mới điều trị ARV. Có người không có tiền, không có giấy tờ, nhóm đều tìm cách giúp đỡ. Có trường hợp cả vợ chồng đều điều trị, họ động viên, cùng nhau vượt qua khó khăn.
“Những người đến đây, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng họ đều dính đến ma túy và có HIV. Đứng trước sự sống và cái chết, khi được cứu sốc, được hồi sinh trở về với cuộc sống đời thường, họ đều cảm thấy cuộc sống thật sự đáng quý”, chị G. chia sẻ thêm.
Hải Phòng là thành phố trong tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh. Đồng thời cũng là nơi giao lưu với các tỉnh/thành phố và các nước trên thế giới thông qua đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không. Hàng năm số người đến làm việc, sinh sống, du lịch tại Hải Phòng là rất lớn. Song song với việc phát triển kinh tế thì các vấn đề xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến lây lan bệnh dịch HIV/AIDS.
Chị C.T.K.G, đại diện nhóm “Vòng tay bạn bè” tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030
Theo số liệu thống kê, từ khi Hải Phòng phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1993 đến nay, lũy tích số người tử vong do AIDS là 5.436 người; ước số người nhiễm HIV hiện còn sống khoảng 7.000 người và số người nhiễm HIV đang được quản lý là 6.372 người (trong đó có 5.459 người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng vi rút HIV bằng thuốc ARV).
Để đẩy lùi HIV/AIDS, Hải Phòng đang triển khai thực hiện Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ.
TP. Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 3 mục tiêu (95-95-95). Tính đến nay, kết quả đối với Mục tiêu 95 thứ nhất (tức là 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình) thành phố đạt 91%; Mục tiêu 95 thứ hai (tức là 95% tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV) đạt 86%; Mục tiêu 95 thứ ba (tức là 95% tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) đạt 99%. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Hải Phòng tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Qua đó, tình hình HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Hàng năm, cả 3 chỉ số bao gồm: số người nhiễm HIV mới, người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS đều giảm. Số người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV và được thực hiện các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS tăng.
Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hải Phòng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Dịch HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp và có xu hướng chuyển dần từ nhóm nghiện chích ma túy sang nhóm quan hệ tình dục đồng giới ở độ tuổi rất trẻ, từ 15-25 tuổi, đặc biệt trong nhóm học sinh, sinh viên. Vì vậy HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm với TP. Hải Phòng.
Trước những thách thức này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định: “TP. Hải Phòng luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở xác định nhu cầu hoạt động thiết yếu và khả năng đáp ứng của thành phố, UBND thành phố đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn TP. Hải Phòng...”.
Để chấm dứt AIDS vào năm 2030, TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như: Truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế và cộng đồng; mở rộng, nâng cao, và đảm bảo chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị kháng vi rút HIV; triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, qua hệ thống y tế tư nhân…
Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, Hải Phòng đã có nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS, từ đó, từng bước khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho người dân trên địa bàn thành phố.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.