Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 9 năm 2022 | 17:5

Phú Yên chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập

Các địa phương tại Phú Yên trong những ngày qua đã triển khai phương án sơ tán dân. Theo đó, tỉnh sơ tán 15.630 người khu vực ven biển do gió và nước biển dâng; 17.909 người ở vùng lũ, ngập lụt; 2.582 người khu vực lũ quét sạt lở đất.

Ngày 27/9, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên phát đi tin báo khẩn cấp, cảnh báo 24-48 giờ tới, khu vực tỉnh Phú Yên nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ 80-150mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp và sạt lở ở bờ sông, suối, triều cường vùng ven biển.

Từ chiều tối 27/9 đến 28/9, khu vực ven biển và đất liền tỉnh Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Vùng biển ngoài khơi có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13-14, sóng biển cao 5-7m, vùng gần hoàn lưu bão sóng cao 8-10m, biển động dữ dội; đề phòng nước biển dâng khu vực ven biển từ TX Sông Cầu đến TX Đông Hòa có thể đạt mức 1-2m.

Khẩn trương triển khai ứng phó với bão Noru

Chiều 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ký, phát đi Công văn hỏa tốc ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ, yêu cầu Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ vận hành điều tiết xả nước qua tràn ngày 27/9.

Theo đó, bắt đầu từ 15 giờ 30 phút ngày 27/9, xả qua tràn cộng vận hành máy là 1.500m3/s; từ 19 giờ, xả qua tràn cộng vận hành máy là 2.000m3/s. Duy trì đến khi lũ đến hồ đạt đỉnh, sau đó xả để mực nước hồ duy trì ở mức nước trước lũ +103m. Công ty điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp thực tế, không làm thay đổi lưu lượng đột ngột.

Ngoài việc vận hành xả nước qua tràn của thủy điện Sông Ba Hạ, các hồ chứa thủy điện Sông Hinh và Krông H’Năng cũng đang thực hiện xả nước đón lũ. Lưu lượng mỗi hồ xả về hạ du phổ biến từ 56-1.600m3/s.

Ông Trần Hữu Thế cũng yêu cầu Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thực hiện đầy đủ các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân cách nhận biết tín hiệu còi báo xả lũ, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống khẩn khấp hoặc vỡ đập. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng... để sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ đập an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 51 hồ chứa nước, trong đó có 4 hồ thủy lợi hơn 10 triệu m3 gồm: Đồng Tròn, Phú Xuân, Suối Vực và Mỹ Lâm, dung tích các hồ phổ biến 35-64% so với dung tích thiết kế. Với các hồ chứa nước có dung tích nhỏ do các địa phương quản lý, hầu hết hình thức tràn xả lũ là tràn tự do khi có lũ.

Các địa phương tại Phú Yên trong những ngày qua đã triển khai phương án sơ tán dân. Theo đó, tỉnh sơ tán 15.630 người khu vực ven biển do gió và nước biển dâng; 17.909 người ở vùng lũ, ngập lụt; 2.582 người khu vực lũ quét sạt lở đất.

Các tàu thuyền chằng néo lại dây thuyền trước khi bão vào đất liền

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão tại một số địa phương xung yếu ven biển như TX Sông Cầu và huyện Tuy An.

Ông Trần Hữu Thế cho biết: Toàn tỉnh Phú Yên có tổng số 102.523 ô lồng nuôi trồng thủy sản/2.516 bè/5.605 lao động. Chỉ tính riêng TX Sông Cầu đã có 82.696 ô lồng/2.018 bè/với 4.780 lao động. Ngoài việc tập trung di dời dân ven bờ trong vùng nguy hiểm, tỉnh cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị, vận động đưa hết trên 5.600 lao động đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ trước khi bão tới.

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top