Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 1 năm 2024 | 15:58

Phú Yên phấn đấu tự cân đối ngân sách từ năm 2035

Chiều 10/1, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh báo cáo tóm tắt nội dung Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.


Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn phát biểu.

Về kinh tế, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8,5-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 95-98 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 190-200 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, đô thị phát triển theo hướng thông minh.

Về xã hội, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1,5% năm 2030. Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 23.000-25.000 lao động. Tuổi thọ bình quân đạt 75,5 tuổi; thời gian sống khỏe mạnh (tính theo năm) đạt trên 68 tuổi. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%; đạt 42-44 giường bệnh/10.000 dân; 12 bác sĩ/10.000 dân.


TP.Tuy Hòa nhìn từ trên cao

Về bảo vệ môi trường, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 48%; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 95%. Các đô thị phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu vực đô thị loại I đạt mức tối thiểu 50% và trên 20% (đối với các loại đô thị còn lại).

Về kết cấu hạ tầng, hoàn thành đầu tư khung hệ thống kết cấu hạ tầng: Cảng biển, sân bay hiện đại. Đường cao tốc kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực và cả nước. Hạ tầng số đủ năng lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. Hạ tầng đô thị cơ bản được đầu tư hiện đại và tổ chức tốt. Hạ tầng khoa học công nghệ và đào tạo phát triển hình thành một điểm (hub) về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt khoảng 30%.

Toàn cảnh hội nghị

Tỉnh cũng chủ động nắm chắc tình hình, dự báo, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động bất ngờ; thực hiện phòng, chống hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị công được vận hành chủ yếu theo cơ chế của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc…

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top