Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 12 năm 2023 | 16:23

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn...

Ngày 12/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo chuyên đề cung cấp thông tin về các sự kiện “Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; Lễ kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì họp báo.

Quang cảnh họp báo

Quang cảnh họp báo.

Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, diễn ra từ 09 giờ ngày 24/12 tại Nút giao cuối tuyến dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi).

Tham dự Lễ sẽ có Lãnh đạo Đảng, Nhà  nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; đại biểu trong tỉnh; Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Ngãi tại một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên,  Khánh  Hòa; các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư,…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền thông tin tại họp báo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền thông tin tại họp báo.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030  là tỉnh phát triển khá của cả nước

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển KT - XH, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước

Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển KT - XH đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được tiếp cận một cách hệ thống, đa chiều; dựa trên sự phát triển bền vững cân bằng giữa 3 yếu tố: KT - XH - môi trường. Từ đó, quan điểm lập Quy hoạch dựa trên 05 khía cạnh: Biến thách thức thành cơ hội; phát triển bền vững; phát triển tập trung; tập trung vào phát triển hạ tầng; yếu tố liên kết vùng.

Dựa trên việc phân tích và trao đổi ở các cấp độ, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra 03 tầm nhìn chiến lược: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững. Quảng Ngãi - một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung. Quảng Ngãi phát huy lợi thế riêng có để trở thành Trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, hành lang kinh tế Đông Tây.

Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.

Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo. 

Dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi: Công trình trọng điểm của Quảng Ngãi

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh cho biết: Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư theo quy định. Dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến là 26,88km (trong đó có 09 hạng mục công trình cầu).

Điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi; tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2022-2027.

Công trình Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương chọn là công trình trọng điểm của tỉnh đưa vào danh mục các công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Dự án đi qua 03 địa phương, gồm: Các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi (gồm tổng cộng 11 xã, thị trấn), tổng diện tích quy hoạch xây dựng tuyến đường khoảng 164,5ha/4.194 thửa đất; đầu tư xây dựng mới 10 khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 27,39ha và 01 khu cải táng mồ mả phục vụ cải táng khoảng 1.160 ngôi mộ trên địa bàn các xã: Tịnh Ấn Đông và Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi.

Công trình Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi sẽ được tổ chức triển khai thi công hoàn thành trong thời gian 24 tháng đảm bảo yêu cầu về chất lượng và mỹ thuât. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt; đồng thời hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến thành phố Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam; đồng thời, tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi; giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là trong giờ cao điểm hiện đang bị quá tải; đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho Nhân dân.

Kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi diễn ra ngày 23/12

Đại diện Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi cho biết, Lễ Kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi sẽ diễn ra lúc 9h00 ngày 23/12 tại Mặt bằng trước Văn phòng VSIP Quảng Ngãi; Số 8, Đại lộ Hữu Nghị, Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore.

Dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là dự án thứ 5 của VSIP tại Việt Nam

Dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là dự án thứ 5 của VSIP tại Việt Nam.

Dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là dự án thứ 5 của VSIP tại Việt Nam và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 23/4/2012, điều chỉnh lần thứ 1 ngày 30/6/2015; Quy mô diện tích: Khoảng 660ha (trong đó, đất KCN khoảng 615ha và đất Khu dịch vụ hỗn hợp khoảng 45ha). Tổng vốn đầu tư dự: Khoảng 2.936.934.000.000 đồng, tương đương khoảng 139.854.000 USD; trong đó: Vốn góp để thực hiện dự án: 587.386.800.000 đồng, tương đương 27.970.800 USD. Xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động từ Quý I/2013.

Lũy kế đến nay, tại KCN VSIP Quảng Ngãi, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 01 tỷ USD. Trong đó, có 34 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Singapore... và tập trung vào các lĩnh vực như dệt may, giày da, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ôtô, thiết bị y tế... Hiện có 26 dự án đã đi vào hoạt động và có những đóng góp vào sự phát triển KT, XH của tỉnh Quảng Ngãi.

Tại buổi lễ, dự kiến sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án cấp mới vào KCN VSIP Quảng Ngãi trong năm 2023 với tổng vốn đăng ký khoảng 69,3 triệu USD (dự án Nhà máy sản xuất vải Sedo – Dung Quất, dự án Nhà máy sản xuất vật dụng trang trí bể cá cảnh Yusee – Techlink Quảng Ngãi, dự án Nhà máy sản xuất hàng thể thao vật liệu mới kỹ thuật Hui Feng Quảng Ngãi và dự án Nhà máy sản xuất vải Z-Wovens Quảng Ngãi) và 02 dự án đầu tư mở rộng với tổng vốn tăng thêm khoảng 10,8 triệu USD (dự án Nhà máy gia công và sản xuất nệm Gesin Việt Nam - Dung Quất và dự án Nhà máy bao bì YFY tại Quảng Ngãi).

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top