Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của Tết Việt. Chiếc bánh chưng gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước gắn với nét đẹp văn hóa truyền thống của nước ta.
Cả gia đình cùng quây quần gói bánh chưng.
Tết cổ truyền trong mỗi người dân đất Việt sao thiếu được những dư vị thân quen: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn để cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.
Biết bao câu chuyện, giá trị truyền thống cùng những kỷ niệm đẹp được tái hiện trong quá trình các bậc cao niên hướng dẫn con trẻ gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tôi nhớ như in những hình ảnh thuở bé háo hức Tết đến nhường nào, là không khí rộn ràng được xem ông bà, bố mẹ gói bánh chưng, là con trẻ quây quần bên bếp lửa ấm hồng trông nồi luộc bánh. Đó có lẽ là những dư vị Tết đẹp nhất trong tâm thức của biết bao người mỗi khi Tết đến Xuân về.
Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà. Hình ảnh ông bà, các bậc cao tuổi ngồi hướng dẫn con cháu gói bánh chưng gợi lên biểu tượng gia đình sum vầy, đầm ấm, một cảm xúc rạo rực đến nao lòng.
Trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...
Bên ngoài của chiếc bánh chưng là lá dong gói có sẵn trong tự nhiên, bên trong được chế biến từ gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt lợn và gia vị tiêu thơm cay, muối đậm đà... đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chiếc bánh được tạo nên bởi bao tâm sức, tình cảm và niềm hy vọng. Trước tiên, bánh chưng dùng để dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mọi việc suôn sẻ; và sau đó là cả nhà sẽ cùng nhau sum vầy thưởng thức. Bánh chưng nhà làm còn để biếu tặng người thân, bạn bè - những người mà mình yêu thương, trân quý.
Vì bánh chưng chứa đựng giá trị truyền thống của dân tộc nên hoạt động gói bánh được nhiều gia đình coi trọng, gìn giữ. Đó cũng chính là dịp để hướng dẫn và nhắc con cháu những bài học trân quý, những giá trị sống sâu sắc.
Gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà đều gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Dưới đây là một số hình ảnh gói bánh chưng xanh chuẩn bị Tết trên khắp các miền quê trong những ngày cận Tết:
Mỗi người một công đoạn, các em nhỏ được phân công nhiệm vụ lau sạch lá dong để cùng nhau chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh chưng.
Tỉ mỉ cắt lá dong để chuẩn bị đặt vào khuôn gói bánh.
Cách treo lá dong nhanh khô sau khi được rửa sạch bằng nước.
Gạo nếp được trộn với nước giềng xay để tạo nên màu bánh xanh tự nhiên và thơm mùi lá.
Đỗ được đồ lên chuẩn bị làm nhân bánh.
Nhân bánh không thể thiếu thịt lợn được tẩm ướp gia vị mắm muối cùng với hành và hạt tiêu.
Những nguyên liệu gần gũi và thân quen dưới bàn tay khéo léo của người gói đã tạo nên những chiếc bánh chưng mang đậm dư vị ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Sau 1 lớp lá là 1 lớp gạo nếp và nhân thịt đậu được đặt giữa bánh cân đối.
Lá dong đặt vào khuôn để chuẩn bị gói bánh chưng.
Nếu gói bánh chưng, bánh tét (bánh tròn dài) không thể thiếu công đoạn thắt gióng để buộc bánh này.
Nhà nhà đều gói bánh chưng chuẩn bị ngày Tết.
Đây chính là một dịp để hướng dẫn và dạy con cháu những bài học trân quý, những giá trị sống sâu sắc.
Bánh chưng sau khi được gói xong sẽ cho vào nồi đổ ngập nước để chuẩn bị luộc bánh.
Công đoạn luộc bánh rất quan trọng, cần tiếp củi, tiếp nước và đun đều lửa từ 10-12 giờ đồng hồ để bánh chín đều và thơm.
Các bạn nhỏ háo hức thức cả đêm để trông nồi bánh
Dịp Tết là thời gian để cả gia đình cùng ngồi lại quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng và chuyện trò thật ấm áp.
Gói bánh chưng chứa đựng giá trị truyền thống của dân tộc nên hoạt động gói bánh được nhiều trường học, gia đình coi trọng, gìn giữ và lưu truyền hướng dẫn cho các thế hệ con cháu học cách gói bánh.
Ấm áp bên bếp lửa hồng trông nồi bánh chưng ngày Tết.
Chiếc bánh được tạo nên bởi bao công sức, tình cảm và niềm hy vọng./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.