Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 11 năm 2022 | 16:7

Quốc hội "chốt" GDP năm 2023 khoảng 6,5%

Chiều 10/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với tỷ lệ 465/466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội).

Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Nghị quyết cũng đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8% ha tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%..

Nghị quyết của Quốc hội cũng nhấn mạnh 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Trọng tâm được đặt ra là theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau”.

Đáng chú ý, nghị quyết nhấn mạnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID19. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ban hành phương án xử lý có hiệu quả, kịp thời các tình huống, các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; nỗ lực nghiên cứu, tự sản xuất các loại thuốc phòng, chống dịch. Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra.

“Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” – nghị quyết thể hiện rõ.

GDP năm 2023 khoảng 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% là khá cao, song cũng có ý kiến đánh giá mức này là thấp so với mức 8,83% trong 9 tháng năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2023, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao và dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát, suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế, đối tác lớn, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2023.

Trước ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “dứt điểm” trong nội dung “Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, hóa chất”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có nhiều nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành và địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm..., đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh.

“Vì vậy, việc giải quyết “ngay lập tức”, “dứt điểm” cần được nhấn mạnh và quan tâm thực hiện” – ông  Vũ Hồng Thanh nói.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top